Trong đó cần tập trung vào ba lĩnh vực ưu tiên: tăng đầu tư toàn xã hội vào hệ thống giáo dục đại học, bao gồm cả hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và đóng góp của xã hội, trong đó có đóng góp của người học và gia đình họ; tự chủ cho các đại học, trong đó có tự chủ tài chính; thay đổi cách phân bổ ngân sách cho từng trường.
Đồng thời, Chính phủ cần can thiệp để giảm thiểu các khuyết tật: bất công bằng trong giáo dục khi chỉ người khá giả, giàu mới đủ tiền cho con em đi học; thiếu thông tin về chất lượng của các trường để người đi học lựa chọn đúng ; các trường tập trung đào tạo theo nhu cầu của thị trường và xem nhẹ những ngành có lợi ích lâu dài cho xã hội.
Tự chủ và trách nhiệm của các trường
Các trường cần được toàn quyền quyết định các vấn đề như số lượng tuyển sinh, mức học phí, chương trình và chất lượng đào tạo, chủ động sử dụng nguồn kinh phí (từ nhà nước, từ học phí, từ hỗ trợ của các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ) cho các khoản chi như lương và đầu tư khác như xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị, v.v… theo như những gì các trường đại học tự chủ của các nước tiên tiến được giao quyền. Quy luật thị trường sẽ điều tiết các hoạt động này của nhà trường.
Tuy nhiên, để các trường không lạm dụng quyền tự chủ, cần có cơ chế giám sát nội bộ và từ bên ngoài (giám sát chứ không phải kiểm soát). Nhà nước nên xây dựng cơ chế cung cấp thông tin cho người dân và người học lựa chọn trường, và quy định trường đại học phải trích một phần nhất định từ nguồn thu học phí làm học bổng cho sinh nghèo và giỏi, giai đoạn đầu chính phủ có thể quy định mức bắt buộc sau đó điều chỉnh dần cho hợp lý (ở Hoa Kỳ tỷ lệ này thường là 20-24% từ tiền thu học phí).
Hỗ trợ của nhà nước
Hỗ trợ trực tiếp của nhà nước cho từng trường cần được tính một cách công khai, minh bạch và ổn định dựa trên các tham số sau: tổng số sinh viên, số đầu sinh viên trong từng ngành nhà nước cần nhưng thị trường có nhu cầu thấp (ví dụ ngành nông lâm ngư), vùng miền và các địa phương khó khăn. Tiền hỗ trợ của chính phủ hằng năm nếu không được sử dụng hết có thể được chuyển vào Quỹ hiến tặng, không phải trả lại ngân sách.
Hỗ trợ nhà nước thông qua học bổng và tín dụng sinh viên cần những chương trình tín dụng mới hiệu quả hơn thay thế cho chương trình tín dụng 157, trong đó: (i) Quy định nhiều định mức cho vay tương ứng với từng đối tượng sinh viên theo những mục đích học tập khác nhau của người học (đại học, cao đẳng, trung cấp, du học, trao đổi sinh viên, thực tập sinh ở nước ngoài,…) thay vì một định mức chung như hiện nay, có thể cho vay đủ để trang trải cả tiền học phí và sinh hoạt phí; (ii) Căn cứ định mức cho vay dựa trên đánh giá năng lực tài chính của sinh viên và kết quả học tập; (iii) Có thể áp dụng hình thức trả nợ theo mô hình tín dụng tùy theo thu nhập: chỉ bắt đầu trả nợ khi sinh viên tốt nghiệp đi làm có mức lương trên ngưỡng tối thiểu, mức trả nợ tỷ lệ với thu nhập hàng tháng; (iv) Có thể áp dụng quy định chỉ cho sinh viên học tại các chương trình đã được kiểm định đượcvay học phí nhằm khuyến khích các trường tham gia kiểm định chất lượng.
Bên cạnh đó cần tăng cường hỗ trợ thông qua tài trợ nghiên cứu khoa học (vấn đề này sẽ phân tích trong một bài viết riêng) và hỗ trợ nâng cao chất lượng giảng viên và nghiên cứu viên, thông qua các chương trình học bổng như các Đề án 322, 911, v.v…
Ngoài ra, nhà nước có thể hỗ trợ qua một số kênh khác cho các trường đại học như chính sách (a) ưu đãi thuế, quyền sử dụng đất, tạo điều kiện cho các trường liên doanh, liên kết với các đại học và tổ chức trong và ngoài nước; (b) nhà trường được xã hội hóa các dịch vụ công như giảng đường, KTX, công trình công cộng; (c) khuyến khích chính quyền các địa phương đầu tư thêm cho các đại học trong địa bàn của mình, (d) cấp học bổng, toàn phần hoặc từng phần, cho các ngành nhà nước có nhu cầu nhưng xã hội khong hoặc ít có nhu cầu như thủy sản, khuyến nông… để các trường có thêm nguồn lực đầu tư cho nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH).
Cần tuân thủ theo nguyên tắc là tổng số hỗ trợ của nhà nước cho giáo dục đại học cả nước (chứ không phải từng trường) không được giảm, đảm bảo bù trượt giá, và cần tăng lên trong điều kiện có thể bằng hoặc cao hơn mặt bằng quốc tế tính theo GDP đầu người hoặc phần trăm GDP chi cho đại học.
