Khi xem phim, các bạn trẻ muốn mình làm được như trong phim, rủ nhau đi học làm bánh, nấu ăn, hay mở tiệm cà phê, mang cơm hộp… Họ muốn được sở hữu cảm giác của các nhân vật trong phim, là những trào lưu mà giới trẻ “bắt sóng” được từ những bộ phim xứ kim chi.
Trên các kênh truyền hình Việt hiện nay, thời lượng phát sóng của phim Hàn khá lớn. Không ít những bộ phim dài tập thuộc dạng phim “thần tượng” trước khi công chiếu trên tivi đã được các bạn trẻ truyền tay, truyền tai nhau rầm rộ. Và hiệu ứng ảnh hưởng của chúng rất đa chiều. Trong đó có thể thấy những dạng ảnh hưởng rất đáng yêu.
Trung (23 tuổi, Học viện Ngoại giao, Hà Nội) sau khi xem bộ phim King of Baking, Kim Tak Goo (Vua bánh mỳ, Kim tak Goo) cùng người yêu, hai cô cậu nổi hứng rủ nhau đi học làm bánh ngay.
“Thực sự khi đi học làm bánh cùng nhau, cả hai mới thấy người yêu mình đáng yêu như thế nào, học cũng không khó lắm đâu và rất vui nữa”, Trung vui vẻ nói.
Một khóa học làm bánh thông thường kéo dài trong một tháng với mức giá khác nhau tùy từng địa điểm. Ví dụ Trung tâm dạy nghề Hoàn Kiến thì mức giá là 450.000, kèm theo 35 nghìn mỗi buổi học cho tiền nguyên liệu. Hay ở tiệm bánh Kokotaru là 1.500.000 VND. Có mức giá không phải là rẻ nhưng nhiều bạn trẻ đã thuyết phục được bố mẹ cho đi học, không chỉ để cho vui như trường hợp của Trung mà còn muốn để mở một tiệm bánh tại nhà… như trong phim.
Phương (19 tuổi, Phan văn Trường, Hà Nội), một học viên lớp bánh nâng cao tâm sự về lý do đi học: “Sau khi xem xong phim Tiệm cà phê hoàng tử, em và mấy bạn liền rủ nhau mở quán cà phê, tất nhiên là nhờ sự giúp đỡ rất nhiều của bố mẹ, nhưng ai cũng ủng hộ”. Hiện thời gian rảnh Phương thường xuất hiện với vai trò cô chủ quán xinh xắn và dễ thương tại quán cà phê trên phố nhà mình.
Không chọn học làm bánh, Hải (21 tuổi, Long Biên) lại cùng bạn gái đi học nấu ăn. Hải kể: “Ban đầu khi nói với bố mẹ ý định đăng ký học nấu ăn, bố còn phì cười, nhưng mẹ thì thích ngay và ủng hộ tiền học phí”.
Điều thú vị là nguyên nhân thúc đẩy chàng trai trẻ đến với ý tưởng này có nguồn gốc từ bộ phim Cuộc chiến kim chi. Nhưng hơn hết chính bộ phim đã dạy Hải có một lý lẽ đầy yêu thương: “Xem phim thấy những người được ăn món ngon đều hạnh phúc, em cũng muốn tự mình có thể nấu được cho bố mẹ những món như thế. Món ăn ngon phải được nêm gia vị từ chính tâm hồn mình”.
Đi học nấu ăn, Hải thường phải chọn ca chiều để không ảnh hưởng đến việc học văn hóa. Băm băm, chặt chặt, rồi xào thơm lừng khiến cậu và bạn gái tìm được cảm giác vui vẻ, thư giãn sau một ngày căng thẳng.
“Thích nhất là biết được cách bày thức ăn đẹp mắt, món ăn có thể đơn giản thôi nhưng biết thái lát thế nào, hay xếp lên đĩa thế nào cũng khiến người ăn có cảm giác được chăm chút hơn”.
Không chỉ có phim Hàn khiến giới trẻ phải “chuyển mình”, Nga (23 tuổi, phố Nguyễn Du) đã trở nên mê mẩn các món ăn Trung Quốc sau khi được một anh bạn học điện ảnh giới thiệu cho bộ phim Ẩm thực nam nữ.
Quá “kết” các món ăn của ông bố trong phim, mê cái cảnh ông bố mang cơm hộp đến cho cô bé Yang tại trường học. Thế là Nga quyết tâm hôm nào cũng mang cơm hộp theo. Đến trưa thi thoảng cùng người yêu kiếm một quán cà phê, ngồi ăn cơm. Cô tâm sự nhờ thế mà cô rút ra cho bản thân một kinh nghiệm khá hay: “Phải dậy sớm một chút, nhưng khi nấu món ăn buổi sáng, mình học được cách làm thư thái tâm hồn, nấu ăn mà rối lên, hay vội vàng, hay cáu gắt thì sẽ có vị không ngon”.
Ủng hộ tinh thần này của giới trẻ, cô Trần Thanh Văn (48 tuổi, Nguyễn Chí Thanh, HN) bộc bạch: “Mình cũng thích phim Dea Chang Gum lắm, không bỏ tập nào. Sao Việt Nam không làm một bộ phim về ẩm thực hay như thế, món ăn của Việt Nam cũng thú vị, ngay như món xôi, tính ra cũng có đến dăm bảy loại, rồi còn các loại bánh kèm với xôi, màu sắc xôi khác nhau… Chắc chắn nhờ thế giới trẻ sẽ yêu ẩm thực của ta hơn. Nếu còn ở tuổi của các bạn ấy, chắc chắn khi xem xong Dea Chang Gum, tôi cũng đi học làm bếp!”.
Tổng kết những câu chuyện trên, ông Nguyễn Ngọc Vinh, Thạc sĩ tâm lý học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, đưa ra một dẫn chứng rất thú vị: “Theo một nghiên cứu của những nhà tâm lý học tại Mỹ, thức ăn là một trong những yếu tố dễ ảnh hưởng đến con người nhất. Một ngày bạn ăn món gì, món đó như thế nào sẽ chi phối đến tâm trạng của bạn. Bởi vậy một điều dễ hiểu những bộ phim về ẩm thực luôn thu hút được các bạn trẻ. Đó cũng là cách tuyên truyền văn hóa truyền thống hiệu quả và hấp dẫn nhất”.
“Hơn nữa khi xem phim, các bạn trẻ muốn mình làm được như trong phim, hay muốn được sở hữu cảm giác của các nhân vật trong phim, họ đi học nấu ăn, hoặc làm bánh… tức là đã biết tự biến ước mơ của mình thành sự thật. Đó là một cách sống rất cần trong cuộc sống hiện đại”, ông Vinh nói thêm.
Theo: (Đồng Phương Thảo/Vnexpress)