(Hiếu học): Bài giải gợi ý môn Ngữ văn – hệ Giáo dục thường xuyên kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2011.
KỲ THI TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2011
Môn thi : NGỮ VĂN – Giáo dục thường xuyên
Câu 1 (2,0 điểm)
Tóm tắt tác phẩm Số phận con người của nhà văn M. Sô-lô-khốp.
Câu 2 (3,0 điểm)
Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về thực trạng tai nạn giao thông ở nước ta hiện nay.
Câu 3 (5,0 điểm)
Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn
Minh Châu (phần trích trong Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục – 2009).
BÀI GIẢI GỢI Ý
Câu 1:
Truyện ngắn “ Số phận con người “ của nhà văn Xô Viết nổi tiếng Sô-lô-khốp kể về cuộc đời của một người Xô Viết tiêu biểu cho tính cách Nga : Xô-cô-lốp .
Mùa xuân năm 1946, trên đđường đi công tác, tác giả gặp anh lái xe An-đrây Xô-cô-lốp và được anh kể cho nghe cuộc đời đau khổ của anh .
Năm đói 1922, cả nhà Xô-cô-lốp chết đói, chỉ mình anh đi làm thuê cho phú nông nên sống sót. Xô-cô-lốp làm nghề mộc, nghề nguội, rồi lấy vợ, dần dần xây dựng được gia đình hạnh phúc, có nhà cửa, vợ hiền và ba con.
Chiến tranh bùng nổ, Xô-cô-lốp từ giã vợ con ra mặt trận . Anh bị thương, bị phát xít bắt làm tù binh, phải chịu đựng bao sự tra tấn, hành hạ dã man của kẻ thù. Cuối cùng Xô-cô-lốp trốn khỏi trại tù, trở về với Hồng quân và nhận được tin đau đớn: một trái bom của máy bay phát xít đã chôn vùi ngôi nhà cùng vợ và hai con gái của anh.
Tuy nhiên, anh vẫn còn một hy vọng. A-na-tô-li, con trai lớn của anh, từng là học sinh giỏi toán, hiện là đại úy pháo binh. Nhưng, đúng ngày 09-05-1945, ngày chiến thắng, một tên thiện xạ Đức đã bắn chết A-na-tô-li .
Sau khi chiến tranh kết thúc Xô-cô-lốp được giải ngũ. Quê hương, gia đình không còn người thân yêu cho nên anh đến sống tại quê nhà của một đồng đội bằng nghề lái xe.
Do xúc động, anh nhận bé Va-ni-a, một đứa bé có cha mẹchết trong chiến tranh làm con. Chú bé ngây thơ tin anh là cha ruột của nó. Xô-cô-lốp yêu thương chăm sóc chú bé thật chu đáo và xem nó là nguồn vui lớn.
Tuy nhiên, anh luôn bị ám ảnh về cái chết của vợ con. Nhiều đêm thức giấc thì gối đẫm nước mắt. Dù vậy anh luôn giấu không cho bé Va-ni-a thấy tâm trạng đau khổ của anh.
Nhưng rồi do hòan cảnh rủi ro trong khi lái xe, anh bị tước bằng lái. Anh đưa bé Va-ni-a rời U-riu-pin-xcơ đến nơi mới kiếm sống và để tạm quên nỗi đau buồn.
Câu 2:
Học sinh cần đáp ứng những yêu cầu cơ bản của câu hỏi: trình bày suy nghĩ về thực trạng tai nạn giao thông ở nước ta hiện nay. Bài viết có độ dài khoảng 400 từ với kết cấu đầy đủ 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài.
Sau đây là một số gợi ý:
– Tai nạn giao thông là một thực trạng đáng báo động trong tình hình giao thông hiện nay ở nước ta. Nó đã gây ra những thiệt hại to lớn về tài sản, tính mạng và cả những hậu quả về mặt tinh thần lâu dài. Hậu quả ấy liên quan đến cá nhân, gia đình và xã hội.
