Hạnh Phúc – Chia Sẻ – Thành Công và giá trị vật chất.

(Hiếu học). Thiếu sự chia sẻ, hạnh phúc thực sự không thể nào có được. Dù trực tiếp hay gián tiếp, môi trường xã hội luôn tác động vào từng cá nhân, và bất cứ sự cọ xát nào cũng có sức hủy bỏ những lợi thế bề ngoài của kẻ quyết tâm làm theo sự ích kỷ hẹp hòi và ti tiện của mình.

Cuộc đời của chúng ta luôn luôn ràng buộc với cuộc đời của những người khác.

Thay vì chỉ đi tìm hạnh phúc riêng cho bản thân, chúng ta phải luôn nhớ rằng: hạnh phúc cá nhân phải cùng tồn tại và đóng góp với xã hội nếu nó muốn được duy trì dù chỉ trong một thời gian ngắn. Cuộc đời của chúng ta luôn luôn ràng buộc với cuộc đời của những người khác. Không nhận thức được điều này thì sẽ rơi vào ích kỷ hẹp hòi. Một thói chủ quan cực đoan như thế không có chỗ đứng trong việc quyết định ý nghĩa của hạnh phúc.

Chúng ta không thể tách mình ra khỏi những mối quan tâm của cộng đồng. Ngay cả giàu sang cũng không mua được sự biệt lập hoàn toàn, trừ khi người ta chịu trả một giá phi nhân loại: tường cao, lính gác… để bảo vệ những tòa lâu đài đẹp đẽ, có thể làm cho cuộc sống vô tư lự kéo dài được một thời gian, nhưng một ngày nào đó ta sẽ chợt tỉnh ngộ nhận thấy mình đã biến thành một kẻ ti tiện hẹp hòi và cô đơn đến nhường nào.

Vậy thì hạnh phúc của ta ở đâu? Hạnh phúc thật sự chỉ có thể đến với chúng ta thông qua sự chia sẻ những nỗi gian lao và những thành công của người khác và của cộng đồng. Cho nên điều cốt tủy là bất kỳ quan niệm đúng đắn nào về hạnh phúc cũng bao hàm lời cam kết tham gia vào cuộc sống xã hội.

Chúng ta có thể thừa hưởng tài sản nhưng không thể thừa hưởng hạnh phúc.

Nếu chúng ta muốn đạt tới một cách định nghĩa phải chăng về hạnh phúc, cần phải xem mối quan hệ giữa hạnh phúc và của cải. Không có một yếu tố nào mà chỉ có một mình nó thôi cũng có sức phá hoại và gây tổn thương cho hạnh phúc của cá nhân và sự yên ổn của toàn xã hội cho bằng sự giàu sang và cách người ta sử dụng của cải. Chắc chắn là trên đời này ít có một khía cạnh nào khác của cuộc sống gây ra nhiều suy nghĩ lầm lạc, đưa đến những kết quả tai hại đến như thế.

Alfred Nobel thật chí lý khi ông nhấn mạnh rằng, tuy có thể thừa hưởng tài sản, song không thể thừa hưởng hạnh phúc. Đó là một trong những bài học quan trọng nhất mà chúng ta mong sẽ học được trong thời đại của sự cạnh tranh gay gắt và của sự ám ảnh duy vật chất này. Người giàu lẫn người nghèo, giám đốc lẫn công nhân, đều không còn có thể tìm thấy một sự tỉnh ngộ quyết định nào, nhất là khi nó có thể cho họ được một giây lát thư thái trong cảnh sống đầy thù hằn để cố nghiệm xem cái gì có chân giá trị.

Nếu chúng ta có thể làm cho ai ai cũng có thể hiểu được cái thực tế bi đát này, tôi tin rằng người ta sẽ bắt đầu phải nghĩ đến việc cải thiện các điều kiện sống trong xã hội, tích cực tìm cách làm điều đó, và cuối cùng sẽ đem lại hạnh phúc cho mọi người.

Nhưng rủi thay, bây giờ đa số đều hành động như thể cái gì mình không thể mang theo được thì ít ra con cháu mình cũng được hưởng tiếp. Người giàu tiếp tục tích cực, làm như hạnh phúc cũng có thể để lại làm di sản cùng với của cải và địa vị. Nhưng càng tích lũy người ta càng thấy thiếu, chỉ vì người ta tự huyễn hoặc mình rằng của cải tích lũy được vẽ như một phép thần nào đó mà biến thành hạnh phúc khi vào tay con cháu. Đó chỉ là ảo giác.

Phần nhiều để lại một tài sản lớn cho con cháu lại làm cho chúng thừa hưởng nỗi bất hạnh chứ không phải là hạnh phúc. Và điều mỉa mai chua xót nhất là kẻ giàu thậm chí cũng không hề vui thú với những việc họ làm. Họ hy sinh hạnh phúc hiện có của họ một cách vô ích để miệt mài cố sao mua được cái ảo giác đó.

Nếu họ biết xét kỹ từ trước, họ sẽ nhận thấy rằng cái thói ti tiện bỉ ổi mà họ đã phải có để tích lũy một gia tài chắc chắn sẽ được truyền lại cho những đứa con cực kì bất hạnh của họ. Ai muốn chứng minh điều đó cho bản thân, thì cứ suốt đời đi tìm phần hơn trong cái hệ thống bất bình đẳng và bấp bênh của xã hội tư hữu này. Nhưng làm như thế thật là lãng phí khả năng của mình.

