Hỏi: Tôi đang làm việc ở một nơi tương đối “ngon” – một chỗ đứng mà nhiều người mơ ước. Nhưng tôi thấy có nhiều người bạn còn “ngon” hơn tôi, trong khi trình độ của họ không bằng tôi. Liệu có nên “nhảy cóc” để tìm một chỗ làm mới, triển vọng hơn?
Trả lời: “Nhảy cóc” trong việc làm và nghề nghiệp (còn gọi là “nhảy việc”) thường xảy ra với những bạn trẻ. Thực tế, có nhiều người được trả lương không tương xứng với công sức bỏ ra, hoặc bị sếp đối xử không tử tế, thậm chí bị xúc phạm. Trong những trường hợp như thế, việc “nhảy cóc” nhìn chung là hợp lý. Nhưng cũng có nhiều trường hợp cần cân nhắc hết sức kỹ lưỡng, tránh chủ quan. Bạn có thể tham khảo một trường hợp “nhảy cóc” sau đây:
Lúc được nhận vào làm việc cho công ty X (với vốn đầu tư 100% của nước ngoài), anh P.Đ.N. mới chỉ có trình độ kỹ sư cơ khí và một bằng C ngoại ngữ. Làm được 3 tháng, thấy P.Đ.N. thông minh và có triển vọng về tay nghề, công ty đã đài thọ cho anh đi tu nghiệp tại nước ngoài 2 tháng. Về lại công ty X, thể theo nguyện vọng riêng, công ty X tiếp tục đài thọ để anh học thêm một ngoại ngữ khác. Đồng thời, công ty X cũng tạo thời gian cho anh theo dự lớp đào tạo tại chức (do Bộ GDĐT và Trung tâm Pháp-Việt đào tạo về quản lý cùng phối hợp tổ chức), lấy bằng Thạc sĩ quản trị kinh doanh. Có thêm bằng cấp và ngoại ngữ, anh P.Đ.N. trở thành người làm việc đắc lực cho công ty, uy tín và cả lương bổng đều được tăng.
Không thỏa mãn ở mức đó, sau hơn 4 năm làm cho công ty X., anh lặng lẽ viết đơn xin việc gửi đi bốn nơi khác, cả 4 nơi đều có giấy mời anh đến dự phỏng vấn, nhưng anh chỉ chọn nơi có thu nhập cao nhất và có thể thăng tiến nhiều hơn, để được phỏng vấn. Đó là một khu chế xuất (KCX), họ vui mừng khi thấy trong lý lịch trích ngang, anh P.Đ.N. ghi “đã có nhiều kinh nghiệm làm việc trong công ty X.”. Buổi phỏng vấn đầu tiên và qua trắc nghiệm tổng quát, người tuyển dụng của KCX thấy rõ thế mạnh của anh P.Đ.N. về năng lực.
Đến buổi thứ hai, họ hỏi: “Anh nghĩ sao mà không muốn làm cho công ty X, lại đến với KCX chúng tôi?” Anh P.Đ.N. rất tự tin và muốn thể hiện chí khí khi trả lời: “Đơn giản vì tôi hy vọng ở KCX là nơi tôi sẽ có điều kiện để tiến bộ hơn về chuyên môn, và do đó sẽ đóng góp tốt hơn cho KCX”. Họ hỏi tiếp: “Vậy sau một thời gian làm cho KCX chúng tôi, khi anh đã tiến bộ hơn, liệu anh có “bỏ” chúng tôi không?”. Đến lúc này anh P.Đ.N. ngập ngừng nói: “Không, nếu KCX vẫn nhiệt tình giữ tôi thì làm sao tôi bỏ KCX được!”
Thực ra, câu hỏi cuối cùng của họ là để “thử” thêm lần chót trước khi quyết định. Vài ngày sau, họ trả lời từ chối khéo, với lý do: “Anh rất giỏi chuyên môn và giàu nghị lực. Nhưng chúng tôi không chỉ chọn năng lực”… Anh P.Đ.N đâu có ngờ rằng, sau buổi phỏng vấn lần đầu, họ đã gửi fax tới hỏi công ty X. Từ bên kia, công ty X. trả lời: “Đó là một kỹ sư giỏi, một thạc sĩ giỏi của chúng tôi. Chúng tôi rất ưu ái và nâng đỡ để anh ấy trưởng thành hơn. Nhưng, nếu một người như thế mà tự ý ra đi, chúng tôi không giữ, mà cũng không tiếc. Bởi vì, chúng tôi cần người tài năng nhưng biết sống đôn hậu, có trước có sau…”
Thiết tưởng, sống đôn hậu không chỉ là một nghệ thuật giao tiếp trong thế thái nhân tình, còn là một tính cách, một đức hạnh không thể thiếu trong cách ứng xử, trong sự cộng tác, trong việc hành nghề. Theo thống kê của Văn phòng tư vấn cung ứng lao động Quận 10 (TP. HCM) cho biết: Tính trung bình, cứ 10 trường hợp “nhảy cóc”, có đến 6 trường hợp bị từ chối khi xin làm ở nơi khác. Còn ba trường hợp khác được nhận, nhưng cuối cùng thấy không bằng làm nơi cũ. May lắm mới được 1 trường hợp “nhảy cóc” mà “ngon lành”!
(Theo huongnghiep.com.vn)