”>>
”>>”Kỳ 2: Nàng tiên và ác quỷ.
Chuyện của một doanh nhân dưới đây (kỳ cuối) phần nào cận cảnh những khó khăn của khởi nghiệp, sự khốc liệt của thương trường và những chiêm nghiệm nhân tình thế thái quanh đồng tiền. Hy vọng, đây sẽ là kinh nghiệm cho bạn trẻ trên đường lập nghiệp.
Cao Trung nói rằng, anh đã thành công trong vận dụng Phật pháp để học cách tha thứ. Anh tha thứ cho những ai gây đau khổ cho mình và mong họ sống vui. Đó cũng là cách Cao Trung bắt đầu trang mới trong cuộc đời mình với cõi lòng bình yên để sẵn sàng đón nhận và giải quyết những khó khăn… (Rời bệnh viện, trở về từ cõi chết – một trang mới trong đời Cao Trung lại mở ra).
Kỳ 3: Nếu được trở lại tuổi hai mươi.
Trở lại chuyện làm ăn của Cao Trung sau khi huynh đệ tương tàn, gia đình tan nát. Cô gái khóc nức nở khi Cao Trung cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai có tên là Lan Thanh. Tốt nghiệp đại học, Lan Thanh được nhận vào làm việc tại Cty Cao Trung.
Chứng kiến anh vật lộn tìm lối ra cho Cty, Lan Thanh đã đề nghị được giúp đỡ. Gia đình khá giả, cộng với tình yêu dành cho Cao Trung, Lan Thanh bàn với bố mẹ đầu tư cho anh một khoản vốn lớn giúp anh vượt khó.
Cao Trung là nhà sản xuất ý tưởng và ý tưởng nào cũng hay, cũng tốt đẹp và khả thi, nếu… có tiền. Điều này thì bạn bè, đồng nghiệp đều khẳng định sức sáng tạo, sức nghĩ không ngơi nghỉ của Cao Trung.
Cuộc đồng cam cộng khổ giữa Lan Thanh và Cao Trung khiến họ thương nhau hơn và đi đến hôn nhân. Được tiếp sức, những ý tưởng của Cao Trung cộng thêm các khoản đầu tư có trọng tâm, trọng điểm đã dần khả thi và triển khai có hiệu quả trên thực tế.
Cao Trung vực dậy Cty, mở trường, tuyển thêm người giỏi. Nhiều cuộc hợp tác làm ăn với những Cty lớn đã đưa Cao Trung trở lại đỉnh cao những năm đầu lập nghiệp và đặt những nền tảng vững cho tương lai.
Giờ anh đã có 3 Cty, 1 ngôi trường và gia đình hạnh phúc (vợ chồng Lan Thanh – Cao Trung có 2 cậu con trai). Một mình điều hành 3 Cty vượt bão suy thoái kinh tế, không gục ngã và đang dần đi lên đã phần nào cho thấy sự đúng đắn trong chiến lược kinh doanh của Cao Trung sau khi trải nhiều thất bại. (Cao Trung tham gia một hội thảo quốc tế).
Anh đang có ý tưởng thành lập một hiệp hội các doanh nghiệp trong lĩnh vực Cty anh đang hoạt động. Anh cho rằng, ở Việt Nam doanh nghiệp tư nhân đang phát triển nhỏ lẻ, làm ăn chụp giật, manh mún và thiếu hoài bão. Không ít người mở doanh nghiệp nhưng gặp khó là dễ nản và thoái chí.
Báo chí cũng đã đưa tin mỗi năm có hàng trăm doanh nghiệp biến mất khỏi địa bàn Hà Nội là thế. Sự manh mún trong làm ăn thể hiện ra đáng buồn nhất là khi đi đàm phán với đối tác nước ngoài. Đôi khi doanh nghiệp cùng nhà lại đá nhau, chơi nhau, loại bỏ nhau trong quá trình đàm phán với đối tác, để rồi người ta bỏ đi làm ăn với doanh nghiệp nước khác.
Theo Cao Trung, nếu tập hợp nhau lại trong những lĩnh vực hoạt động hẹp thì doanh nghiệp tư nhân sẽ mạnh hơn, đoàn kết và hiểu nhau hơn. Anh cũng muốn doanh nghiệp tư nhân tỏa sáng hơn nữa để xã hội, cơ quan quản lý nhìn nhận tốt hơn, đối xử công bằng hơn trong vay vốn và các chính sách đãi ngộ khác. (Cao Trung đang trình bày tham luận tại hội thảo Phát triển nguồn nhân sự trong bối cảnh toàn cầu hóa, tháng 4-2009).
Trước khi câu chuyện đầy riêng tư của anh lên báo, tôi đã thuyết phục vợ chồng Cao Trung nhiều lần. Cao Trung rất bối rối, không muốn cuộc sống phơi bày, thiên hạ gièm pha; Lan Thanh thì cũng chẳng vui vẻ gì vì có quá nhiều chuyện cần quên hoặc muốn giữ cho riêng mình.