Tín dụng sinh viên
Đây là nội dung nhà nước cần xây dựng thành một chương trình, bao gồm:
(1) Xác định mức học phí phù hợp trong giai đoạn hiện nay;
(2) Thành lập Quỹ tín dụng sinh viên trên cơ sở xác đinh phương án vay, trả và đề xuất nguồn tín dụng;
(3) Phương án sử dụng nguồn thu tăng thêm phục vụ nâng cao hiệu quả giáo dục đại học: từng trường buộc phải xây dựng một đề án riêng, dựa trên các tiêu chí cơ bàn là tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp 6 tháng, 12 tháng, lương khởi điểm, tỷ lệ kinh phí NCKH, tỷ lệ nguồn thu học bổng trên tổng thu, số lượng các tiến bộ kĩ thuật, công nghệ mới, bài báo công bố trên các tạp chí thuộc hệ thống ISI và Scopus, thu nhập của viên chức và người lao động, v.v…;
(4) Đề xuất chính sách liên quan đến trách nhiệm của chính phủ, tổ chức tài chính, và nhà tuyển dụng, trước hết là chinh sách thu nhập của người có trình độ đại học sau khi tốt nghiệp.
(5) Tổ chức tuyên truyền thực hiện chủ trương chính sách tài chinh mới trong giáo dục đại học, nhằm đạt được sự đồng thuận và ủng hộ cao của các doanh nghiệp và của xã hội.
Trong giai đoạn hiện nay, giải pháp tăng học phí kèm theo chính sách cho sinh viên vay vốn và chính sách trả nợ hợp lý sau khi ra trường, có việc làm, là một chính sách được xã hội đồng thuận và ủng hộ. Tăng học phí hợp lý là một điều kiện dẫn đến tăng chất lượng GD-ĐT, và về thực chất là vì quyền lợi của người học.
Mức tăng học phí không vượt quá khả năng chi trả của người nghèo. Ví dụ: Những năm 2000-2005, học phí cao gấp 120% đến 225% so với chuẩn nghèo nhưng chính sách học phí vẫn có sự đồng thuận cao của xã hội. Hiện nay, theo chuẩn nghèo Thủ tướng vừa ban hành năm 2016 thì mức học phí nên là 1,6 -2 triệu đồng/tháng, như vậy sẽ phù hợp với khả năng chi trả của người nghèo ở nông thôn, phần thiếu hụt sẽ được nhà nước hỗ trợ qua hệ thống Quỹ tín dụng sinh viên.
Các nguyên tắc đổi mới giáo dục đại học:
(a) Đổi mới cơ chế tài chính không nên hiểu là chỉ tăng học phí, mà là cách huy động các nguồn lực của nhà nước, của xã hội, và sự chia sẻ trách nhiệm của người học, của gia đình họ cho sự nghiệp nâng cao chất lượng giáo dục đại học. (b) Nếu coi GD-ĐT như một ngành ‘sản xuất’ đặc biệt với sản phẩm đặc biệt là nhân cách con người, bao gồm cả phẩm chất và năng lực, với chất lượng ngày càng cao thì việc tăng cường đầu tư vốn tài chính cho GDĐH là vô cùng quan trọng. Nếu coi GDĐH như một ‘dịch vụ công’, người học là người ‘mua’ dịch vụ ấy để phát triển nhân cách của chính mình, để có tri thức, để có một nghề, để mưu sinh, thì việc anh ta phải trả tiền là lẽ đương nhiên, đây cũng chỉ là sự đầu tư cho tương lai của chính bản thân họ. (c) Tự chủ không có nghĩa là Nhà nước giảm hỗ trợ cho giáo dục đại học. Ngược lại, Nhà nước cần ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực này, nhất là ưu tiên đầu tư về nghiên cứu khoa học, vì đây là đối tượng đầu tư quan trọng trong sự phát triển lâu dài của Việt Nam. (d) Tăng tự chủ đại học, trong đó có tự chủ tài chính, là một phương thức giúp nhà nước phân bổ ngân sách hỗ trợ cho đại học một cách hiệu quả hơn thay vì cào bằng, hay theo những chỉ tiêu thiếu sức thuyết phục. (e) Cơ chế thị trường cần được coi là động lực mạnh mẽ nhất để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, để huy động nguồn thu và sử dụng nguồn lực hiệu quả. Dùng đòn bảy thị trường làm động lực có nghĩa là tăng tự chủ, tạo điều kiện cho các trường (công và tư) cạnh tranh về chất lượng giáo dục, mức học phí, và số lượng tuyển sinh, và qua đó, phục vụ xã hội tốt hơn. Cùng với các cơ chế khác, cơ chế thị trường sẽ điều tiết các hoạt động của trường đại học (tuyển sinh, giảng dạy, học phí, học bổng, nghiên cứu khoa học, dân chủ nội bộ, trách nhiệm giải trình, v.v…) hướng tới môi trường giáo dục và học thuật lành mạnh, hiệu quả.
Theo: Diễn đàn Tia Sáng (Bộ KH&CN)