(Hiếu học). Học kỹ năng sống đang là lời mời gọi hấp dẫn không chỉ đối với giới học sinh, sinh viên mà còn với nhiều người, nhiều giới khác nhau. Đây cũng là lúc các công ty, đơn vị kinh doanh lĩnh vực giáo dục đặc biệt này mọc lên nhan nhản. Không ít người ăn nên làm ra, thậm chí làm giàu nhờ mở trường dạy kỹ năng.
Xu hướng đó nói lên điều gì? Và liệu chỉ với vài tuần theo học có giúp trẻ hình thành kỹ năng sống thực thụ … Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ tâm lý Trần Thị Giồng, người đã tốt nghiệp chuyên ngành tư vấn tâm lý và trị liệu tại đại học De Lasalle (Philippines).
Có tờ báo giật tít rằng cả xã hội đang “đua nhau đi học… sống”, thưa bà, điều này hiện đang phản ánh một nhu cầu có thật của xã hội Việt Nam, hay chỉ là một thứ mốt thời thượng, một thứ phong trào của những người có tiền?
Thật ra, kỹ năng sống là một nhu cầu rất thiết thực cho cuộc sống của chúng ta. Sống có kỹ năng vẫn luôn hiệu quả hơn chứ? Ví như nhà bạn được một anh chuyên viên nắm rõ mọi kỹ thuật thì chắc chắn sẽ đẹp hơn, đủ chức năng và tiện ích hơn nhiều so với những căn nhà được làm cho có chổ ở.
Sống một cuộc đời thành tựu và có giá trị thật cũng không phải dễ vì thế nhu cầu học hỏi để thăng tiến phẩm chất đời mình là điều chính đáng. Những nơi tổ chức cũng như những người theo học, hai bên đều có nhu cầu thật, có cầu mới có cung, nhưng đôi lúc cung đã tạo nên cầu như biết bao thứ hàng hóa xa xỉ mà khoa học kỹ thuật đã sản xuất và đang quảng cáo… Có lẽ vì thế đã nở rộ các lớp kỹ năng sống chăng? Tuy nhiên, sự nở rộ này cũng là một dấu chỉ thời điểm cho chúng ta thấy dân chúng bây giờ chú ý đến giá trị và phẩm chất tinh thần, có nghĩa là mức sống dân mình đang khá lên. Khoảng vài chục năm trước, dân chỉ lo “ăn no mặc ấm”, nhưng sau đó thì là mong “ăn ngon, mặc đẹp”, bây giờ lại tìm cách tăng phẩm chất hơn nữa.
Chỉ tiếc rằng, để có thì giờ và có tiền đi học thiì chỉ một số ít người có khả năng này thôi, và bên cạnh nhu cầu thật cũng có một số ít người mới khá lên, muốn chứng tỏ và khẳng định mình nên tìm theo học. Và với sự nhạy bén của thời kinh tế thị trường, nhiều người đã nắm bắt và khai thác nhu cầu này thì cũng là điều bình thường.
Có người cho rằng ngày xưa họ có bao giờ biết đến khái niệm kỹ năng sống đâu mà vẫn sống tốt, vẫn trở thành người có ích cho xã hội?
Bên cạnh sự phát triển và giàu có luôn kèm theo những hệ quả tiêu cực của nó. Dường như con người xa nhau hơn, bon chen hơn, căng thẳng hơn và ích kỷ hơn, theo chủ nghĩa lợi nhuân và mất bớt tính người cũng như tình người. Người ta dễ nổi nóng, dễ tự ái và cũng dễ mất tự chủ hơn. Vì thế học kỹ năng sống là để giúp làm chủ bản thân tốt hơn. Thật ra, một xã hội lành mạnh, giản đơn thì tính thiện trong con người dễ phát triển và ngược lại.
