(Hieuhoc-Hieuhoc.com) Làm thế nào để khả năng tập trung trở thành thói quen, tập trung một cách tự nhiên như là một phản xạ, tập trung mà không có sự gò bó và có thể dễ dàng tập trung trước mọi tình huống, bất kỳ ở đâu khi nào?
Khi biết được các nguyên nhân gây mất tập trung, dù cố gắng các giải pháp của bạn cũng chỉ có thể cải thiện nó chút ít. Ví dụ như bạn có mục tiêu phải đạt, bạn lập kế hoạch cho những việc mình cần ưu tiên, nhưng khi thực hiện có thể bạn sẽ cảm thấy chán, “Tại sao tôi phải làm những việc này?”, và bạn sẽ có đủ lý do để không phải tập trung.
Đôi khi nếu bạn có thể nghiêm khắc với mình, bạn cố gắng tập trung và lại mất tập trung vì mệt, mệt lắm! – Cách giải quyết ổn nhất lúc này có lẽ là bạn nên nghĩ ngơi đi thôi, bạn nghĩ vậy. Nhưng cuộc sống đâu có chờ bạn, bạn luôn bận rộn với nhiều thứ khiến bạn bất an, không chỉ học hành và làm việc, mà còn có nhiều mối bận tâm khác như gia đình, bạn bè, tình yêu, giải trí…
Thế thì bạn nghĩ, có lẽ tôi phải có giải pháp khác để mình tập trung hơn, tôi cần phải cho mọi người biết rằng tôi đang rất bận, đang cần tập trung, xin đừng quấy rầy – cám ơn. Rồi tìm một nơi yên tĩnh, tắt điện thoại, tránh xa mạng xã hội và máy tính… chẳng có ai rì rầm, chẳng còn việc gì xảy ra khiến bạn bị phân tâm nữa ngoại trừ, chính những suy nghĩ phát sinh hổn độn trong đầu là nguyên nhân chính cho sự mất tập trung. Bạn thấy đó, đầu óc bạn chịu áp lực căng thẳng và làm việc không hiệu quả khi phải dàn trải cho nhiều vấn đề cùng lúc. Làm sao bạn có thể tập trung vào vấn đề khi có quá nhiều suy nghĩ không liên quan đang quấy rối đến vấn đề mà bạn đang cần tập trung?
Vậy nên dù có nhiều giải pháp giúp bạn tăng cường khả năng tập trung, bạn có thể thực hiện theo nó, và may mắn nếu thật sự phù hợp với bạn, nó có thể giúp bạn cải thiện chút ít trong thời gian ngắn. Nhưng làm thế nào để khả năng tập trung trở thành thói quen, tập trung một cách tự nhiên như là một phản xạ, tập trung mà không có sự gò bó và có thể dễ dàng tập trung trước mọi tình huống, bất kỳ ở đâu khi nào?
Đó là bất kì cái gì bạn làm, bạn làm một cách toàn bộ. Đó chính là sự hiện hữu ngay công việc mà bạn muốn làm và đang làm. Bạn chỉ xác định mục tiêu là tập trung thôi, không cần tạo ra thêm nhiều giải pháp. Ngay lúc biết mình đang mất kiên nhẫn (à! mình đang bồn chồn đây) thì bạn có thể có quyết định ngay là tiếp tục bối rối như thế hoặc thay đổi. Cũng vậy, khi bạn đang tập trung, nếu nhận biết sự lơ đễnh của mình, nhận biết sự mất tập trung của mình vì tác động bên ngoài hay vì những ý nghĩ lung tung trong tâm trí, nhận biết này giúp bạn hoàn toàn có thể quay lại với sự tập trung như lúc ban đầu, hẳn nhiên với điều kiện là bạn vẫn còn muốn tiếp tục tập trung để làm đúng công việc mà bạn đang làm.
Chúc bạn thành công.
Trương Đăng Khoa (Hieuhoc-Hieuhoc.com)