Dù được vinh danh hàng đầu ở khoa Toán – Tin trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Ngô Thúc Lanh chỉ nhận mình là người dạy toán chứ không phải nhà toán học.
Nhiều người cứ nghĩ ông ít nhiều có ảnh hưởng tới người cháu họ nổi tiếng – GS Ngô Bảo Châu, song kỳ thực con đường đi của họ “chẳng liên quan gì đến nhau”.
Nghề cha truyền con nối
Giáo sư Ngô Thúc Lanh đang sống trong một không gian tĩnh lặng tại một căn hộ chung cư ở khu đô thị Trung Hoà, Hà Nội. Khách đến chơi nhà có thể nhận thấy gia phong của một gia đình trí thức Hà Nội xưa vẫn được lưu giữ trong căn hộ hiện đại này.
Ngồi vừa ấm chỗ, cậu học trò vừa nãy mở cửa cho chúng tôi bước vào phòng giáo sư với khay nước trên tay. Cậu khẽ khàng đặt khay nước trên bàn rồi cất tiếng mời ông và khách. Một lát sau, cậu bước vào khoanh hai tay, đầu hơi cúi xuống: “Thưa ông, cháu đi học ạ”, đoạn quay sang chào chúng tôi rồi bước ra ngoài. Giáo sư giới thiệu: “Cháu ngoại tôi, đang học lớp 12”.
Trước khi đến gặp giáo sư Lanh, chúng tôi cũng được nghe những học trò, đồng nghiệp một thuở của ông giới thiệu nhiều về gia đình ông: một gia đình đầm ấm, con cái ngoan, hiếu thảo và đều thành đạt, phương trưởng.
Họ Ngô của giáo sư Ngô Thúc Lanh khởi phát từ nghề dạy học. Cụ thân sinh giáo sư Lanh là cụ Ngô Đình Nhã cùng em trai là Ngô Huy Tân (ông nội của giáo sư Ngô Bảo Châu) đều làm nghề “gõ đầu trẻ” (giáo viên tiểu học). Con cháu của hai cụ chỉ có GS Lanh (đời thứ hai) và GS Châu (đời thứ ba) gắn bó sâu sắc với nghề dạy học và điều thú vị là cả hai đều là giáo sư toán học.
Nói đến đây, GS Lanh cười tủm tỉm: “Một số người thấy báo chí giới thiệu Ngô Bảo Châu có bác họ là nhà toán học Ngô Thúc Lanh nên tưởng tôi có chút ít ảnh hưởng tới Châu trên con đường toán học. Kỳ thực con đường đi của Châu không liên quan gì đến tôi. Giữa chúng tôi, mối dây liên hệ duy nhất là có họ hàng”. Rồi ông đính chính tiếp: “Mà tôi cũng không phải là nhà toán học, tôi chỉ là người dạy toán”.
Sáng lập ngành toán sư phạm
PGS – TS Bùi Quang Nghị, Chủ nhiệm Khoa Toán – Tin trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, mặc dù xuất thân từ khoa có rất nhiều giáo sư danh tiếng như Hoàng Xuân Sính, Đoàn Quỳnh, Phan Đình Diệu… nhưng chỉ có hai người được tôn xưng là “khai quốc công thần” của ngành sư phạm toán: GS Nguyễn Cảnh Toàn và GS Ngô Thúc Lanh.
Lý giải điều này, GS Lanh kể: “Vị trí của tôi trong ngành là do lịch sử tạo nên. Hồi đó số người biết toán học rất ít. Thời Pháp thuộc, ngay cả những trường cao đẳng kỹ thuật, trình độ toán học cũng không vượt quá chương trình giải tích lớp 12 hiện nay.
Các ông Tạ Quang Bửu, Nguỵ Như Kon Tum muốn học toán thì phải sang Pháp. Mãi đến năm 1941, Pháp mở trường Cao đẳng Khoa học Đông Dương, Toán học đại cương mới được đưa vào giảng dạy ở Việt Nam. Tôi học khoá 3 trường này, học xong toán học đại cương thì diễn ra Cách mạng Tháng Tám và sau đó là toàn quốc kháng chiến chống Pháp. Tôi bắt đầu vào ngành giáo dục khi tham gia kháng chiến.
