Game Master – Ngồi mát quát to ?

Một công việc chỉ yêu cầu chút ít về ngoại ngữ, khả năng giao tiếp, quan trọng là “có kiến thức tốt về các game online thịnh hành, khả năng làm việc với cường độ cao!” và “lương theo năng lực, cơ hội thăng tiến không ngừng”…

Những dòng thông báo tuyển người quản lý game (Game Master – viết tắt là GM) của một trung tâm phát triển dịch vụ game đưa ra trên đây có thể làm nhiều gamer mất ăn, mất ngủ vì thấy quá dễ dàng… Nhưng sự thực, làm GM liệu chỉ có “ngồi mát… quát to” và “vừa được chơi game thoải mái, vừa có tiền” như nhiều người vẫn nghĩ?!

Nghề chọn người

Khi đem điều băn khoăn trên ra hỏi, tôi được Quang Sơn, sinh năm 1986, là GM của sân chơi “Game Online – Thế giới diệu kỳ” của Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC – nhà cung cấp game online lớn nhất ở Việt Nam hiện nay, cho biết: “Đâu có dễ dàng vậy anh, không có nghề nào không yêu cầu năng lực thực sự và những phẩm chất riêng. Người ngoài không biết, nhìn vào cứ nghĩ đơn giản vậy thôi”.

Sơn là dân tỉnh lẻ, về HN học chuyên Tin (ĐH Khoa học Tự nhiên), từng một thời lang thang hầu hết các quán game trên ngõ Tự Do, quanh trường Bách khoa, mê game đến quên ăn bỏ ngủ. Đến khi VASC mở ra sân chơi chính thức “Game Online – Thế giới diệu kỳ”, Sơn là người đầu tiên tìm đến và xin được tham gia với tư cách người quản lý game trên mạng. Tất nhiên mọi chuyện không hề đơn giản. Đầu tiên là cắm đầu luyện level để lên top trong bảng tổng sắp MU Online – Thế giới diệu kỳ, có mặt trong số các cao thủ của một số game online ngay khi VASC còn đang thử nghiệm. Khi đã “có tên có tuổi” trên chiến trường ảo rồi, Sơn cố gắng tìm cơ hội tiếp xúc với những người quản lý nhóm phát triển game ở VASC. Sau một cuộc “tranh luận” online sôi nổi với anh Nguyễn Xuân Cường, Giám đốc Trung tâm Game Online, ngay trên một server game online, Sơn mới được mời đến Công ty và lại trải qua một cuộc nói chuyện (thực chất như một cuộc phỏng vấn sát hạch) với nhiều cấp lãnh đạo, quản lý và kỹ thuật của trung tâm mới chính thức được thử việc tại đây.

Vì công việc chính là chơi và tìm hiểu, giám sát game, tổ chức diễn đàn, hỗ trợ, tiếp nhận ý kiến của thành viên, nên GM thường rất bận rộn. Để hoàn thành tốt công việc, họ phải đáp ứng được nhiều yêu cầu khắt khe về năng lực, kỹ năng cần có: làm việc độc lập hoặc theo nhóm tốt, giao tiếp, tổ chức, quản lý và hòa nhập tốt, có khả năng trình bày, nhất là có thể làm việc với cường độ và sức ép lớn.

GM – Họ là ai?

Hệ thống quản lý trực tiếp của một game online được chia làm 3 cấp chính:

1. Administrator: thành viên thuộc nhà phát hành game. Đây là những người có quyền cao nhất trong game, điều khiển mọi hoạt động của game liên quan đến server, quản lý diễn đàn, tổ chức các sự kiện (trong và ngoài game), đưa ra các thông báo…

2. GM: Có thể thuộc hoặc không thuộc nhà phát hành game. Tùy vào năng lực và cấp độ, họ nhận các nhiệm vụ khác nhau như kiểm soát các hành động trong game, làm MOD (moderator) tại diễn đàn, giải đáp thắc mắc qua điện thoại, trả lời thư…

3. Guide (người hướng dẫn): những gamer tình nguyện trở thành người hướng dẫn trong game hay trên diễn đàn. Họ được hưởng một số quyền lợi nhất định mà các gamer khác không có. Tất nhiên, họ phải vượt qua kỳ sát hạch do ban quản trị đưa ra.