Tôi nói, nếu chuyện này có ích cho nhiều người đặc biệt là người trẻ – nghèo như anh trên đường lập nghiệp thì cũng nên chịu hy sinh một chút bạn đọc được biết, soi chiếu như một kinh nghiệm. Cao Trung cười: Tôi chỉ sợ người ta ghét bỏ thôi!
Nếu thời gian quay ngược
Tôi đặt vấn đề: Có một số doanh nhân thành đạt khi nói chuyện với giới trẻ thường không cởi lòng về con đường họ đi đã chông gai, đau khổ như thế nào để có được thành công như hôm nay, mà chỉ đưa ra vài công thức, vài lời khuyên đơn giản khi khởi nghiệp, khiến không ít bạn trẻ khó hình dung được khó khăn để tránh vết xe đổ của người đi trước. Với những vất vả mà anh đã trải qua, hẳn lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp không phải là quy tắc đơn giản mà có cả máu và nước mắt.
Tiền là vật ngoài thân, có đó mất đó, không quá đau. Còn người, còn của, ông cha nói rồi. Đáng tiếc nhất của tôi khi làm doanh nghiệp là mất nhiều người thân, phần vì đồng tiền khiến họ phản bội, phần vì lỗi từ cá tính của tôi – Cao Trung.
Cao Trung nói: Con đường lập nghiệp của tôi khá đơn độc nhưng những vấp váp, khó khăn thì cũng không phải là không có điểm chung với nhiều người. Tôi chỉ nói chuyện của tôi không dám khuyên ai cả, nếu ai thấy có ích cho mình thì đó là điều vui.
Nếu được sống lại tuổi 20 trở đi, tôi xin sửa những điều này:
1. Qúa nhiều tình cảm, cảm xúc lại đặt không đúng chỗ do thiếu lý trí dẫn đường nên khiến tôi đánh mất Cty, mất tình huynh đệ, sai lầm trong hôn nhân, phụ tình người yêu tốt…
Nếu tôi bình tĩnh phán xét, tham khảo ý kiến người thân, người giỏi hơn mình thì mọi việc chắc là không đi quá xa như thế. Tôi nghĩ nên điều độ với tình cảm của mình để không khổ thân, khổ người khác. Đôi khi, thương không đúng chỗ, đúng cách còn hại gấp nhiều lần hơn không thương.
2- Nghĩa hiệp, tự ái, thiếu nguyên tắc… cũng đẩy tôi đến chỗ bỏ Cty trốn chạy. Đáng lẽ tôi phải bền bỉ đấu tranh cho cái đúng, loại bỏ những kẻ xấu, kẻ phản bội, giữ thành quả lao động của mình thì lại chọn cách vứt bỏ theo kiểu anh hùng rơm.
Và điều đáng tiếc của tôi khi khởi nghiệp quá nghèo lại không có ai để hỏi han, tham khảo khi khó khăn (nói vui là đi lên từ con số âm) nên long đong cũng là dễ hiểu.
Có thể nói tôi không có bạn lớn, anh lớn, thầy lớn trên đường lập nghiệp mà phải vật lộn để hiểu ra, rút kinh nghiệm để vượt qua khó khăn. Điều này khiến tôi phải trả giá đắt cho những thành công nhỏ của mình.
3- Tôi thích câu triết lý này: Muốn vượt qua sa mạc nóng bỏng thì phải đi như lạc đà, chứ không phải là ngựa hí từ những bước đầu tiên. Tôi bây giờ đang cố gắng đi như lạc đà. Đây cũng là điều đơn giản đối với mọi người nhưng tôi đã trả giá đắt để hiểu ra điều giản dị như vậy.
…Qua bao năm làm kiếp con người, chịu kha khá đòn đời nhưng Cao Trung luôn yêu thương con người, sống vị tha, có trách nhiệm. Mỗi lần gặp, thấy anh ôm ghi-ta hát sau giờ làm việc, lại thấy ở anh lấp lánh bài học của sự bền bỉ vươn lên, của sự tha thứ và yêu đời.
Một góc khác của con người doanh nhân, Cao Trung vẫn rất đằm thắm. Trên Blog của anh đăng nhiều bài thơ, chủ yếu là nỗi thương nhớ con sông, bờ ao và tuổi thơ đầy kỷ niệm…
Sóng gió cuộc đời và thương trường đã không cho Cao Trung ngơi nghỉ từ khi anh ra Hà Nội học hành, lập nghiệp. Bao khó khăn đang ở phía trước nhưng Cao Trung giờ kín kẽ và an toàn hơn trên đường của mình. Điều đó được chắt ra từ những đau khổ và thất bại, chứ không phải từ những thành công vang dội, đáng tự hào.
Để kết thúc bài viết, tác giả cũng xin thưa điều này, chúng tôi chỉ viết về con người của Cao Trung, về những vất vả trong kinh doanh với mong muốn giúp được ai đó, nhất là bạn đọc trẻ trong khởi sự doanh nghiệp, lập nghiệp. Công việc kinh doanh và cuộc sống của Cao Trung không ai dám cam đoan điều gì…
Theo: Giông gió cuộc đời một doanh nhân (Lê Anh Đạt/TPO. )