– Có những lý do dẫn tới sự gia tăng tai nạn giao thông: ý thức hạn chế của người tham gia giao thông, hành vi bất cẩn hoặc không chấp hành đúng luật lệ giao thông, tình trạng đường sá, cầu cống xuống cấp hoặc thiếu quy hoạch, sự gia tăng dân số quá nhanh so với quy hoạch về đường sá, quản lý nhà nước còn nhiều bất cập…
– Đề xuất những giải pháp để hạn chế và khắc phục tình trạng tai nạn giao thông: tuyên truyền về luật lệ giao thông, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, gia tăng mức phạt đối với những trường hợp vi phạm luật lệ giao thông, có quy hoạch và mở rộng mạng lưới giao thông…
Câu 3:
Đây là kiểu bài phân tích nhân vật trong một tác phẩm văn xuôi. Do đó học sinh cần trình bày những đặc điểm của nhân vật người đàn bà hàng chài, nghệ thuật xây dựng nhân vật và ý nghĩa của hình tượng nhân vật trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu.
Học sinh có thể trình bày vấn đề theo những cách khác nhau. Đây là một số gợi ý cần thiết :
– Giới thiệu Nguyễn Minh Châu : là nhà văn tiêu biểu của thời kỳ chống Mỹ; người mở đường tinh anh của văn học Việt Nam trong thời kỳ đổi mới; nhà văn luôn ưu tư và trăn trở về những vấn đề liên quan tới số phận con người.
– Giới thiệu tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”: được sáng tác năm 1983; được in vào tập “Bến Quê” năm 1985; được tuyển in lại trong “Chiếc thuyền ngoài xa” năm 1987.
– Giới thiệu nhân vật “người đàn bà hàng chài” : một trong những nhân vật chính để lại nhiều ấn tượng nơi người đọc.
– Đó là một người phụ nữ lam lũ, nghèo khổ. Chị trạc ngoài bốn mươi, thô kệch, rỗ mặt, lúc nào cũng xuất hiện với khuôn mặt mệt mỏi. Ngay từ ngoại hình, người đàn bà ấy đã gợi lên ấn tượng về một cuộc đời nhọc nhằn, khắc khổ chịu đựng. Chị lại còn thường xuyên bị chồng bạo hành một cách rất tàn nhẫn: ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng.
– Nhưng đó cũng là một người phụ nữ sắc sảo, thấu trải lẽ đời. Khi cần thiết, chị cũng mạnh mẽ đương đầu để bảo vệ gia đình (thái độ của chị khi trả lời chánh án Đẩu và Phùng). Chị rất thấu hiểu hoàn cảnh của bản thân, cá tính của con người (chồng, con trai…), thiên chức của người phụ nữ, nhất là người phụ nữ sống ở trên thuyền (phải sống khác với phụ nữ ở trên đất liền)…
– Chị là người giàu lòng yêu thương, vị tha và sự hy sinh. Chị thầm lặng chịu đựng mọi đớn đau, khi bị chồng đánh “ không hề kêu một tiếng, không chống trả, không tìm cách trốn chạy ”. Chị coi đó là lẽ đương nhiên, chỉ đơn giản bởi trong cuộc mưu sinh đầy cam go, trên chiếc thuyền kiếm sống ngoài biển xa cần có một người đàn ông khoẻ mạnh và biết nghề, chỉ vì những đứa con của chị cần được sống và lớn lên… Tình thương con, nỗi đau, sự thâm trầm trong việc hiểu thấu các lẽ đời “ hình như chị chẳng bao giờ để lộ rõ rệt ra bề ngoài ” và một sự cam chịu nhẫn nhục như thế thật đáng để chia sẻ, cảm thông.
– Tác giả chỉ gọi chị là “ người đàn bà ” một cách phiếm định. Tuy không có tên cụ thể, một người vô danh như biết bao người đàn bà vùng biển khác, nhưng số phận con người ấy lại được tác giả tập trung thể hiện và được người đọc quan tâm nhất trong truyện ngắn này.
– Đánh giá: Thấp thoáng trong người đàn bà ấy là bóng dáng của biết bao người phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bao dung, giàu lòng vị tha, đức hi sinh.
– Nhân vật người đàn bà hàng chài đã để lại trong lòng người đọc một ấn tượng sâu đậm về hình ảnh một người phụ nữ tiêu biểu cho số phận khổ đau và những phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam.
Hình tượng ấy được xây dựng một cách sống động và chắc chắn còn gợi ra nhiều suy nghĩ nơi người đọc hiện nay.
Nguồn: (Trung học phổ thông Vĩnh Viễn – TP.HCM)/(TTO)