Khi nhìn thấy rõ sự trống rỗng tột cùng của việc theo đuổi vật chất thuần túy, ta cũng ý thức được rằng tìm niềm vui trong sự san sẻ với người khác thì tốt hơn là cứ sống mà sợ người khác sẽ lấn lướt mình, tìm ra sự bình an trong tâm hồn thì tốt hơn là tiêu phí năng lực một cách vô ích vào việc tích lũy của cải.

Với nhãn quan minh mẫn đó, người ta sẽ cảm thấy có trách nhiệm giúp đỡ những ai còn thiếu thốn hay đang bị cuốn chặt vào mạng lưới “vật chất là trên hết” để họ nhìn ra được sự lầm lạc của mình. Nhưng điểm xuất phát của chúng ta là phải lái được mình ra khỏi những ảo giác về sự giàu sang của bản thân mình. Chỉ có cách ấy mới xây lát nên con đường đi tới hòa bình thông qua sự bình yên của mọi người.

Nếu hiểu được quan điểm đó về tiền bạc và của cải, người ta sẽ không còn hoang phí cuộc đời để lo tích lũy tiền của nữa. Người nào nhận ra điều ấy sẽ cảm thấy niềm vui khi chia sẻ tiền của với người khác. Những người như thế sẽ cố đạt được một trạng thái hạnh phúc và thanh thản vì đã nhìn thấu được những giá trị cốt yếu và trường cửu của cuộc sống chứ không phải mất thì giờ vào việc chạy theo những giá trị vật chất phù phiếm.

Sự nhận biết và thấu triệt giá trị của vật chất trong cuộc sống.

Nhưng giúp người ta nhận biết được điều ấy thật là khó. Lịch sử vẫn còn đầy rẫy những điển hình mù quáng và thiển cận theo đuổi giàu sang, nhưng nếu chưa đạt tới một mức độ nhận chân nào đó thì vẫn cứ mù quáng. Nhưng “mực độ nhận chân” là gì? Ở đây chúng ta gặp phải một điều có vẻ nghịch lý:

Để đạt tới sự nhận biết và thấu triệt giá trị của vật chất trong cuộc sống, phải có một sự thanh thản và một khả năng tinh thần mà xem ra chỉ những người đã có ít nhiều của cải, không phải tất bật lo toan kiếm sống mới có thể nhận chân được. .

Nhưng chính ở điểm này chúng ta cần suy nghĩ cẩn trọng hơn. Mặc dù, ít có ai nhận thức và thấu triệt giá trị của vật chất, nhưng nếu người ta được giúp đỡ để có một ý thức xã hội, thì quan niệm sai lầm vốn có về vật chất sẽ được gở bỏ. Chính cái ý thức xã hội được nâng cao này là cái mà ta phải tập trung chú ý vào chứ không phải là sự nhận chân bằng phản tỉnh một cách thanh thản mà chỉ có một thiểu số là đạt được. Vì vậy, một tư duy tích cực sẽ có đủ sức mạnh thúc đẩy bạn hành động và cách hành động như thế nào sẽ là câu trả lời cho những điều bạn mơ ước, những mục tiêu của bạn để có thể hạnh phúc hay không.

Chúc bạn thành công và hạnh phúc!

TVT/(hieuhoc_hieuhoc.com).

Theo: Giáo dục vì cuộc sống sáng tạo (TSUNESABURO MAKIGUCHI).

Bài liên quan

Tình Yêu, Thành Công và Giàu Có.

(Hiêu học). Hạnh phúc là gì? Phải chăng nó bao gồm Tình Yêu, Thành Công và Giàu Có? Cũng có thể tùy vào hoàn cảnh và mục tiêu mà mỗi người sẽ có câu trả lời khác như Sức Khỏe chẳng hạn. Câu chuyện sau cũng là một đề tài đáng để chúng ta suy ngẫm.

Hãy biết cho đi: Cho đi là niềm hạnh phúc.

(Hiếu học). Đừng níu kéo những gì không thuộc về mình. Cho đi là một niềm vui. Vì cho đi không phải hoàn toàn mất đi, mà là một cách thu hoạch cao thượng. Cho đi là niềm hạnh phúc, vì cho đi khiến tâm hồn mình thêm rộng lượng và cũng đem lại hạnh phúc cho chính mình. Người ta không có hạnh phúc là bởi cứ mãi bám lấy mọi sự trong cuộc sống của mình.  

Có những lúc cảm thấy thù ghét cuộc đời.

(Hiếu học). Tất cả những gì chung quanh trên cuộc đời này như chẳng còn ý nghĩa gì nữa! Có những lúc bạn cảm thấy thù ghét cuộc đời, muốn buông xuôi tất cả. Dù có muốn thừa nhận hay không thì cuộc đời cũng đầy rẫy chuyện khó khăn, đau khổ, mệt mỏi, chán chường và thất vọng… Vậy chúng ta làm sao để thật sự sống cuộc sống có ý nghĩa, vượt qua những trở ngại để không còn cảm thấy thù ghét cuộc đời?  

Cảm giác cô đơn.

(Hiếu học). Các bạn đã trải qua cảm giác cô đơn bao giờ chưa? Hoang mang, không biết sống để làm gì. Sự cô đơn làm đông cứng tâm hồn, cảm thấy không được yêu thương, không được tôn trọng, không được giúp đỡ mà chẳng biết nhờ cậy vào đâu? Đó chính là cảm giác cô đơn!  

Cùng chuyên mục