Giàu có nghĩa là nhiều tiền?

Có lẽ, hầu hết trong chúng ta (nếu không muốn nói tất cả) đều mong muốn mình thật giàu có. Nhưng như thế nào là giàu có?

Giàu có là có một cuộc sống thật sung túc, dư giả về mặt vật chất. Được ở nhà đẹp, đầy đủ tiện nghi, đi những chiếc xe sang trọng, mặc đồ hàng hiệu, ăn uống ở khách sạn năm sao, đi du lịch trên các du thuyền hạng nhất đến khắp nơi trên thế giới…? Nói chung người ta thường đánh giá sự giàu có của một con người dựa vào những gì người đó ăn, mặc, ở, đi lại, mua sắm… Nói chung là qua bề ngoài của họ.

Warren Buffet và Bill Gates là những người giàu nhất thế giới nhưng cuộc sống thường ngày của họ rất giản di. Sự giàu có không đánh giá qua vẻ bề ngoài.

Định nghĩa sự giàu có như vậy dường như là không ổn. Nếu một anh trưởng giả học làm sang với một chiếc xe đẹp, đắt tiền, ăn mặc bóng loáng toàn hàng hiệu từ đầu đến chân, nhưng lại đang có một khoản nợ lớn trong ngân hàng thì liệu anh ta có giàu có hơn nhà đầu tư nổi tiếng Warren Buffet, người không chỉ nổi tiếng với tài sản khổng lồ và tài đầu tư xuất sắc của mình mà còn vì lối sống rất giản dị.

Vậy có người định nghĩa sự giàu có là có thật nhiều tiền, nhiều của cải. Định nghĩa này có vẻ đúng, nhưng vẫn còn mâu thuẫn. Một người hiện đang có nhiều tiền, nhiều của cải nhưng lại đang sở hữu một cách “đốt tiền” rất hiệu quả. Và chỉ trong một thời gian ngắn nữa, anh ta sẽ đốt hết những gì anh đang có, và sẽ lao vào cảnh túng quẫn nợ nần. So với một người có thu nhập bình thường, nhưng biết cách tích lũy, đầu tư và quản lý tiền, cộng với một lối sống phù hợp, người ấy có thể không cần làm việc nữa, mà vẫn có thể sống an nhàn. Vậy ai giàu có hơn?

Điều đó đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều.

Gần đây, tôi có bắt gặp một định nghĩa về sự giàu có mà tôi hết sức tâm đắc. Định nghĩa này từ cuốn sách “Bí quyết từ tay trắng trở thành Triệu phú” của Adam – Khoo. Trong sách có định nghĩa rằng, sự giàu có, không phụ thuộc vào số tiền mà bạn đang có, mà phụ thuộc vào sự “tự do” của bạn, với việc làm việc kiếm tiền. Tức là, cuộc sống của bạn càng không lo nghĩ, không phụ thuộc vào việc phải làm việc để kiếm tiền sinh sống, thì bạn càng giàu có.

Hay nói cách khác, độ giàu có được đánh giá bằng thời gian mà bạn có thể sống, có thể tồn tại, nếu bạn thôi không làm việc nữa. Thời gian đó càng dài, nghĩa là bạn càng giàu có.

Có nghĩa là một anh trưởng giả học làm sang với tất cả những hào nhoáng bên ngoài và khoản nợ trong ngân hàng của mình, anh ấy lúc nào cũng phải lo nghĩ về nó. Và nếu anh ta không làm việc nữa, lập tức sẽ gặp rắc rối ngay. Dĩ nhiên, anh ấy không thể giàu có hơn Warren Buffet, vì nếu ông không đi làm nữa, thì những thu nhập thụ động của ông hàng tháng, vẫn có thể cho ông có một cuộc sống đầy đủ, sung túc, thú vị đến hết đời.

