Giáo viên chọn nghề ngoài sư phạm

Hầu hết sinh viên chọn ngành sư phạm đều mong muốn khi ra trường sẽ có cơ hội làm đúng ngành nghề đã được đào tạo: trở thành giáo viên. Tuy nhiên, khi những mong muốn đó không được thực hiện, những giáo viên… hụt này đành phải tìm cho mình một ngành nghề khác nhằm ổn định cuộc sống.

Năm học mới đã bắt đầu được hơn một tháng nhưng các quận huyện tại TP.HCM vẫn tiếp tục đăng ký tuyển thêm giáo viên (GV) đợt 3. Trong khi đó, nhiều giáo sinh cũng ở TP.HCM lại phải chấp nhận làm giám thị, phụ trách phòng thiết bị – thư viện vì nguồn cung vượt xa cầu.

Giờ dạy tiếng Anh của cô Lê Thị Ngọc Thủy – giáo viên mới nhận nhiệm sở tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.Tân Bình (TP.HCM) – sáng 15-9. Nhiều giáo viên được phân công về trung tâm này đã từ chối nhận nhiệm sở – Ảnh: NHƯ HÙNG

Tốt nghiệp ĐH sư phạm ngành ngữ văn nhưng ngày nhận nhiệm sở, T.P. được tuyển vào làm giám thị cho một trường trung học ở Q.Gò Vấp. Mấy năm gần đây, ở TP.HCM tình trạng giáo sinh tốt nghiệp nhưng không được phân công giảng dạy như T.P. không hiếm.

Theo ông Văn Công Sang – trưởng phòng tổ chức – cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM: “Ở bậc THPT, sau hai đợt tuyển dụng thừa khoảng 400 GV, trong đó khoảng 100 người đã được giải quyết công việc làm giám thị hoặc trực phòng thí nghiệm. Những trường hợp này đều là tự nguyện, không bắt buộc”.

Chưa ưu đãi phù hợp

Nếu như trước kia giáo sinh thường răm rắp tuân theo sự phân công của Sở GD-ĐT TP thì nay đã khác. “Mình nộp đơn xin dạy ở Q.3, nguyện vọng 2 là Q.5 hoặc Q.6 chứ nếu điều đi ngoại thành mình sẽ bỏ nhiệm sở. Thà dạy ở trường tư thục còn hơn là hằng ngày phải vượt mấy chục cây số ra ngoại thành, chỉ tiền xăng cũng đã ngốn hết một nửa lương”. Gặp chúng tôi trong ngày đi rà soát dữ liệu hồ sơ dự tuyển GV đợt 1 tại TP.HCM, P.P.H., giáo sinh vừa tốt nghiệp ngành sư phạm mầm non, không ngần ngại cho biết.

Chấp nhận làm trái nghề

Hầu hết sinh viên chọn ngành sư phạm đều mong muốn khi ra trường sẽ có cơ hội làm đúng ngành nghề đã được đào tạo: trở thành GV. Tuy nhiên, khi những mong muốn đó không được thực hiện, những GV… hụt này đành phải tìm cho mình một ngành nghề khác nhằm ổn định cuộc sống.

Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.Tân Bình xin thêm chín GV cho năm học mới. Thế nhưng, một GV từ chối nhận nhiệm sở, hai người xin thôi sau khi đã họp hội đồng nhà trường và được phân lớp. Lý do được đưa ra là bận công việc riêng, kẹt lịch dạy hợp đồng ở một trường khác nên trung tâm hiện chỉ nhận sáu GV. Tương tự, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Củ Chi được phân công bốn GV về, nhưng đến ngày tập trung cả bốn đều vắng mặt. Sau khi tuyển dụng đợt 2 mới có hai GV chịu về trung tâm này làm việc.

Ông Văn Công Sang cho biết: “Những GV có hộ khẩu TP nếu điều động đi dạy hơi xa một chút là họ bỏ nhiệm sở ngay. Chỉ có GV ở các tỉnh, diện KT3 là không nề hà về nơi dạy. Tuy nhiên, một số GV ở các tỉnh vùng sâu vùng xa lại có khó khăn là giọng nói địa phương khó nghe, HS không nghe được nên đã có trường hợp trường phải cho nghỉ”.

Các trường ở các huyện ngoại thành cũng đau đầu với tình trạng GV nhận nhiệm sở nhưng chỉ làm 2-3 năm là xin về thành phố, khiến đội ngũ GV không ổn định và thiếu thường xuyên. Hàng chục năm nay, nhiều trường ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn TP.HCM vẫn khó tuyển GV vì chưa có chế độ ưu đãi phù hợp, một số nơi đã “sáng tạo” bằng cách đưa người địa phương đi đào tạo nhưng nguồn này cũng hiếm hoi. Vả lại, đào tạo theo dạng này chỉ có thể đáp ứng cho bậc mầm non và tiểu học mà thôi.

