Năm 2013, khi từ nước ngoài trở về sinh sống, chúng tôi phải đối mặt với một vấn đề rất khó khăn: Giải quyết việc học của con thế nào? Con tôi tiếng Việt không thạo. Chương trình giáo dục lại lệch nhau, nếu đi học ngay thì rất khó. Vì thế, chúng tôi cho rằng cách tốt nhất là cho con học tại nhà một vài năm, khi nào con sẵn sàng thì mới cho đến trường như bạn bè cùng trang lứa.
Nhưng cho con học ở nhà, tạm gọi là gia thục theo hình thức homeschooling, thì quá gian nan. Sự gian nan đó đến từ một vấn đề có tính pháp lý: gia thục, tức homeschooling, chưa được thừa nhận ở Việt Nam. Vì thế, nếu chọn gia thục là không có đường lùi.
Sau vài năm gia thục, nếu con muốn đi học tiếp, hoặc khi cha mẹ không còn đủ thời gian và nguồn lực, thì con không có cách nào để chuyển đổi. Chỉ còn một cách là học để lấy chứng chỉ để đi du học, nhưng với chúng tôi, khi đã chọn trở về từ nước ngoài, thì chúng tôi lại mong con mình được học bằng tiếng Việt, chứ tiếng Anh thì là chuyện đương nhiên. Nhưng qua trải nghiệm đó, tôi hiểu hơn về hình thức homeschooling này, cả những khó khăn và điều hay lẽ dở của nó.
Gia thục là gì?
Trước khi đi vào chi tiết, có lẽ cần thống nhất cách hiểu về homeschooling. Chúng ta thống nhất hiểu homeschooling đơn giản theo đúng nghĩa đen của từ này trong từ điển: home là nhà, school là trường. Homeschooling vì thế có nghĩa là học tại nhà thay vì đến trường. Trẻ học theo hình thức homeschooling sẽ không đến trường công hoặc trường tư thục để học như truyền thống, mà học tại nhà, cùng bố mẹ, hoặc gia sư, thường là các thầy cô được cha mẹ lựa chọn kỹ càng.
Trong tiếng Việt, homeschool có thể được dịch là gia thục, như một sự đối ngẫu với trường tư thục, một hình thức giáo dục đã được thừa nhận.
Chương trình giáo dục cho gia thục khá phong phú. Trên nguyên tắc, cha mẹ có thể tự thiết kế chương trình, dựa trên khung chương trình chuẩn quốc gia, nếu đủ khả năng. Phổ biến hơn là sử dụng chương trình giáo dục hiện hành, hoặc chương trình đã được thiết kế lại bởi các công ty giáo dục, hoặc các chương trình được chia sẻ bởi cộng đồng gia thục trên thế giới, kết hợp cùng các chương trình của các trung tâm dạy kỹ năng phù hợp. Tóm lại, chương trình gia thục tự do hơn rất nhiều so với chương trình giáo dục thông thường. Ở đó, cha mẹ được dạy con cái mà mình cho là đúng là tốt, theo cách mình thấy là phù hợp. Trẻ cũng được học cái mà mình thích, phù hợp với năng lực và thiên hướng của mình.
Gia thục vì thế là một cách cá nhân hóa giáo dục. Chính nhờ ưu điểm này mà gia thục tồn tại và phát triển được.
Năm 2016, ở Mỹ có khoảng 2,3 triệu học sinh học theo hình thức gia thục này, chiếm khoảng 3,4% tổng số học sinh của cả nước.
Gia thục là lựa chọn giáo dục hợp pháp ở rất nhiều nước, trong đó có các nước có nền giáo dục tiên tiến, như: Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Ý…
Trong nhóm các nước G7 thì có nước Đức coi gia thục là bất hợp pháp. Nhật Bản thì chính phủ không ủng hộ nhưng cũng không cấm, dù Nhật có giáo dục bắt buộc đến hết lớp 9 như Việt Nam. Riêng Liên hiệp châu Âu thì hợp pháp ở hầu hết các nước thành viên.
