Tốt nghiệp đại học hàng đầu, có người đã đi làm nhưng giấc mơ bay đã khiến 2 cô gái trẻ vượt qua định kiến, sự khắc nghiệt của nghề nghiệp để trở thành những nữ phi công đầu tiên của Việt Nam.
Tốt nghiệp đại học, đi học lái máy bay
Cách đây vài năm, ngành hàng không Việt Nam lần đầu tiên tuyển nữ học viên phi công. Lúc đó, 7 nữ học viên đầu tiên đã gây sự chú ý của dư luận (Tiền phong số ra ngày 4/11/2006 đã có bài viết).
Những thiếu nữ tuổi đôi mươi đã “cả gan” vượt qua những môn thi mà cánh mày râu cũng phải “chờn”.
Nguyễn Thị Thanh Thủy (sinh năm 1982) và Nguyễn Ly Hương (sinh năm 1983) hơn 2 năm trước trông nhỏ nhắn, chẳng có vẻ bề ngoài như nhiều người tưởng tượng về các phi công.
Trong số 80 học viên qua đào tạo ban đầu, 2 cô gái này lại tiếp tục vượt qua vòng sát hạch “khủng” do những chuyên gia người Pháp trực tiếp đến Việt Nam thực hiện. Những người không đạt thì hoặc bỏ dở ước mơ bay, hoặc tiếp tục bằng cách chuyển sang học nghề tiếp viên.
Lúc ấy, phóng viên Tiền Phong dò hỏi: “Vậy là Việt Nam sắp có nữ phi công?”. Phó Giám đốc Trung tâm huấn luyện bay-FTC (thuộc Tổng Cty hàng không Việt Nam-VNA) Lữ Thông, lắc đầu: “Chặng đường huấn luyện ở Pháp còn gian nan lắm, chưa thể nói trước điều gì”.
Sau đó, tin tức về một số học viên phi công được FTC gửi đi học nước ngoài bị trả về nước vì không theo nổi chương trình học đã khiến cho người ta không mấy kỳ vọng Việt Nam sẽ sớm có nữ phi công.
Ly Hương quê Lào Cai, là chị cả trong gia đình. Tốt nghiệp Đại học Giao thông Vận tải, việc kiếm một công việc tốt là không mấy khó khăn. Bố mẹ, người thân, bạn bè đinh ninh cô kỹ sư giàu nghị lực sẽ theo đuổi ngành đã học.
Đùng một cái, Hương thông báo với bố mẹ là đã trúng tuyển trở thành học viên phi công và phải vào TP.HCM học. Sau khi đã phân tích các khó khăn sẽ phải trải qua, cuối cùng “các cụ cũng tôn trọng ý kiến”. Cô lên đường “Nam tiến” dù biết trước khó khăn hữu hình như màn tập luyện xích đu quay 360 độ nhập trường không đùa với phái yếu.
Thanh Thủy là người Hà Nội, nhà ở Làng Cót (Cầu Giấy). Thủy cũng đã tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân. Cô cử nhân kinh tế là con gái út vốn được bố mẹ cưng chiều này “đầu quân” cho một Cty xuất nhập khẩu rượu. Công việc đang trôi chảy cho đến khi Thuỷ biết tới cuộc thi tuyển học viên nữ phi công của VNA và thi đỗ.
Người thân và bạn bè đều “choáng” khi Thuỷ quyết thực hiện ước mơ trở thành phi công -niềm đam mê từ thủa nhỏ. Người không hiểu còn bảo tốt nghiệp không lo ổn định công việc, lấy một tấm chồng mà lại còn viển vông làm gì nữa. “Bố mẹ là người ủng hộ em” – Thủy tâm sự. Vào TP.HCM, Thủy gia nhập Trung tâm huấn luyện bay với biết bao bỡ ngỡ.
Hai năm và 340 giờ bay ở Pháp
Sang Pháp, Ly Hương và Thanh Thủy được sắp xếp ở chung phòng. Bài học đầu tiên với họ tại Học viện Hàng không ở Montpellier là kiểm tra kiến thức hàng không và khả năng chịu đựng ở trên máy bay.
Phía trước là các giờ học lý thuyết và hàng trăm giờ bay thực hành, nếu không vượt qua sẽ bị “out” (thi rớt), phải về nước ngay.
Chương trình học đầu tiên là bay bằng mắt thường (Visual Flight Rule) với máy bay Diamond DA40 (loại máy bay một động cơ, 4 chỗ ngồi, tính cả ghế phi công). Phải thực hiện 125 giờ bay. Giai đoạn huấn luyện này có một thời điểm mà cả Ly Hương và Thanh Thủy đều không thể quên: Bay “solo” (một mình).
