GS Huỳnh Phước Đương: Tiến sĩ trên xe lăn

(Hiếu học) Tiến sĩ Huỳnh Phước Đương được nhắc nhiều tại các hội thảo khoa học quốc tế, một Giáo sư – Tiến sĩ của Đại học Y khoa UCLA tên tuổi ở Mỹ. Nhưng ít ai biết đoạn đường gian truân để ông vượt lên chính mình…

>Từ một thanh niên 17 tuổi bị khuyết tật, trình độ chỉ lớp một, nhưng sau những năm tháng vượt khó học tập nghiên cứu trên đất Mỹ, chàng trai người Việt Huỳnh Phước Đương đã trở thành một Tiến sĩ thần kinh học tại Đại học Y khoa UCLA uy tín của Mỹ. – TS. Huỳnh Phước Đương (ngồi giữa) cùng các thành viên trong đoàn SAP – VN trong một lần trở về quê hương

Tuổi thơ bất hạnh

Sinh năm 1958 trong một gia đình nghèo mồ côi cha từ nhỏ ở Hội An giữa thời kỳ đất nước còn chiến tranh, Huỳnh Phước Đương có hai em trai và một em gái. Là anh cả trong nhà, từ nhỏ cậu bé Huỳnh Phước Đương đã phải đi chăn trâu giúp gia đình. Người mẹ tảo tần nuôi bốn người con với những bữa cháo trắng, cá kho, mắm quẹt nên đến năm 11 tuổi, cậu bé Đương cũng chỉ mới học xong lớp Một. Một đêm khuya, khi đang ngủ, bé Đương bỗng nghe có tiếng nổ gần, toàn thân đau nhói, máu me đầy người và lịm đi. Khi Đương tỉnh lại, cậu bé thấy mình nằm trong bệnh viện và hai chân thì mất cảm giác.

Những ngày tiếp theo cậu phải chịu cảnh di chuyển vô các bệnh viện Đà Nẵng, Sài Gòn với những ca phẫu thuật kéo dài để chữa vết thương. Biết mình đã tàn phế và sợ trở về nhà sẽ thành gánh nặng cho mẹ nên Đương đành phải khai không có gia đình để các tổ chức y tế nhận nuôi. Rồi cậu được một người đàn ông Mỹ nhận làm con nuôi cùng với những đứa bé bị tật nguyền do chiến tranh như cậu. Đương được dạy nghề đan áo. Đến nay anh vẫn còn nhớ chiếc áo mình đan được đầu tiên với niềm vui lâng lâng, khó tả… Năm 1975, Đương theo cha nuôi đến Mỹ bắt đầu những ngày tháng mới của cuộc đời…

Học nhảy một năm 9 lớp

Đến định cư ở Mỹ, ở tuổi 17, là thời gian khó khăn nhất của Huỳnh Phước Đương. Với kiến thức tương đương lớp một, lại phải di chuyển trên chiếc xe lăn dành cho người khuyết tật, Huỳnh Phước Đương bắt đầu đi học lại. Làm sao để học lại khi những mặt chữ a, b, c hồi học hết lớp 1 ở Việt Nam đã bị quên; giờ đây lại phải đối mặt với những con chữ lạ hoắc, những bài toán phức tạp. Anh được các tổ chức giúp đỡ người khuyết tật tại Mỹ tạo mọi điều kiện để học lại. Thời gian này, Đương được giáo sư người Việt nhận dạy toán và một cô giáo dạy tiếng Anh. Không ngờ anh thanh niên khuyết tật với tố chất thông minh đã nhanh chóng hoàn tất chương trình bậc tiểu học chỉ trong vòng 6 tháng. Anh được đưa đến trường High schoole để hòa nhập với những người bạn nhỏ tuổi. Nửa năm sau đó, Đương hoàn thành tiếp chương trình của lớp 6,7,8,9 và được đưa vào học tiếp nửa học kỳ 2 của lớp 10.

Nói về bí quyết để hoàn thành chương trình một cách xuất sắc, Đương cho biết: “Có lẽ lúc đó mình đã lớn tuổi nên phải cố gắng. Lúc đầu cũng khó khăn nhưng mình chỉ có việc học, không phải lo nghĩ điều gì nên tiếp thu nhanh. Nhưng lí do để mình quyết tâm nhiều nhất là vì mình nghĩ chỉ có cố gắng học thật giỏi mới có điều kiện để trở về Việt Nam sau này”.

Giấc mơ được về Việt Nam, được gặp lại người mẹ hiền, các em nhỏ, được thăm lại vùng quê nghèo mà chứa chan kỷ niệm và có điều kiện giúp đỡ cho những đứa bé có hoàn cảnh khuyết tật như mình cứ in sâu và trở thành động lực để Đương quên đi nghịch cảnh, vượt lên chính mình để trở thành một nhà khoa học nổi tiếng.