Ở châu Á thì gia thục là hợp pháp ở Đài Loan, Thái Lan, Ấn Độ, Philippines. Ở các nước còn lại, chính sách không rõ ràng, theo nghĩa không thừa nhận gia thục, nhưng cũng không trừng phạt nếu chọn gia thục, một tình trạng tương tự như ở Việt Nam hiện giờ.
Sơ qua các số liệu trên để thấy, gia thục hiện coi là hợp pháp ở nhiều nước, trong đó chủ yếu là ở Bắc Mỹ, Bắc Âu, những cũng chưa được coi là hợp pháp ở nhiều nước khác.
Số lượng học sinh chọn gia thục cũng còn rất ít. Lý do đơn giản là vì hình thức này quá tốn kém về thời gian và nguồn lực, không phải gia đình nào cũng phù hợp, và không phải trẻ nào cũng thích học theo kiểu gia thục này.
Gia thục là một cách cá nhân hóa giáo dục. Chính nhờ ưu điểm này mà gia thục tồn tại và phát triển được. |
Khó khăn của gia thục
Gia thục ở Việt Nam hiện chưa được thừa nhận, theo nghĩa: nếu con học theo gia thục, thì khi muốn thi tốt nghiệp để học tiếp lên cao, hoặc muốn trở lại trường học theo cách truyền thống sau vài năm gia thục, thì không có cách nào để thực hiện. Khi đó chỉ có một lựa chọn, là đến học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên, nhưng như vậy thì không được học với bạn bè cùng lứa, dù con học lực tốt và đủ trình độ y như các bạn.
Chưa kể, khi cha mẹ chọn gia thục cho con, rất nhiều câu hỏi liên quan khác nữa cũng cần phải trả lời, như: Sử dụng nội dung chương trình nào để dạy con? Thầy cô nào sẽ đồng hành cùng mình? Liệu mình có đủ thời gian để đi cùng con? Liệu con có phát triển bình thường khi không có bạn cùng lứa học cùng? Nếu sau này, con lại muốn đến trường như các bạn thì làm thế nào? Tương lai của con sẽ đi về đâu, con sẽ học lên như thế nào khi gia thục chưa được thừa nhận ở Việt Nam?
Những câu hỏi đó làm cho gia thục ở Việt Nam trở nên khó khăn gấp bội. Vì thế, chọn gia thục đòi hỏi một sự dũng cảm của cả con và cha mẹ. Con dũng cảm một, thì cha mẹ phải dũng cảm mười. Mà dũng cảm thôi thì chưa đủ. Gia thục còn đòi hỏi một ý thức trách nhiệm rất lớn từ cha mẹ, vì chính cha mẹ, chứ không phải con mình, phải chịu trách nhiệm về quyết định này.
Với gia đình tôi, giải pháp lúc đó của chúng tôi rất đơn giản: Cứ gia thục rồi thi chứng chỉ IGCSE của Anh để đi du học. Nhưng chúng tôi vẫn muốn con được học bằng tiếng Việt. Chúng tôi trở về, một phần cũng muốn con mình được nói tiếng Việt và có được văn hóa Việt.
Sau tám tháng, việc gia thục của con tôi dừng lại bởi một lý do không xuất phát từ giáo dục, mà từ quy hoạch đô thị: Thành phố hầu như không có công viên, không có chỗ chơi cho trẻ em, nên con không có bạn. Việc đó không tốt cho sự phát triển của con tôi, nhất là khi con sắp sang tuổi hoa đầy hiếu động. Trong trường hợp của gia đình tôi, việc chọn gia thục là vì lý do ngôn ngữ và sự hội nhập chưa sẵn sàng. Nhưng với các gia đình khác, chọn gia thục có thể bởi những lý do khác (xem thêm box).
Ủng hộ hay không?
Đến đây, chúng ta lại phải trở về với một câu hỏi mấu chốt: Vậy thì có nên ủng hộ gia thục ở Việt Nam hay không? Có nên vận động chính sách để gia thục được coi là hợp pháp hay không?
Những thảo luận về gia thục trong thời gian qua cho thấy, có hai nhóm ý kiến khác nhau:
• Nhóm 1: Không ủng hộ, vì cho rằng các cha mẹ không đủ kiến thức để dạy tất cả các môn cho con. Và ngoài chuyện học kiến thức, con có nhiều thứ khác nữa mà gia thục không đáp ứng được, như cần bạn ở trường, hoặc cần đối mặt với chính những tiêu cực đang có trường học.
