Giám sát bán hàng – Vị tướng xông pha ngoài thị trường

(hieuhoc_hieuhoc.com): Một công ty có hệ thống phân phối rộng rãi cũng như có đội ngũ nhân viên bán hàng đông thì luôn có vị trí Giám sát bán hàng. Ở thời kì cạnh tranh ngày càng gay gắt ngày nay, việc bán hàng ra thị trường ngày càng được đẩy mạnh thì nghề Giám sát bán hàng cũng trở thành một nghề hot.

Vai trò của giám sát bán hàng

Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay, nhà sản xuất thường xuyên tung ra những chiêu thức Marketing mới mẻ. Người tiêu dùng bị “choáng ngợp” bởi các chương trình khuyến mãi hấp dẫn và đa dạng, ví như mua 1 tặng 1, mua 3 tặng 1, mua dầu gội đầu tặng dầu xả, mua bột ngọt tặng bát đĩa, hỗ trợ vay vốn ngân hàng lãi suất thấp khi mua oto, xe máy… Ẩn chứa sau những hoạt động rầm rộ và tốn kém đó là ước mơ cháy bỏng của doanh nghiệp: phải giành được thị phần, chiếm được vị thế vững chắc rồi là thượng phong trên thị trường và trong tâm trí người tiêu dùng.

Người có thể biến những ước mơ này thành hiện thực chính là những người quản lý bán hàng cấp cơ sở – tức giám sát bán hàng hay giám sát mại vụ, giám sát kinh doanh – cách dịch khác nhau của từ tiếng Anh Sales Supervisor. Với sự am hiểu thị trường, khả năng lãnh đạo, người này có thể huy động mọi nguồn lực tại cơ sở từ nhân viên bán hàng đến nhân viên của đại lý, và cả bản thân nhà đại lý để thực hiện kế hoạch.

Thực tế cho thấy, có những chương trình khuyến mãi hoặc giới thiệu sản phẩm ở địa phương này thì thành công, khách hàng nhiệt tình hưởng ứng; ở địa phương khác thì lại lắm rắc rối, đôi khi gặp cả kiện tụng. Gần như 90% trường hợp sau đều có phần ảnh hưởng từ việc thiếu kinh nghiệm, lơ là kiểm tra đôn đốc của giám sát bán hàng phụ trách địa bàn.

Thăng tiến từ nhân viên bán hàng

Nói như trên, chúng ta có thể thấy vai trò của người giám sát là rất lớn trong các chiến dịch marketing cũng như việc phân phối hàng hóa ra thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta cũng khó định nghĩa một cách chính xác về vai trò và trách nhiệm của một giám sát kinh doanh, họ là một Quản lý bán hàng ngoài thị trường – Field Sales Manger, hay họ là một nhân viên bán hàng cao cấp – Senior Sales Rep?

Hai khái niệm trên là khác nhau nhưng trên thực tế lại rất gần nhau. Tình hình các doanh nghiệp hiện nay cộng với cao trào của chiến lược cắt giảm chi phí, các Giám sát Kinh doanh thường được lựa chọn dựa trên các Senior Sales Rep – Nhân viên bán hàng cấp cao. Hầu hết các Giám sát này làm việc theo mô hình “tự thân vận động” theo kinh nghiệm, và mất đi rất nhiều khả năng hiệu quả cá nhân và có thể sinh lợi cho doanh nghiệp đứng trên quan điểm hiệu quả của lực lượng bán hàng. Chính vì vậy, khi lựa chọn người làm giám sát bán hàng thì giám đốc kinh doanh phải có kế hoạch tổ chức các buổi huyến luyện từ cơ bản đến nâng cao cho họ.

“Tôi có những nhân viên bán hàng giỏi. Muốn đưa họ lên làm giám sát bán hàng, nhưng lại e rằng họ không thể hoàn thành được nhiệm vụ vì thiếu kinh nghiệm. Còn nếu tuyển người có kinh nghiệm từ bên ngoài, tôi lại sợ họ mất thời gian để làm quen địa bàn và nhân viên. Và ngại nhất là những nhân viên bán hàng giỏi sẽ thất vọng và không còn động lực phấn đấu. Vậy tôi phải làm sao?”. Đây là thách thức thường gặp của nhà quản lý.