Có lẽ, nhà trường và các đơn vị cần tiên phong trong việc giáo dục kỹ năng sống cho lớp trẻ, cần chú ý cho lớp trẻ thành nhân trước khi thành công. Nhưng có một thực tế là các phong trào và ngành giáo dục dường như chú ý quá nhiều đến lượng kiến thức, đến đạt kế hoạch mà xem nhẹ bản chất. Cũng có những lớp dạy kỹ năng sống nhưng nội dung đặt nặng sự thành đạt hơn thành nhân. Theo thiển ý, một người thành nhân, sự thành đạt sẽ không bao xa, nhưng một người thành đạt chưa chắc đã thành nhân.
Trong gần 40 năm làm nhà giáo, nhìn biết bao thế hệ qua tay mình, tôi vẫn luôn xác tín điều trên. Thật tiếc là sách dạy con làm giàu nhìn rất bắt mắt và nhan nhản trên kệ các nhà sách lớn nhỏ. Bên cạnh đó, khát mong cái Thiện và cái Mỹ vẫn còn là nỗi thao thức đau đáu trong lòng người. Nếu gia đình và ngành giáo dục chăm lo đúng mức lãnh vực này thì con em hay người lớn chẳng cần mất thêm tiền và mất thời giờ đi học thêm kỹ năng sống làm gì!
Gần đây, nhiều nơi đưa ra những mô hình giáo dục kỹ năng sống được xã hội quan tâm, bà nhận xét như thế nào tính hiệu quả của những khoá học kỹ năng sống trong thời hạn hai, ba ngày hay hơn nữa đối với sự thay đổi hành vi, nhận thức của học sinh?
Để hình thành một nhân cách, là cả một tiến trình dài và dày công rèn luyện, cùng làm chủ bản thân. Chăc chắn cha mẹ và thầy cô, những tác nhân gần gũi nhất với đời sống của con em mơí là những yếu tố quyết định. Để tạo nên thói quen, không chỉ một vài ngày, vài tuần hay vài khoá, mà là một quá trình đào luyện và cần cả nổ lực và ý chí kiên trì nữa.
Chúng ta không thể phủ nhận sự hiều biết sẽ là tiền đề cho hành động, vì thế những khóa học về kỹ năng sống là phương tiện rất tốt giúp cải thiện cuộc sống, nhưng “biết” không đương nhiên là “có”, và “có” không đương nhiên là “biết”. Một người biết nhiều chưa phải là người sống có phẩm chất thật. Vì thế, mong những bậc cha mẹ cần quan tâm tới con từ sớm, nếu không, khi chúng đã hình thành tính cách thì có khi kiến thức kỹ năng chỉ là những chiếc áo khoác, là vật ngoài thân chứ không phải là bản chất thật.
Một số bậc cha mẹ sẵn sàng đóng tiền cho con mình đi học cốt để an tâm, thậm chí không quan tâm con mình học được gì ở đó. Và như vậy đôi lúc học kỹ năng sống tạo cho trẻ cái ảo tưởng mình là thế, nhưng thật sự không phải thế (Hè về! Nhu cầu cho con em học những lớp kỹ năng hè của nhiều bậc phụ huynh cũng đang tăng cao).
Tóm lại, có thêm nhiều lớp học hay người học kỹ năng sống cũng tốt, nếu như lớp có chất lượng, người học có thực lực, chứ không phải là mốt thời thượng để khoe khoang hay để kinh tài. Những lớp học đắt tiền, không đương nhiên làm cho mình thành người biết sống, mà là do bản thân tự đào luyện, điều này cần thời gian, cần nghị lực. Dĩ nhiên kiến thức cũng là một yếu tố có lợi, nhưng kỹ năng thì không chì có qua trường lớp, mà còn qua sự trải nghiệm, quan sát suy ngẫm… và điều này, ai cũng có thể làm được, không phân biệt tuổi tác hay giàu nghèo. May thay!
PV: Cảm ơn bà!
Theo: “Kỹ năng sống không phải món thời thượng…” (Như Thuần/SGTT).