• Nhóm 2: Ủng hộ, vì cho rằng đó là một lựa chọn khác của giáo dục. Đây là một lựa chọn có tính cá nhân. Đó là lựa chọn của số ít khác biệt, số ít cá biệt, và số ít dám chọn sống khác đi. Dù là số ít, nhưng cũng cần được tôn trọng.
Tôi thuộc nhóm 2, vì tôi cho rằng, có gia thục thì tốt hơn là không có gia thục. Trong bữa cơm, nếu có hai món thì tốt hơn là chỉ có một món duy nhất, đặc biệt là cái món duy nhất đó lại phải ăn hết năm này qua năm khác.
Suy cho cùng, không ai có thể sống thay người khác. Cũng không ai phải chịu trách nhiệm về lối sống của người khác. Gia thục, hay bất cứ một lối sống khác nào, cần đặt cơ sở trên việc tôn trọng tự do lựa chọn của cá nhân, miễn sao có luật để đảm bảo cho tự do cá nhân đó không xâm hại tự do cá nhân của người khác.
Nếu thiếu luật thì cần phải làm luật, ra chế tài cụ thể, chứ không phải là ngăn cấm vì những lo ngại có tính cách suy diễn, theo kiểu lo hộ người khác sẽ sống không đúng cách.
Trong sâu xa hơn, tôi ủng hộ gia thục vì đó là vấn đề của tự do cá nhân. Mà tự do cá nhân chính là nhân phẩm của con người. Cho nên, tôn trọng gia thục như một lựa chọn khác, dù là lựa chọn của số ít, cũng chính là tôn trọng con người, và cũng là thước đo của văn minh xã hội.
Chúng ta được quyền sống khác và được quyền chịu trách nhiệm với lựa chọn sống khác đó. Phải chăng vì thế mà hầu hết các nước có nền giáo dục phát triển ở khối Bắc Mỹ và Bắc Âu đều công nhận gia thục như một hình thức giáo dục hợp pháp?
Lý do chọn gia thục Hiện chưa có nghiên cứu và thống kê ở Việt Nam về lý do chọn gia thục, nhưng quan sát và tìm hiểu cá nhân của người viết cho thấy, việc cha mẹ chọn gia thục cho con có thể rơi vào một trong các lý do sau: • Con có hoàn cảnh đặc biệt, như mới ở nước ngoài về, chưa hòa nhập được ngay nên cần gia thục cho đến khi sẵn sàng đi học ở trường. • Con có năng khiếu đặc biệt, cần chương trình giáo dục rất riêng, theo hướng cá nhân hóa giáo dục. • Con có vấn đề về sức khỏe, cần học ở nhà một vài năm để có chế độ chăm sóc và giáo dục đặc biệt thay vì đến trường. • Cha mẹ có thời gian và nguồn lực, muốn chọn một cách học khác cho con trong một khoảng thời gian nhất định. • Không hài lòng với giáo dục hiện có trong nhà trường nên chọn gia thục như một lựa chọn khác. • Định hướng cho con đi du học nên chỉ cần tập trung gia thục để lấy kiến thức và thi lấy chứng chỉ của nước ngoài. Ở Mỹ, các lý do chọn gia thục cũng gần tương tự. Thống kê của Trung tâm Thống kê giáo dục quốc gia, trực thuộc Bộ Giáo dục Mỹ, năm 2011, cho thấy các lý do chính để gia đình chọn gia thục cho con là: • Quan ngại về môi trường học đường (26%). • Không hài lòng với chương trình giáo dục của nhà trường (20%). • Muốn con được học các nội dung liên quan đến tôn giáo (17%). • Muốn con được học các nội dung liên quan đến đạo đức (5%). • Muốn con được học theo cách phi truyền thống (5%). • Con có vấn đề về sức khỏe thể chất và tâm thần (5%). • Các lý do khác (22%). |
Theo: Giáp Văn Dương (TBKTSG)