Có lẽ vì thế mà trong những ngày tháng đi học anh luôn là học sinh ưu tú với những thứ hạng cao. Hết bậc phổ thông, anh ghi danh vào trường Đại học California, khoa Công nghệ sinh học. Giải thích cho việc chọn ngành học của mình, anh cho biết: “Có lẽ hình ảnh ruộng lúa, con trâu hồi trẻ thơ đã ăn sâu trong đầu nên tôi đã chọn ngành học này để sau này trở về Việt Nam, có điều kiện giúp đỡ cho quê hương. Nhưng sau đó thấy ngành học này không phù hợp với hoàn cảnh của mình nên tôi chuyển hướng sang nghiên cứu về thần kinh học”. Với sự trợ giúp của chính phủ Mỹ dành cho những người khuyết tật, anh theo học tiếp chương trình Tiến sĩ ngành Sinh hóa, thần kinh và trở thành Giáo sư tại Đại học UCLA California.

Không phải khi thành danh TS Huỳnh Phước Đương mới nghĩ về quê hương mà từ khi đặt chân đến Mỹ, ông khao khát được chia sẻ khó khăn với trẻ khuyết tật tại quê hương mình: – “Khuyết tật không phải là gánh nặng…”

Vị Giáo sư – Tiến sĩ người Việt nặng tình với quê hương

Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, Huỳnh Phước Đương về Việt Nam lần đầu tiên thăm gia đình. “Tôi đi từ Sài Gòn ra Hội An bằng xe chứ không phải bằng máy bay. Trên đường đi, tôi đã nhìn thấy những người khuyết tật không có xe lăn, không có phương tiện di chuyển. Họ rất khó khăn. Trong làng tôi cũng có người khuyết tật. Người dân Việt còn nghèo quá”, Tiến sĩ Đương nhớ lại lần đầu về thăm quê.

Trên đường trở lạiMỹ, ông quyết định phải làm “một cái gì đó” để giúp người khuyết tật trong nước. Thế rồi vị Tiến sĩ nặng tình với quê hương Huỳnh Phước Đương đã tham gia vào hội đồng quản trị của tổ chức từ thiện Chương trình Trợ giúp Xã hội cho Việt Nam (Social Assistance Program for Vietnam – SAP-VN), được thành lập năm 1992 bởi những sinh viên và chuyên gia ở Mỹ. Mục tiêu chính của SAP-VN là cung cấp, cứu trợ trực tiếp cho người nghèo, đặc biệt là trẻ mồ côi và trẻ em khuyết tật.

Nói về hội từ thiện của mình, TS Đương cho biết: “Đó là một tổ chức từ thiện vì những đứa trẻ khuyết tật tại Việt Nam nên hoạt động tự nguyện và không được trả lương. Những người đến với SAP trước hết là những người có tấm lòng, yêu thích công việc từ thiện nên mới gắn bó được lâu dài. Trẻ em khuyết tật VN hiện có đời sống rất khó khăn nên tôi và các bạn trong hội SAP tự nguyện tổ chức chương trình phẫu thuật, chỉnh hình, tặng xe lăn, xe lắc cho trẻ khuyết tật trong nước. Khuyết tật không phải là gánh nặng và tôi muốn thông qua những việc mình làm để giúp cho các em có cuộc sống tươi sáng hơn”.

Giờ đây, tại các hội thảo về thần kinh học, các trường Đại học Y khoa trong và ngoài nước không còn xa lạ với hình ảnh một giáo sư người Việt trên chiếc xe lăn thuyết trình các đề tài mới về các bệnh liên quan đến thần kinh. Ông có mặt tại nhiều quốc gia để tham gia hội thảo, thuyết trình nhưng vui nhất, hạnh phúc nhất với ông là được trở về Việt Nam để tham gia các chương trình từ thiện.

Theo Người Viễn xứ và báo chí trong ngoài nước

Bài liên quan

Sinh viên tật nguyền hiếu học

(Hiếu học) Vùng đùi trái bị hoại tử và phải phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ chân trái. Do vết thương còn đau nhức và đi lại khó khăn nên phải nghỉ học một năm. Sau đó, năn nỉ cha mẹ cho đi học tiếp với quyết tâm học thật giỏi để thoát nghèo. 

Học đại học, nuôi mẹ bệnh tật và trả nghĩa cuộc đời.

(Hiếu học). Nam không quên được những lần nhà hết gạo ăn, hai mẹ con ngồi bần lặng nhìn nhau trong ngôi nhà tồi tàn thông thốc gió, đứng cheo leo trên một con đồi. Vượt lên tất cả, Nam bước chân vào đại học mang theo niềm tự hào của người mẹ luôn đau yếu.

Cùng chuyên mục