Ly Hương kể: “Sau khi bay cùng thầy giáo vài vòng, vừa tiếp đất thì thầy nói: “Tự tin không, solo nhé?”. Hôm đó là ngày 24/3/2007, sau hơn 2 tháng sang Pháp, mình đã điều khiển máy bay một mình. Lúc đó thích quá nên mình quên đi nỗi sợ. Máy bay tiếp đất an toàn, cảm giác vượt qua chính mình hiện hữu rõ rệt”.
Thanh Thủy bay “solo” vào một ngày đáng nhớ-Ngày thành lập Đoàn (26/3/2007). Thầy giáo hướng dẫn bảo: “Bay được đấy” và thế là Thanh Thủy điều khiển “chim sắt” chao một vòng quanh khu vực huấn luyện. Thầy giáo lúc đó chỉ ngồi trên đài quan sát bằng ống nhòm, mọi liên lạc phi công phải tự thực hiện với Đài kiểm soát không lưu. Điều lo ngại với những học viên phi công là bay đêm bằng mắt thường lại gặp sự cố động cơ máy bay chết đột ngột.
Trong điều kiện hạn chế tầm nhìn, phi công khó tìm điểm hạ cánh tốt. Sau nhiều giờ bay “solo”, Hương và Thuỷ sẽ phải thực hiện bài thi để lấy chứng chỉ bay thương mại: 300 dặm bay trong vòng 3 tiếng đồng hồ trên không, hạ cánh ở 2 sân bay khác nhau.
Vượt qua chương trình bay bằng mắt thường, Ly Hương và Thanh Thủy tiếp tục phải trải qua một thách thức mới là bay bằng thiết bị (Intrument Flight Rule). Đây là chương trình khó hơn rất nhiều, buộc phi công chỉ nhìn vào các thiết bị trong buồng lái để điều khiển máy bay. Để học viên quen với chương trình này, thầy giáo đã phải hạ rèm che kín buồng lái.
“Khác với lúc bay bằng mắt phải tự tin vào bản thân, lần này bọn mình phải tuyệt đối tin vào thiết bị” – Hương nói. Kết thúc 155 giờ bay luyện, Ly Hương và Thanh Thủy phải vượt qua bài sát hạnh mà 2 người có dịp bay chung một máy bay. Cả hai phải bay nhiều giờ đồng hồ ra một hòn đảo rồi lại bay lộn về đất liền.
Có trở thành phi công hay không phụ thuộc vào đợt sát hạch qua chuyến bay biển xa nhất. Cuối cùng, các bạn đồng học đã mở tiệc mừng chiến thắng cùng với 2 nữ phi công Việt Nam.
Tuy nhiên, thách thức chưa hết. Phải mất thêm 6 tuần học chuyển loại máy bay ở Toulouse với 60 giờ bay thì mới tính tới chuyện về nước lái máy bay thực thụ. Lần này lớp học của Ly Hương và Thanh Thủy có 8 học viên nhiều quốc tịch khác nhau.
Học lái máy bay không phân biệt giới tính, nữ thì cũng phải tự lập kế hoạch bay chi tiết, kiểm tra tình trạng máy bay, gửi lên đài điều khiển không lưu (những động tác này khi nào phi công về bay thương mại sẽ có người khác lo liệu). Thời điểm này, Ly Hương và Thanh Thủy chuyển sang lái máy bay ATR 72 (máy bay thương mại hoạt động tầm ngắn).
Nghe qua lịch học trong suốt 2 năm của Hương và Thuỷ chỉ thấy bay và bay cấp tập vì mục tiêu phải hoàn thành chương trình sớm nhất có thể. Thậm chí 30 Tết âm lịch các cô gái cũng phải tập bay, sau đó chỉ được nghỉ một ngày rưỡi để đón năm mới. Kết thúc các khóa huấn luyện, họ về nước ngay.
Ly Hương chỉ kịp về Lào Cai thăm người thân 2 ngày, Thanh Thủy cũng chỉ được nghỉ vài ngày rồi lại vội vã đi khám sức khỏe ở Cục Hàng không Việt Nam trước khi chính thức bay. Bây giờ thì Nguyễn Thị Thanh Thủy và Nguyễn Ly Hương vừa gia nhập tổ bay ATR của Đoàn bay 919.
Dự kiến giữa tháng 11 này, 2 nữ phi công sẽ chính thức lái máy bay. Biết đâu đi máy bay ATR 72, hành khách sẽ được nghe qua loa phát thanh từ buồng lái giọng thánh thót: “Phi công Nguyễn Ly Hương và Nguyễn Thị Thanh Thủy xin cám ơn quý khách đã lựa chọn chuyến bay của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam!”.
Đình Thắng – Nguồn: Tiền Phong