Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đang lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia cho “Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông – chương trình tổng thể” (dự thảo) do Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết làm tổng chủ biên.
Sau đây là những góp ý của tôi:
Về quan điểm và mục tiêu giáo dục
Cách đặt vấn đề trong dự thảo chưa đầy đủ vì chưa dám nhìn vào thực trạng tổng thể phát triển của đất nước ta. Sau hơn 40 năm sống trong hòa bình thống nhất, đại bộ phận nhân dân vẫn còn nghèo. Nguyên nhân của cái nghèo chủ yếu vì giáo dục và đào tạo của chúng ta chậm đào tạo được con người Việt Nam có đủ phẩm chất và năng lực cần thiết cho sự phát triển vượt bậc trong thế giới kinh tế tri thức. Nhiều trường lớp của chúng ta không đạt chuẩn, có giáo viên không đạt chuẩn, có học sinh ngồi nhầm lớp, nhiều kết quả thi cử không trung thực, nhiều thành tích giáo dục không hiện thực, đào tạo ra những con người tốt nghiệp trung học không giao tiếp được bằng một ngoại ngữ, không khởi nghiệp được, không đi làm việc được, chỉ biết tiếp tục lo thi cử để cố vào đại học.
Vì dự thảo chưa dám nhìn sự thật này nên mục tiêu giáo dục phổ thông (GDPT) ghi là “nhằm phát triển phẩm chất và năng lực” con người một cách rất bao quát, toàn diện nhưng chưa tập trung được vào đặc tính nào rõ ràng.
Tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét các mục tiêu GDPT của các quốc gia tiên tiến trong thế kỷ 21, để bổ sung mục tiêu người tốt nghiệp phổ thông Việt Nam phải có, gồm: (1) khả năng giao tiếp bằng một ngoại ngữ, (2) khả năng làm việc hoặc khởi nghiệp, (3) khả năng học thêm nghề chuyên môn, và (4) khả năng học cao hơn trung học.
Yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh
Đổi mới cơ bản nhất của giáo dục Việt Nam trước tiên là đổi mới chương trình đào tạo sư phạm để đáp ứng sự đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Phần này của dự thảo được soạn thảo rất hiện đại, nêu ra sáu phẩm chất và 10 năng lực của người học sinh phổ thông, với tiêu chuẩn nội dung kiến thức hoặc kỹ năng chi tiết cho từng phẩm chất ở ba cấp: tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Phần rất quan trọng – nội dung chi tiết rõ ràng của từng môn học cho từng lớp học (chuẩn kiến thức môn học) – thì chưa soạn, ban soạn thảo để lại cho nhóm làm sách giáo khoa (SGK) lo sau. Đây là một điều bất cập, không bảo đảm tính nhất quán của một chương trình mới gần như hoàn toàn do các chuyên gia của Ban soạn thảo thiết kế những học phần mới. Nếu chỉ dừng lại với từng ấy nội dung chi tiết từng cụm tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông như vậy sẽ không tránh được chồng chéo kiến thức trong các lớp.
Tôi đề nghị ban soạn thảo nên tiếp tục xây dựng cho được bộ chuẩn kiến thức môn học của toàn bộ chương trình GDPT mới này.
Bộ GD-ĐT không nên tiêu tốn ngân sách nhà nước quá nhiều để làm công việc mà các nhà xuất bản tư nhân có thể làm hiệu quả hơn là viết SGK. Bộ GD-ĐT sẽ quản lý chất lượng giáo dục – đào tạo qua bộ chuẩn kiến thức môn học chứ không bằng SGK do bộ tự soạn thảo và tự xuất bản. Tôi đề nghị bộ giao cho ban soạn thảo dự án tổ chức soạn bộ chuẩn kiến thức môn học để các nhà xuất bản mời các chuyên gia viết SGK. Các giáo viên tham khảo nhiều SGK để soạn giáo án, chọn quyển SGK nào hay nhất để giới thiệu cho học sinh mua về học.
Trong số 10 năng lực cần hình thành của người học sinh, với nhiều chi tiết của mỗi năng lực được hình thành trong quá trình học tập cả 12 năm, nên lưu ý thêm là học sinh sẽ học lên lớp cao hơn sau trung học, nên các em sẽ hình thành thêm năng lực cao hơn. Vì vậy, trong giai đoạn trung học phổ thông, chưa nên dùng khái niệm năng lực “tự chủ” mà nên gọi là “tự lực”. Khái niệm “tự chủ” nên dành cho sinh viên đại học. Nên nhấn mạnh năng lực song ngữ trong năng lực giao tiếp. Trong suốt quá trình từ lúc 3 tuổi ở nhà trẻ – mẫu giáo và 12 năm GDPT, học sinh được tiếp cận, trau dồi tiếng Việt và một ngoại ngữ (như học sinh Singapore, Malaysia, Philippines, các nước Nam Á, Trung Đông, tất cả các nước châu Phi…).
Và kế hoạch giáo dục
Kế hoạch giáo dục được đổi mới gần như hoàn toàn, tiếp cận được ngang tầm quốc tế. Nổi bật nhất là bốn môn học tiếng Việt-ngữ văn; ngoại ngữ; toán; giáo dục thể chất được học trong suốt quá trình 12 năm.
Về môn tiếng Việt, nên thiết kế chương trình cho học sinh học tiếng Việt thật giỏi, phát âm tiếng Việt thật chuẩn (không nói đớt như phần lớn học sinh ngày nay).
