Biết 12 thứ tiếng, trong đó thông thạo tiếng Anh, Hoa, Pháp, Nga; có thể giao tiếp bằng các ngôn ngữ Ả Rập, Đức, Ý, Nhật, Hàn, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan và hiện đang tìm hiểu thêm tiếng Indonesia, Thái Lan. Người có trình độ đáng ngưỡng mộ này là Hà Duy Lộc, một học sinh 18 tuổi chưa một lần vào lớp học thêm ngoại ngữ!
Hà Duy Lộc – đang học lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM – có dáng người cao gầy, mái tóc rậm chen nhiều sợi bạc. Đặc biệt cậu có “đôi bàn tay vĩ đại” mà theo lời giải thích dí dỏm của chủ nhân thì “có lẽ do khi nói chuyện với người nước ngoài, huơ tay nhiều quá…”. Đôi mắt Lộc lấp lánh sự tự tin, ham học hỏi. Chính vì vậy khi một phóng viên nói vui là biết tiếng Campuchia, Lộc cứ năn nỉ được “thọ giáo”…
Lần đầu tiên Lộc được tiếp xúc với tiếng Anh – cũng là ngôn ngữ nước ngoài đầu tiên – là vào đầu năm lớp 6. Khi vào học, thấy trong lớp có một số bạn người Hoa nên Lộc tìm hiểu và học giao tiếp bằng ngôn ngữ này. Biết được tiếng Hoa là một trong những ngôn ngữ giao tiếp chính trên thế giới, do vậy khi làm hồ sơ thi vào lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Lộc đăng ký vào lớp chuyên tiếng Hoa.
Ngày khai giảng năm học đầu tiên ở Trường Lê Hồng Phong, “khi nghe giới thiệu về ngôi trường đã từng mang tên học giả Petrus Ký – người biết 26 ngôn ngữ trên thế giới, tự nhiên em có cảm giác lâng lâng, tự hào và nảy ý định noi gương ông” – Lộc kể lại. Bên cạnh đó, môi trường học tập của Trường Lê Hồng Phong lúc nào cũng sôi động, kích thích sự thi đua của các học sinh với nhau. Thế là ngoài giờ học trên lớp, làm bài tập ở nhà, tranh thủ thời gian ít ỏi còn lại, Lộc lượn lờ khắp các tiệm sách cũ để tìm tài liệu về ngôn ngữ.
Theo tiết lộ của mẹ thì có bao nhiêu tiền học bổng, tiền thưởng qua các kỳ thi học sinh giỏi thành phố, kỳ thi Olympic 30/4, rồi tiền lì xì… Lộc đều dành để mua sách và một máy vi tính cũ phục vụ cho việc truy cập website tìm tài liệu, học bổng toàn phần về ngôn ngữ… Học sinh Trường Lê Hồng Phong cũng đã quen với hình ảnh một bạn trai hay lân la làm quen, nói chuyện với học sinh các lớp chuyên ngoại ngữ khác hoặc đứng bên ngoài nghe lỏm bài giảng. Các thầy cô cũng đã biết tiếng Hà Duy Lộc – cậu con trai người gác trường ham học ngoại ngữ – nên đã tìm cho nhiều tài liệu và tạo điều kiện để Lộc tham gia các hoạt động khi có học sinh nước ngoài đến giao lưu.
Mỗi buổi tối, Lộc dành thời gian một tiếng đồng hồ cho việc học từ vựng và ngữ pháp tiếng nước ngoài. Từ những cuốn sách, tài liệu có được, Lộc kiên trì tự làm một tự điển tra cứu với ngôn ngữ khởi đầu là tiếng Anh và kết thúc là tiếng Việt. Lộc chia trang giấy thành 15 cột, mỗi cột tương ứng là một ngôn ngữ. Còn về ngữ pháp thì Lộc tìm hiểu và rút ra những đặc trưng của từng thứ tiếng để việc học được dễ dàng. Nếu như học tiếng Anh thì nên tìm hiểu nhiều về thành ngữ; tiếng Nga, Đức, Pháp, Tây Ban Nha phải chính xác khi xác định giống của danh từ; còn tiếng Hàn, tiếng Nhật phải chú ý động từ để cuối câu, cách dùng trạng thái động từ. Đặc biệt tiếng Hoa thì phải nhớ được 214 bộ và các nét viết cơ bản…
Theo kinh nghiệm của những giáo viên có thâm niên dạy tiếng nước ngoài thì để học tốt ngoại ngữ không chỉ cần thông minh, chăm chỉ, kiên trì mà còn phải có năng khiếu. Điều này hoàn toàn đúng với trường hợp của Lộc khi trên lớp, thầy cô chỉ cần đọc qua một lượt và giải thích nghĩa của từ là Lộc có thể nhớ ngay, không cần phải học lại, viết lại lúc về nhà…
Trong ngôi nhà ọp ẹp ghép từ những cánh cửa hư được Trường Lê Hồng Phong cho gia đình Lộc cất tạm trong một góc của Sân vận động Lam Sơn, Lộc chất đầy những thùng giấy đựng sách học tiếng nước ngoài. Về dự định trong tương lai, Lộc nói ngay: “Em sẽ thi vào Trường ĐH Sư phạm và trở thành giáo viên ngoại ngữ”. Còn hiện tại, Ban giám hiệu Trường Lê Hồng Phong đang khuyến khích Lộc gửi cuốn từ điển tự soạn của mình tham gia giải thưởng Ngọn nến Sáng tạo do Sở Giáo dục – Đào tạo TP.HCM tổ chức. Năm mới đang đến, chúng ta cùng chúc tài năng của Hà Duy Lộc tiếp tục tỏa sáng…
Theo Thanh Niên