Trong hệ thống trên, GM là những người quan trọng và thường xuyên xuất hiện trong game nhất, họ cũng chính là những người tiếp cận với các gamer. Không chỉ đơn giản là chơi và hướng dẫn những người mới để hỗ trợ cho hệ thống kỹ thuật của nhà phát hành game, GM còn đảm nhận những công việc khá phức tạp khác. Họ phải tham gia vào quá trình test alpha – bản thử nghiệm game trước khi tung ra thị trường chỉ dành riêng cho những GM (còn gọi là close beta) – để tìm hiểu toàn bộ các thông tin về trò chơi, các bug (lỗi) có thể nảy sinh trong quá trình chơi như đồ họa, âm thanh hay dịch thuật, báo cáo với bộ phận kỹ thuật, đề ra những phương án khả thi để khắc phục sự cố. Việc này tốn rất nhiều thời gian và công sức, đòi hỏi phải có kiến thức vững vàng về game online. Sau quá trình close beta, game online cần trải qua giai đoạn open beta trước khi chính thức được đưa đến với cộng đồng gamer. Ở giai đoạn này, những GM sẽ được tiếp cận với một số lượng giới hạn các gamer. Họ sẽ cùng nhau chơi game để tiếp tục phát hiện và xử lý các lỗi nhằm hoàn thiện game, và như vậy sẽ có một số gamer được trở thành guide sau khi kết thúc open beta.

Đến giai đoạn chính thức phát hành, công việc của GM sẽ nhiều và nặng nề hơn. Họ phải xây dựng mối quan hệ tốt với cộng đồng game, thiết kế và quản trị một cấu trúc diễn đàn ổn định, thu thập và tiếp nhận các phản hồi về game như bug mới, ý kiến về game… Họ sẽ tiếp tục công việc đó cho đến khi mọi thứ đã hoàn toàn ổn định, đưa game đến được với nhiều người chơi.

Nói thì đơn giản vậy, nhưng các GM phải tập trung rất nhiều cho chuyên môn của mình, trách nhiệm của họ với ban quản trị và cộng đồng game trở thành áp lực công việc khá nặng.

Công việc của GM

“Công việc của một GM rất vất vả và phải chịu sức ép cực lớn từ nhiều phía. Chỉ riêng về cường độ làm việc cũng đã đáng nói rồi. Vừa online giải quyết các tranh chấp, giám sát trò chơi, theo dõi diễn đàn, vừa trực điện thoại trả lời thắc mắc của các gamer…”, Quang Sơn kể về công việc của GM và tâm sự, bây giờ làm GM mới thấy hết nỗi khổ. “Xử lý gian lận là công việc khó khăn nhất, vấp phải nhiều phản ứng nhất, nhưng lại là công việc chủ yếu của một GM”. GM phải thành thạo tất cả các kỹ năng chơi game để có thể kiểm tra lỗi trên sever đồng thời phục vụ quá trình tư vấn cho các game thủ. GM trung bình một ngày phải trả lời khoảng 30 cuộc điện thoại; có những lúc lên tới 50 cuộc.

Liên tục trả lời điện thoại của các gamer, vẫn không ngừng tay gõ phím trả lời các thành viên trên diễn đàn, GM Anh Tùng nói vui: “Rất nhiều cuộc gọi chỉ để thắc mắc về các vấn đề gặp phải trong game, nhưng phần lớn là xung quanh vấn đề chơi gian lận. Nhiều bạn từ tận Cà Mau, Cần Thơ gọi về góp ý và thể hiện tình cảm trân trọng rất xúc động, nhưng đôi khi bọn em còn phải nghe những cuộc điện thoại đe dọa, thậm chí chửi bới của các gamer khi họ bị GM xử lý nghiêm khắc do vi phạm qui định trong game. GM phải luôn giữ bình tĩnh và cố gắng giải thích thỏa đáng với người chơi. Từ khi làm GM, em lại học thêm được nhiều về tính nhẫn nại!”.