Về môn ngoại ngữ, chỉ học một ngoại ngữ (tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, tiếng Hoa) xuyên suốt từ 3 tuổi – mẫu giáo – đến lớp 12. Không nên học hai ngoại ngữ trong chương trình phổ thông. Nếu học sinh có năng khiếu ngoại ngữ nào khác thì họ có thể học thêm ở lớp học bên ngoài trường. Môn ngoại ngữ (Anh văn) dù học bao nhiêu tiết cũng sẽ là không đủ cho các cháu luyện một ngoại ngữ đạt mức giao tiếp. Đề nghị ban soạn thảo thêm tiết học ngoại ngữ để nâng cao năng lực giao tiếp song ngữ, tốt nhất là Việt – Anh, cho người Việt, nếu không thì người Việt luôn bị lép vế với dân ASEAN, dân Nam Á, dân Trung Đông, dân châu Phi, châu Âu và châu Mỹ khi hội nhập quốc tế. Nên giảm bớt môn học tự chọn tùy ý (TC1) bằng cách cho chọn thêm môn ngoại ngữ 1 như là một môn TC1 để học sinh có thêm thời gian học ngoại ngữ cho lưu loát. Thêm tiết ngoại ngữ nữa bằng cách rút bớt tiết học giáo dục quốc phòng và an ninh để luyện thêm năng lực giao tiếp bằng song ngữ Việt – Anh.
Cần toàn diện hơn
Tôi tin rằng chương trình phổ thông đổi mới này sẽ không đạt mục tiêu “cơ bản và toàn diện” nếu những vấn đề sau đây không được được đổi mới:
Thứ nhất, lớp mẫu giáo phải là đơn vị quan trọng nhất của GDPT, nên được bao gồm trong GDPT mới. Trong hệ thống giáo dục hiện tại của Việt Nam, lớp mẫu giáo rất bị coi thường; các cháu bé mới vào đời chỉ được dạy bởi phần lớn là giáo viên chưa đạt trình độ đại học, thiếu trải nghiệm nếp sống văn minh, phát âm không chuẩn, gây ấn tượng xấu cho trẻ thơ. Hệ thống giáo dục các quốc gia tiên tiến luôn coi trọng giáo dục mầm non, do giáo viên già dặn nghề giáo đảm trách.
Thứ hai, cần thêm bộ chuẩn kiến thức (Set of Standards of Knowledge) của từng môn học đổi mới theo từng lớp học. Đây là tài liệu quan trọng nhất mà Bộ GD-ĐT sẽ dùng để quản lý chất lượng giáo dục, đánh giá giáo viên và học sinh, chứ không phải là chương trình SGK. Bộ nên giao nhiệm vụ cho ban soạn thảo huy động thêm chuyên gia các môn học tham khảo các bộ chuẩn kiến thức của các nước để soạn bộ chuẩn cho Việt Nam. Thí dụ môn toán lớp 3 tuổi thì học gì, lớp 4 tuổi học gì, cho đến lớp 12 học gì. Có được bộ chuẩn của từng môn học, các nhà xuất bản sẽ hợp đồng các chuyên gia môn học để soạn SGK từng lớp theo đúng bộ chuẩn kiến thức mà bộ đã duyệt.
Thứ ba là đào tạo giáo viên. Đây là khâu gay go nhất. Gần như tất cả các môn học sẽ đổi mới về nội dung kiến thức và phương pháp dạy/hướng dẫn. Với trình độ giáo viên tốt nghiệp từ các trường sư phạm qua chương trình đào tạo giáo viên kém hiệu quả hiện nay thì không thể nào dạy nổi chương trình mới này. Do đó, đổi mới cơ bản nhất của giáo dục của Việt Nam trước tiên là đổi mới chương trình đào tạo sư phạm để đáp ứng sự đổi mới chương trình GDPT. Phải thẳng thắng nhìn nhận chất lượng đội ngũ giáo viên phổ thông của ta hiện nay để thiết kế lại chương trình đào tạo giáo viên sao cho mỗi giáo viên tốt nghiệp chương trình đào tạo giáo viên mới phải đạt trình độ cơ bản chuẩn về tiếng Việt và tiếng Anh (hoặc môn ngoại ngữ 1 khác), và các môn học mới thiết kế bởi chương trình GDPT vừa soạn thảo.
Đối với các giáo viên hiện đứng lớp, cần một chương trình đào tạo cấp tốc giáo viên dạy chương trình mới với bộ chuẩn kiến thức môn học mới sẽ được Bộ GD-ĐT công bố. Mỗi giáo viên môn học được huấn luyện phương pháp dạy, phương pháp đánh giá mức độ học sinh đạt chuẩn kiến thức… Phải làm quen cách dạy với thực tế môn học, phải có khả năng chỉ cho học sinh những ứng dụng của kiến thức đang học vào thực tiễn. Khai thác khía cạnh hướng nghiệp của môn học mình đang dạy.
Thứ tư, phương tiện dạy và học của mỗi trường học phải được trang bị thật đầy đủ: trợ huấn cụ (đồ chơi để học, máy móc, sân vườn…), thư viện với các tài liệu tham khảo cơ bản (cả giáo viên và học sinh đều tham khảo) và nối mạng Internet.
Theo: Giáo sư Võ Tòng Xuân (TBKTSG)