Và cũng như thế, một diễn viên điện ảnh với thu nhập hàng triệu đô một năm và chi tiêu cũng hết khoảng chừng ấy với xe đẹp, hàng hiệu và lối sống xa hoa…Để rồi đến khi không còn “nổi tiếng” nữa, họ ngay lập tức phải đổi mặt với những rắc rối to lớn về tiền bạc, những khoản nợ, những hóa đơn… Người diễn viên ấy sẽ không được coi là giàu có hơn một anh công nhân với thu nhập rất bình thường, nhưng anh ấy biết tích lũy, biết đầu tư để những đồng tiền ấy sinh sôi nảy nở. Đến một ngày, anh ta có thể nghỉ việc mà vẫn có thể sống ung dung không lo nghĩ gì về tiền bạc.

Như vậy, sự giàu có không chỉ phụ thuộc vào việc bạn kiếm được bao nhiêu tiền, bạn có bao nhiêu tiền mà nó còn phụ thuộc vào khả năng quản lý tiền bạc của bạn, và cả lối sống của bạn nữa. Rất nhiều người có khả năng kiếm được rất nhiều tiền, nhưng họ không có khả năng quản lý tiền hiệu quả, cộng với thói quen và lối sống tiêu tiền hoang phí, họ ngay lập tức gặp rắc rối với tiền bạc nếu họ không làm việc nữa. Như vậy, họ không thể được coi là giàu.

Như vậy, kiếm được nhiều tiền, chỉ là một bước trong quá trình làm giàu. Quá trình này, thực ra, có ba bước:

1.Tăng kiếm tiền

2.Tăng đầu tư và tích lũy (để tiền sinh sôi, nảy nở)

3.Giảm chi tiêu, giảm mức sống.

Hiện nay, tất cả chúng ta hầu như chỉ mới tập trung vào bước 1 của quá trình này, tức là tập trung kiếm tiến. Tuy nhiên, nếu chúng ta kiếm tiền được nhiều, mà không thực hiện 2 bước còn lại, thì chúng ta cũng sẽ tiêu hết những gì chúng ra kiếm được. Vì khi bạn kiếm được nhiều tiền hơn thì nhu cầu của bạn cũng trở nên cao hơn. Và khi ấy, nếu có một sự cố gì, buộc bạn phải thôi làm việc. Lập tức bạn rơi vào hoàn cảnh “đói xanh xương”.

Tuy nhiên, bước 1 này cũng là một bước rất quan trọng. Vì nếu bạn không tăng khả năng kiếm tiền, thì bạn sẽ không có bước 2, tích lũy và đầu tư. Và như thế, bạn cũng không thể giàu có được. Vì bước 2 này chính là một bí mật rất quan trọng của người giàu: Khiến tiền đẻ ra tiền.

Tích lũy, tức là dành dụm, là để dành. Đây là bước rất quan trọng trong quá trình làm giàu. Vì không có tích lũy, thì cũng sẽ không có đầu tư, không có thu nhập thụ động, không có sự giàu có. Nếu bạn luôn luôn tiêu hết những gì bạn kiếm được. Thì bạn sẽ thấy rõ rằng, năm năm, mười năm tới, thậm chí đến hết cuộc đời bạn, bạn sẽ luôn phụ thuộc vào việc phải làm việc để kiếm tiền. Chỉ cần một tháng nghĩ làm việc, là bạn lập tức sẽ “đói” ngay.

Do đó, việc tích lũy là việc rất quan trọng. Nó đảm bảo rằng, nếu có một sự cố nào đó, bạn vẫn có một khoản dự phòng, để không cần phải lo lắng về việc phải làm việc để tồn tại. Hơn nữa, tích lũy là một quá trình quan trọng để bạn “tích vốn” chuẩn bị cho việc quan trọng hơn nhiều: đầu tư.

Có lẽ, đầu tư, là một bí mật khủng khiếp của nhà giàu. Trong kim tứ đồ của Robert Kiyosaki, nhà đầu tư được coi là quan trọng nhất. Vì sao, nếu bạn có 100 đô la, bạn bỏ quên nó ở đầu giường nhà bạn, thì 30 năm sau, bạn phát hiện ra nó. Nó vẫn chỉ là 100 đô la. Nhưng nếu bạn bỏ 100 đô đó ở ngân hàng, với một lãi suất nào đó, ví dụ 10% một năm. Thì 30 năm sau, số tiền đó đã tăng lên hơn 1600 đô la. Bạn không tin thì tính thử xem.