Nguy cơ mất GV

Trước khi năm học này bắt đầu, có khá nhiều trường hợp GV xin chuyển nhiệm sở. Phần lớn đều đưa ra những lý do chính đáng như nhà xa, sức khỏe yếu, bận công việc riêng… không thể đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Cô H., GV môn lịch sử được phân về dạy một trường THPT tại Bình Chánh, cho biết: “Tôi viết đơn xin chuyển nhiệm sở vì nhà ở Tân Phú, đến Bình Chánh dạy quá xa. Đồng lương GV ai cũng biết là không nhiều. Đi xa rất tốn tiền xăng mà sức khỏe cũng không đảm bảo để dạy tốt”. Đáp lại, sở đã siết chặt việc chế tài những GV bỏ nhiệm sở bằng cách gạch tên khỏi danh sách dự tuyển, không xét tuyển ở những đợt tiếp theo.

Không chỉ ngoại thành mà ngay ở nội thành những năm gần đây nhiều trường mầm non, tiểu học công lập phải ngậm ngùi để mất GV giỏi hoặc không tuyển được GV. Nguyên nhân: hàng trăm trường tư thục trên địa bàn TP đã tuyển GV với nhiều ưu đãi: lương cao, sĩ số thấp – giảng dạy đỡ vất vả…

Cách đây 10 năm, TP.HCM thừa rất nhiều GV tiểu học, thế nhưng hai năm gần đây phải đối mặt với cơn khủng hoảng thiếu GV tiểu học. Tuyển đợt một chưa đủ, TP phải tuyển tiếp đợt hai và đang tiếp tục tuyển đợt ba.

“Rút kinh nghiệm năm trước, năm nay chúng tôi chủ động ký hợp đồng trước với những giáo sinh vừa tốt nghiệp nhưng không có hộ khẩu tại TP.HCM (để được tuyển dụng chính thức, giáo sinh phải có hộ khẩu tại TP.HCM – NV). Nếu cứ chờ nguồn tuyển chính thức sẽ không có người đứng lớp khi năm học mới bắt đầu” – ông Tạ Tân, trưởng Phòng GD-ĐT Q.Tân Phú, thổ lộ.

Rất nhiều trường khác chọn phương án tăng dồn lớp, tăng sĩ số. Riêng huyện Bình Chánh, địa phương thiếu GV tiểu học nhiều nhất, đã “chữa cháy” bằng cách đưa 90 sinh viên vừa học hết năm 2 hệ cử tuyển CĐ sư phạm ra giảng dạy. Các sinh viên này sẽ vừa làm vừa tiếp tục học để năm sau nhận bằng tốt nghiệp. Đó là chưa kể một số trường tiểu học ở các quận Bình Tân, Thủ Đức… phải mời GV THCS hoặc GV về hưu lấp chỗ trống cho những lớp tiểu học đang chờ tuyển GV.

oOo

Nguyễn Thị Hòa, sinh viên khóa 43 ngành sư phạm lịch sử Trường ĐH Vinh, tốt nghiệp từ năm 2006. Ra trường với tấm bằng tốt nghiệp loại khá, Hòa đã nộp hồ sơ xin việc ở bảy trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên nhưng đều không được tiếp nhận, tuyển dụng vì không có chỉ tiêu. Sau hai năm trầy trật ngồi nhà, năm 2008 Hòa quyết định vào làm ở một công ty phát hành sách với mức lương gần 1,3 triệu đồng/tháng. Cùng cảnh ngộ, Lê Văn Nam tốt nghiệp ngành sư phạm toán Trường ĐH Huế từ năm 2007, sau hơn một năm nộp hồ sơ ở nhiều trường THPT và THCS, cả một số trường thuộc các vùng miền núi, trung du mà không được tuyển, Nam quyết định xin vào làm trong một công ty chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng ở thị xã Cửa Lò. Tuy nhiên, để làm tốt công việc của mình là nhân viên marketing, Nam phải học thêm văn bằng 2 hệ tại chức vừa học vừa làm. ThS Bùi Minh Tuấn (GV Trường THPT Kim Liên, Nghệ An)/(TTO)

Bài liên quan

Tuyển sinh 2010: Ngành Giáo dục – Sư phạm.

(Hiếu học). Hàng năm số thí sinh đăng ký dự thi vào ngành Sư phạm – Giáo dục khoảng hơn 20.000 hồ sơ. Khối Sư phạm gồm các môn: Toán, lý, hóa, sinh, ngữ văn, tin học… và khối Khoa học Giáo dục gồm: Giáo dục học, tư vấn hướng nghiệp, tư vấn tâm lý…

Nghề gia sư kiếm hơn 10 tỷ đồng/năm

  Thầy Phang quyết định bỏ hẳn công việc chính sau bốn năm và chỉ chuyên tâm vào nghề gia sư. Khởi đầu với một học sinh duy nhất, nhưng “khách hàng” ngày càng nhiều.      

Cùng chuyên mục