Bao lần tôi định viết về anh, nhưng viết được vài chữ tôi lại ngập ngừng. Anh – người tôi không nhớ mặt, cũng không biết anh sống ở đâu, làm gì, chỉ biết mỗi khi nhớ về anh trong tôi tràn dâng cảm giác xấu hổ, ân hận…
Ngày đó, tôi đang học lớp 10. Trước Tết Nguyên đán hai tháng, bố mẹ tôi quyết định sửa nhà. Gọi là sửa nhà nhưng thật ra chỉ sửa một chút gian bếp và nhà tắm. Tốp thợ có ba người, hai thợ chính và anh – thợ phụ. Anh kể với bố mẹ tôi anh đang là sinh viên khoa toán Đại học Sư phạm Hà Nội, anh học buổi chiều, buổi sáng đi phụ giúp anh họ.
Anh chăm chỉ, chẳng nề hà việc gì. Mẹ tôi quý anh lắm, sáng nào anh đến mẹ tôi cũng nấu bát mì tôm có thịt, hành, rau mùi cho anh ăn. Buổi trưa mẹ cũng bảo anh vào ăn cùng gia đình rồi mới về đi học.
Mẹ tôi luôn miệng khen anh: “Đấy, con thấy đấy, anh ấy sống xa bố mẹ, phải vất vả bươn chải mà ngoan ghê cơ. Mẹ định sau này khi cậu ấy tốt nghiệp, nếu thích mẹ sẽ xin cho cậu ấy về cơ quan mẹ…”.
Tôi học kém môn toán nên thỉnh thoảng lại nhờ anh “quân sư”. Tôi cũng định bảo mẹ thuê anh làm gia sư, kèm tôi môn toán.
Chỉ còn vài hôm nữa là công trình sửa sang nhà cửa hoàn thành. Sáng đó mẹ đưa tôi một tờ 50.000 đồng và dặn: “Mẹ định có chút quà cho cậu ấy, trưa nếu mẹ không về kịp thì con đưa hộ mẹ nhé, nhưng mẹ sẽ cố gắng về sớm”.
Tôi để tờ 50.000 đồng lên nóc tủ lạnh rồi đi học bài. Đến giờ nấu cơm, chợt nhớ đến tờ 50.000 tôi nhìn lên nóc tủ lạnh thì không thấy đâu. Mà từ sáng đến giờ chỉ có tôi và anh. Hôm nay hai anh thợ chính lại không đến. Thế không anh thì ai vào đây? Tôi bắt đầu nghi ngờ anh. Thỉnh thoảng tôi lại liếc nhìn xem thái độ anh thế nào.
Đến trưa mẹ về, tôi kể là tiền đã bị mất, mẹ tôi ngỡ ngàng lắm. Tôi khẳng định “chỉ có anh” nhưng mẹ vẫn một mực bênh anh. Thế rồi từ hôm đó đến hôm kết thúc công trình tôi không nói chuyện cũng không chào hỏi gì anh.
Mẹ vẫn mời anh ở lại ăn cơm trưa nhưng hình như anh linh cảm thái độ của tôi nên không ở lại. Tôi dặn đi dặn lại mẹ là không được thưởng cho anh nữa vì anh đã lấy số tiền đó. Tôi thất vọng lắm, lúc nào cũng lẩm bẩm “Đói cho sạch, rách cho thơm” hoặc “Người đâu mà gian giảo thế kia chứ!”.
Bẵng đi một thời gian tôi cũng không nhớ gì đến tờ 50.000 đồng, cũng không còn nhớ đến anh nữa. Chợt một lần nhà tôi thay tủ lạnh mới. Khi nhấc chiếc tủ lạnh cũ ra, cả bố mẹ và tôi đều nhìn thấy tờ 50.000. Mặt tôi bỗng nóng bừng. Mẹ tôi vội kêu: “Thôi chết rồi, đây là tờ 50.000 mà mẹ đưa cho con dạo nhà mình sửa nhà đây mà, thế mà con cứ nghĩ oan cho cậu ấy, khổ thân nó quá!”
Tôi cầm tờ 50.000. Một lớp bụi phủ đầy hai mặt tờ tiền. Những giọt nước mắt nhè nhẹ rơi xuống tạo thành những hình tròn loang lổ. Tôi ân hận quá! Nghĩ lại hành động và suy nghĩ không tốt mà tôi dành cho anh, tôi thấy mình thật hồ đồ và nhỏ nhen. Nhưng tôi không biết anh đang ở đâu để có thể nói lời xin lỗi!?
Lại một mùa xuân nữa sắp về. Nhìn những ngôi nhà sắp hoàn thiện hoặc đang sửa sang tôi lại thấy day dứt lạ kỳ. Nó làm tôi nhớ đến anh, nhớ đến một thời nông nổi của tôi. Đã nhiều năm trôi qua, dẫu không còn nhớ khuôn mặt anh nhưng tôi vẫn mong được gửi tới anh lời xin lỗi. “Hãy tha lỗi cho em, anh nhé!”.
Theo: Tờ 50000 đồng. HƯƠNG UYÊN (Hà Nội)/(TTO)