Bạn thấy không, rõ ràng là nếu bạn khéo đầu tư, thì tiền sẽ đẻ ra tiền. Nhưng có lẽ, điều khó khăn nhất khi đầu tư, là chọn các hạng mục đầu tư sao cho sinh lợi. Rất nhiều các hạng mục đầu tư là con quỷ khát máu, hút hết tất cả những tiền bạc của những nhà đầu tư rót tiền vào nó, và không bao giờ trả lại.

Bản thân tôi cũng chưa hề có bất cứ kinh nghiệm nào trong lĩnh vực này. Nhưng có lẽ, thật khó để mà giàu có nếu không có đầu tư. Và như tất cả những thứ khác trên đời: Muốn giỏi thì phải học. Phải học thôi, không còn cách nào khác đâu các bạn ạ.

Và bước cuối cùng của làm giàu, giảm chi tiêu, giảm mức sống. Khi nói đến vấn đề này, hầu hết mọi người sẽ suy nghĩ. Tôi phải là giàu để làm gì, nếu như tôi không được tiêu sài thoải mái, được sống thật xa hoa, phung phí. Nếu không tiêu thì tôi làm ra tiền để làm gì? Quả thật đây là câu hỏi rất khó trả lời.

Nhưng bạn ơi, trong cuộc sống này, tất cả dường như đều không có giới hạn trên. Một chiếc điện thoại 100 đô cũng có mà 1 triệu đô cũng có. Một chiếc ô tô có thể có giá 10 ngàn đô, nhưng cũng có chiếc hàng triệu đô. Cho nên, thật khó biết thế nào là đủ.

Bạn mua một món hàng “xa xỉ” chỉ vì một ý thích nhất thời của bạn và ngay sau một thời gian ngắn, bạn hối hận về nó, thì có đáng không? Bạn mua món hàng, chi tiêu khoản tiền nào đó vì sở thích ngắn hạn và nhất thời, nhưng nó lại tước đi một phần tự do, thoải mái của bạn trong tương lai, thì điều đó có đáng không?

Có rất nhiều thứ, bạn mua, chỉ đơn giản vì bạn thích, một ý thích rất nhất thời, vì sĩ diện, chứ không hẳn vì bạn có nhu cầu. Bạn liên tục đổi điện thoại, toàn điện thoại thông minh, nhưng bạn sử dụng được bao nhiêu, trong số những chức năng của nó. Bạn liên tục đổi máy tính lên những dòng mới hơn, mạnh hơn, nhưng có bao giờ bạn thấy chiếc máy cũ chạy không nổi một chương trình nào đó của bạn chưa? Hiếm lắm!

Khi bạn tiêu đi một khoảng vô lý, đó chính là bạn đã tước đi một phần tự do của bạn về sau. Vì nếu bạn khéo tiết kiệm và đầu tư khoản tiền ấy, nó sẽ sinh sôi, nảy nở và góp phần cho ngày mai của bạn khỏi phải âu lo về tiền và làm việc kiếm tiền. Bạn sẽ không vướng bận vào những điều đau đầu đó nữa. Điều đó không tuyệt hay sao?

Như vậy, bản chất của làm giàu không chỉ là việc bạn kiếm thật nhiều tiền, mà phải đi đôi với việc quản lý tiền bạc, tăng tích lũy và đầu tư để có nhiều những tài sản có thể mang lại nhiều thu nhập thụ động, và đơn giản hóa cuộc sống, giảm chi tiêu một cách hợp lý, để nguồn thu nhập thụ động mà bạn có được có thể đảm đương được cuộc sống của bạn, mà bạn không cần phải quan tâm đến vấn đề đi làm để kiếm tiền nữa. Bạn sẽ đạt được sự tự do về mặt tiền bạc, không cần phải lo nghĩ về nó nữa. Đó mới chính là sự giàu có thực sự.

Còn bạn, bạn có đồng ý với tôi không?

Theo Nguyễn Công blog

Cùng chuyên mục