Đôi khi các GM cũng mắc sai lầm. GM Sơn kể lại vụ cậu khóa nhầm account của một game thủ. Sau khi có tin từ một số thành viên trong server thông báo, “haidaibang” vừa “hack đồ”, như thường lệ, Sơn xác định vị trí của game thủ. Chưa kịp kiểm tra thì điện thoại đổ chuông, một thành viên thông báo, “một game thủ” khác đang giở trò gian lận. Chàng GM nhà ta “cuống” và bấm block luôn “haidaibang”. Chỉ ít phút sau, một loạt thành viên gọi điện, chat trên diễn đàn để “đòi lại” tài khoản cho “haidaibang”. Nhanh chóng xác minh, Sơn phát hiện game thủ này không hack đồ, chỉ là do không biết đã mua đồ hack của một gamer khác. Cậu vội vàng trả lại tài khoản và công khai xin lỗi trên toàn server.

Trên server MU Online – Thế giới diệu kỳ có một đội gamer lấy tên là *7x*, toàn bộ thành viên nhóm này hầu hết là giám đốc, chủ doanh nghiệp ở độ tuổi… 7x và rất mê game. Họ chơi rất “đẹp”, tôn trọng GM và thường xuyên giúp đỡ, đôi khi còn cho các GM những lời khuyên quý báu về cuộc sống. Từ xã hội của game, GM học được nhiều điều hay về xã hội thực bên ngoài. “Đó là điều mà khi chưa làm GM em chưa hề biết đến. Quản lý game online, thu hoạch lớn nhất của các GM không phải là tiền bạc hay danh tiếng mà chính là “quan hệ và được giao tiếp với nhiều người trên khắp mọi miền đất nước”, Sơn tâm sự.

Chiến trường ảo và đời thực

GM Anh Tùng kể, sau khi khóa account vĩnh viễn đối với một gamer có hành vi nhiều lần dupe đồ (tạo các đồ trái phép) trong trò MU Online – Thế giới diệu kỳ, game thủ này nhiều lần gọi điện đến xin trả lại account không được đã nổi khùng kéo một đội bốn người toàn dân anh chị đến tận cổng trung tâm tại số 4 Láng Hạ đòi… đánh GM. May mà các GM làm việc thâu đêm nên đối tượng chờ không được đành kéo nhau bỏ về. “Chuyện sau này được mọi người kể lại đã khiến anh em dựng tóc gáy, nhưng công việc là vậy, thực sự yêu thích thì mình sẽ theo được đến cùng”, Tùng kết luận.

Trường hợp của game thủ “nghialieu…” thì lại khiến GM Sơn “mất ăn mất ngủ” mấy tuần liền. Người chơi vì quá tức giận khi bị khóa account đã cung cấp chương trình “hack server” và “phát tán” đồ “dupe” một cách vô tội vạ cho các thành viên khác gây nên tình trạng mất ổn định của server. Tinh quái hơn, game thủ này còn tạo ra thêm một vài “item”, character (nhân vật) mới và tuyên bố: “Nếu không trả lại account thì sẽ tiếp tục phát tán chương trình hack sang các server khác”. Bí quá, GM Sơn đành “làm liều”. Cậu tuyên bố là đã tìm ra tên họ, địa chỉ và nơi học tập của game thủ và dọa: “Nếu còn tiếp tục giở trò gian lận thì sẽ nhờ đến cơ quan công an giải quyết”. Game thủ này sợ hãi bỏ chạy, còn Sơn cũng được một phen toát mồ hôi.

Khi tôi hỏi về thu nhập của GM, Anh Lê Việt Thành, quản lý đội GM của VASC cười: “Game online là một loại hình dịch vụ giải trí rất mới, GM cũng là nghề mới, nên thu nhập chưa thể cao như nhiều người tưởng. Nếu muốn làm nghề này, điều quan trọng bạn cần có là lòng nhiệt tình và yêu công việc!”.

Bài liên quan

Game Developer - Vừa làm vừa chơi vẫn có thu nhập cao

(hieuhoc_hieuhoc.com): Chắc hẳn các bạn là một “tín đồ”, là người đã từng chơi hay tối thiểu cũng biết đến các game từng đình đám và đang làm mưa làm gió trên mạng trong những năm gần đây như Half Life, Đế chế, Võ Lâm Truyền Kỳ, Audition, Phi Đội, Boom… Vậy, những game đó là do ai tạo ra? Đó chính là các game developer (chuyên viên lập trình và phát triển game).

Cùng chuyên mục