Quản trị nhân sự ngày nay, đã thực sự trở thành một khoa học và nghệ thuật về con người. Ứng dụng những nghiên cứu thành công về quản trị nhân sự, là một hành động tất yếu, để phát triển bộ máy của các tổ chức, doanh nghiệp.
Các chủ doanh nghiệp hay các giám đốc nhân sự, thường chỉ áp dụng những khuôn mẫu nhàm chán về khen thưởng và khiển trách đối với nhân viên, mà quên đi rằng, việc làm ấy chỉ có tác dụng bề mặt, chứ chưa thực chất khiến cho người ta tâm phục khẩu phục, toàn tâm toàn ý cống hiến cho sự thịnh vương chung của công ty.
Nghệ thuật quản trị nhân sự là, làm sao để nhân sự hạn chế tối thiểu phạm lỗi và, phát huy tối đa năng lực làm việc. Từ đó, xây dựng một kết cấu, một guồng máy bằng sự kết nối trí tuệ và đoàn kết trí tuệ doanh nghiệp. Sức mạnh có được từ việc làm ấy khó mà lường hết được uy lực, nó là một bó đũa, một chỉnh thể liên kết bền vững, trái với sự manh mún, rời rạc, nhỏ lẻ, dễ phân tách.
Nhân tính là bản chất phổ biến của con người, nói cách khác, là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Một CPO – Giám đốc nhân sự giỏi, tất phải thấu đáo trong việc hiểu về bản tính của con người nói chung và từng cá tính của nhân viên thuộc cấp nói riêng.
Trong một doanh nghiệp, thường thì các bộ phận hay có sự mâu thuẫn với nhau. Ví như, bộ phận kinh doanh, marketing thì thường mâu thuẫn sâu sắc với bộ phận sản xuất. Chính mâu thuẫn này, là động lực của sự phát triển doanh nghiệp, nó phản ánh sự chuyển động của thị trường buộc sản xuất phải thay đổi. Cho nên, khi nào màtrong một doanh nghiệp không còn tồn tại mâu thuẫn này, thì coi như doanh nghiệp ấy đã thực sự chết. Vậy thì, ứng phó với các mâu thuẫn quan hệ nội tại doanh nghiệp, buộc nhà quản lý nhân sự phải có những biện pháp dung hòa làm sao cho tốt nhất.
Tuy nhiên, không chỉ đòi hỏi CPO phải nắm rõ tâm tính của từng nhân viên trong từng bộ phận, mà phải có những chính sách thích hợp, cũng như những pháp chế đúng đắn và công bằng của doanh nghiệp, để có thể khéo léo vận dụng một cách nghệ thuật những quyết định của mình.
Hạn chế hay kích thích không hợp lý về việc chấm điểm đánh giá nhân viên, đều là sai lầm. Quản trị nhân sự chuyên nghiệp được thể hiện ngay từ khi bổ nhiệm một ai đó, và, bổ nhiệm họ không vì bằng cấp mà vì việc họ làm và làm được. Thuật cầu nhân (tìm người) và trị nhân (trị người) phải được biến hóa và ứng dụng linh hoạt ngay từ khâu đầu tiên trong tuyển dụng nhân sự. Quản trị nhân sự không chỉ đơn thuần là quản lý con người, mà còn là thúc đẩy sự “tinh tấn” của họ và khơi dậy trong họ những tế bào năng khiếu trội, dẫn họ đứng lên cái bục vinh quang của đời họ, mà vốn dĩ, cái bục ấy ai cũng được tạo hóa chia phần. Chỉ là, có người này người khác không đứng lên được vì, họ không biết cách để trèo lên mà thôi.
Suy cho đến cùng, quản trị nhân sự chính là khai thác và sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả. Muốn làm được điều đó, không chỉ đòi hỏi một CPO phải có tầm lãnh đạo, có con mắt hiểu người, thấu người, mà còn cần đến một cái đầu có sở học, và trên hết là có cái tâm cầu người. Chỉ khi có tâm cầu người thì, người giỏi, người hiền mới tụ về góp sức. Ấy cũng là cái lẽ, cái đạo mà người xưa đã làm và đã thành công.
Kiến thức sách vở dẫu quý đến thế nào đi chăng nữa, nhưng nếu không được vận dụng linh hoạt vào thực tế, thì kiến thức ấy cũng sẽ bị đóng băng. Hiện trạng bê tông hóa hóa trí thức trong các doanh nghiệp ngày nay, đã nói lên cái việc doanh nghiệp không sử dụng hết chất xám, hết năng lực của nhân viên, biến nhân viên thành những con robot rập khuôn và máy móc, kìm hãm sự thăng hoa trong sáng tạo và giảm kết quả công việc. Vì vậy, khai thác và sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả hay không là tùy thuộc vào nghệ thuật quản trị của các giám đốc nhân sự.
Theo: (Tamnhin)