Để giải quyết vấn đề này, cần xem xét và đánh giá chính xác năng lực của từng ứng viên. Bán hàng giỏi – chưa đủ để trở thành một giám sát giỏi. Anh ta cần phải có tố chất và kỹ năng cơ bản như giỏi giao tiếp, tạo ảnh hưởng lên người khác, lập kế hoạch, lãnh đạo đội ngũ… Có thể những kỹ năng này chưa thể hiện trong công việc (vì ít có cơ hội) nên cần phải xem xét đến môi trường ngoài công việc như vui chơi, huấn luyện, ngoại khóa, gia đình hay công tác xã hội…

Có nhiều công ty treo thưởng cho thành tích bán hàng là một khóa huấn luyện về kỹ năng quản lýlãnh đạo. Điều này giúp nhân viên hiểu rằng mình có cơ hội để thăng tiến nghề nghiệp, và dường như không ai muốn bỏ lỡ cơ hội như thế. Kết quả là những nhân viên sales sẽ có được những thành tích kinh doanh tốt đẹp, cộng với những kiến thức, kỹ năng để có thể thăng tiến lên vị trí giám sát kinh doanh.

Các điều kiện cần cho vị trí Giám sát bán hàng

Khi được hỏi: “Anh thích nhất điều gì ở các giám sát bán hàng?”. Câu trả lời của các nhà phân phối không phải là “sự hỗ trợ và giúp đỡ”, mà là “sự am hiểu địa bàn và khả năng lãnh đạo đội ngũ tiếp thị bán hàng”. Điều này thật sự là một bất ngờ, vì rất nhiều người cho rằng giám sát bán hàng như “đứng giữa hai làn đạn”, từ công ty và từ nhà phân phối. Nghiêng về phía nào cũng bị bên kia phàn nàn.

Thách thức với giám sát không phải là biết cách “chinh phục trái tim nhà phân phối”, mà là nâng cao hiểu biết thị trường và kỹ năng lãnh đạo đội ngũ. Hiểu theo cách khác, giám sát không phải là cầu nối giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, mà phải là một nhà kinh doanh tài ba, biết cách biến ước mơ của nhà sản xuất thành mục tiêu chung của nhà phân phối và đội ngũ bán hàng.

Giám sát phải tinh tường và nhạy bén với từng cơ hội, phải huy động được mọi nguồn lực để biến các cơ hội này thành doanh số và ưu thế cạnh tranh của sản phẩm. Nếu ví giám sát bán hàng là tướng ngoài biên ải, thì vị tướng này phải có đủ dũng khí và đảm lược để suy nghĩ và hành động độc lập, để đưa ra những quyết định phù hợp với tình hình.

Các khóa học bổ trợ cho nghề giám sát bán hàng

Hiện nay, vẫn chưa có một trường đại học, cao đẳng nào đào tạo nghề này. Vì vậy, đa phần, các nhân viên bán hàng đều tự học qua quá trình làm việc, học hỏi các vị trí cao hơn trong công ty… để có thể thăng tiến lên vị trí này. Bên cạnh đó, ngày nay cũng có rất nhiều trung tâm đào tạo các khóa học ngắn hạn bổ trợ thêm kiến thứ và kỹ năng giúp các nhân viên bán hàng thăng tiến lên được vị trí này – như bên trên có nhắc đến. Các bạn có thể tìm các khóa học đó tại mục Sales – Marketing – PR trên hieuhoc_hieuhoc.com hay click vào đây để xem chi tiết.

Ngô Nghê

(Chú ý:Hãy ghi rõ nguồn:“Ngô Nghê – Theo hieuhoc_hieuhoc.com”khi xuất bản lại nội dung bài viết này)

Cùng chuyên mục