Khi trường Sư phạm Cao cấp được thành lập, người dạy toán hồi đó chỉ có GS Lê Văn Thiêm, GS Nguyễn Xiển và trợ lý cho họ là anh Nguyễn Cảnh Toàn. Về sau có thêm tôi, anh Nguyễn Thúc Hào, anh Khúc Ngọc Khảm… Lớp sau nữa có thêm anh Hoàng Tuỵ.
Trong đội ngũ trên, anh Nguyễn Cảnh Toàn và anh Hoàng Tuỵ là những người đặc biệt có khả năng về toán, chỉ tiếc anh Toàn về sau làm lãnh đạo nên không còn nhiều thời gian dành cho toán”.
Sau giải phóng Thủ đô, trường Sư phạm Cao cấp chuyển về Hà Nội tiếp quản trường Cao đẳng Khoa học, rồi sáp nhập với một số trường khác để thành lập trường ĐH Sư phạm Khoa học. GS Ngô Thúc Lanh vẫn là một trong những trụ cột phụ trách môn Toán.
Chỉ tồn tại 2 năm với 3 khoá đào tạo nhưng trường ĐH Sư phạm Khoa học trở thành máy cái cung cấp cán bộ giảng dạy cho các trường đại học được thành lập sau đó.
Năm 1956, hai trường ĐH Sư phạm Khoa học và ĐH Sư phạm Văn khoa được nhập lại rồi tách ra thành hai trường hoàn chỉnh: ĐH Tổng hợp Hà Nội và ĐH Sư phạm Hà Nội. GS Nguyễn Cảnh Toàn và GS Ngô Thúc Lanh là những vị lãnh đạo đầu tiên của khoa Toán (tiền thân là khoa Toán – Lý) trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Theo GS Vũ Tuấn (nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội), thời kỳ GS Ngô Thúc Lanh làm Chủ nhiệm khoa (1956 – 1972) là giai đoạn “khoa Toán làm việc nghiêm túc nhất, dạy dỗ chuẩn mực, học tập và lao động hăng say nhất”.
GS Đoàn Quỳnh, một đồng nghiệp đàn em của GS Ngô Thúc Lanh nhớ lại: “Tuy anh Lanh là lãnh đạo nhưng chúng tôi cảm giác rất dễ dàng chia sẻ các vấn đề với anh. Thời đó, người ta đánh giá con người thiên về thành phần xuất thân nhưng anh Lanh lại rất rộng lượng. Ai cứ có tài, ham học hỏi là được anh ghi nhận, khuyến khích. Anh tạo nên không khí hăng say tìm tòi cái mới trong khoa.
Năm 1967, GS Alexander Grothendieck – một nhà khoa học đoạt giải Fields người Pháp đến Việt Nam. Dù cán bộ giảng dạy của khoa còn thiếu thốn, nếu có ai nghỉ dài ngày khoa phải bố trí người dạy thay rất phức tạp nhưng anh Lanh chủ động khích lệ anh em chúng tôi đi nghe giảng”.
Giá trị của toán học không bao giờ thay đổi
Câu chuyện giữa chúng tôi và giáo sư Ngô Thúc Lanh lại trở về với phong trào học toán ở Việt Nam gắn với cái tên Ngô Bảo Châu. “Thời Ngô Bảo Châu là đỉnh điểm của phong trào học toán. Đến năm 2000 thì phong trào suy yếu. Nhưng thành công của Ngô Bảo Châu – dù là dấu ấn cá nhân – nhưng tôi tin sẽ mang lại một hy vọng mới cho các bạn trẻ yêu toán. Mọi cái có thể thay đổi theo thời gian nhưng giá trị của những thành tựu toán học đối với cuộc sống không bao giờ thay đổi”- GS Ngô Thúc Lanh nhận xét.
Theo: NGND Ngô Thúc Lanh: “Thầy của các thầy ngành Toán sư phạm” (TPO)