Facebook: Học cách im lặng.

(Hiếu học). “Nếu như được quay lại quá khứ, có những điều tôi sẽ không bao giờ nói ra trên mạng. Tôi bắt đầu tự kiểm duyệt chính mình nhiều hơn. Dù sẽ cố gắng để luôn trung thực và thẳng thắn trên mạng nhưng tôi giờ đã ý thức được mình đang nói chuyện với ai.”

Bắt đầu suy nghĩ khác

Min Liu là một sinh viên 21 tuổi đang theo học ngành nghệ thuật tự do ở trường New School, thành phố New York. Min Liu mở tài khoản Facebook của mình từ năm 17 tuổi. Kể từ đó, cô bắt đầu ghi lại tất cả mọi chi tiết trong đời sống sinh viên của mình, từ những buổi tiệc rượu trên sân thượng cùng bạn bè đến những lần đi khiêu vũ ở các câu lạc bộ trong thành phố… Gần đây, cô bắt đầu có một suy nghĩ khác về những việc này.

Lo ngại cho triển vọng sự nghiệp của mình, Min Liu đã đề nghị một người bạn dỡ bỏ tấm ảnh trong đó cô đang uống rượu và mặc một chiếc váy bó sát trên Facebook. Khi người quản lý của Min Liu trong gian đoạn thực tập đề nghị trở thành bạn của cô trên trang này, Min Liu chấp nhận, nhưng giới hạn truy cập vào các thông tin cá nhân của mình. “Tôi muốn mọi người nhìn nhận mình một cách nghiêm túc,” Liu nói.

Thông thường, những người ở lứa tuổi đôi mươi đều cảm thấy thoải mái khi thể hiện tất cả những khía cạnh trong cuộc sống riêng tư của mình trên mạng, từ loại bánh pizza mà họ yêu thích đến những người tình thường xuyên nhất của họ. Tuy nhiên, nhiều thành viên của thế hệ thích thể hiện này đang bắt đầu suy nghĩ lại về ý nghĩa của cuộc sống khi không còn chút riêng tư nào cho riêng mình. Min Liu bắt đầu cân nhắc nên đưa những thông tin nào lên mạng (Ảnh: NYT)

Mặc dù hiện nay xu hướng tham gia vào các mạng xã hội vẫn còn rất mạnh mẽ, một cuộc khảo sát vào tháng trước do Đại học California tại Berkeley thực hiện đã cho thấy hơn một nửa số thanh niên trưởng thành khi được hỏi đã bắt đầu lo ngại nhiều hơn về thông tin cá nhân của mình trên mạng so với thời điểm 5 năm trước – phản ánh số người ở độ tuổi cha mẹ của họ có cùng những lo ngại này.

Tuy nhiên, giới trẻ ngày nay cũng cố gắng nhiều hơn lớp người đi trước trong việc tự bảo vệ mình. Trong một nghiên cứu mới được công bố tháng này, dự án Pew Internet Project đã tìm ra rằng những người ở độ tuổi 20 đến 30 kiểm soát danh tiếng trên mạng của mình chặt chẽ hơn những người lớn tuổi, họ quyết đoán hơn trong việc xóa đi những bài viết không mong muốn và hạn chế thông tin về bản thân.

Không nên chủ quan

“Tham gia mạng xã hội, bạn cần phải cảnh giác, không chỉ trong những gì bạn viết ra mà cả những gì bạn bè viết về bạn.” Mary Madden – một chuyên gia nghiên cứu cao cấp, người giám sát nghiên cứu của Pew về kiểm tra hành vi trên mạng – phát biểu. “Ngày nay, bạn phải chịu trách nhiệm về mọi thứ.”

Sự mất dần của yếu tố riêng tư đã trở thành một vấn đề áp lực giữa những người tham gia vào các mạng xã hội. Tuần trước, Facebook đã phải dốc sức để sửa một lỗ hổng bảo mật cho phép người dùng đọc được những thông tin cá nhân của bạn bè họ, trong đó có cả các cuộc hội thoại riêng tư.

Sam Jackson, sinh viên năm đầu tại Yale, bắt đầu viết blog từ khi mới 15 tuổi và mới được nhận vào thực tập tại Google. Sam nói cậu đã học được một điều rằng không nên tin tưởng bất cứ mạng xã hội nào trong việc gìn giữ những thông tin cá nhân của mình.

“Nếu như được quay lại quá khứ, có những điều tôi sẽ không bao giờ nói ra trên mạng. Tôi bắt đầu tự kiểm duyệt chính mình nhiều hơn. Dù sẽ cố gắng để luôn trung thực và thẳng thắn trên mạng nhưng tôi giờ đã ý thức được mình đang nói chuyện với ai.”

Sam hiểu ra rằng không nên chia sẻ tất cả trên mạng và rút ra một lý thuyết cho riêng mình: Các lớp chia sẻ đồng tâm và học cách im lặng.

Tài khoản Facebook của cậu bắt đầu từ năm 2005 được đặt ở chế độ bảo mật nghiêm ngặt. “Tôi không muốn mọi người biết được cả những bộ phim mà tôi đang xem,” cậu nói. “Nếu như tôi muốn chia sẻ điều gì đó, tôi phải biết rõ điều mình đang chia sẻ là gì.”

Mối nghi ngờ dồn vào các trang xã hội đã ngày càng phổ biến. Trong một cuộc khảo sát qua điện thoại của Trung tâm Công nghệ và Luật Berkeley tại trường Đại học California, kết quả cho thấy 88% những người trong độ tuổi từ 18 đến 24 được phỏng vấn trả lời rằng nên có các điều luật bắt buộc các trang web xã hội xóa đi những nội dung lưu trữ của mình. Và 62% nói rằng họ muốn có một điều luật cho phép mọi người quyền được biết tất cả những gì mà các trang web biết về họ.

Giới trẻ cần cân nhắc xem những thông tin nào nên cẩn trọng, bảo mật và những thông tin nào có thể chia sẻ trên mạng XH

Sự ngờ vực này đang chuyển đổi thành hành động. Trong một nghiên cứu sắp được công bố của Pew, các nhà nghiên cứu đã phỏng vấn 2.253 người vào mùa hè năm ngoái và nhận thấy rằng những người trong độ tuổi từ 18 đến 29 tỏ ra quan tâm đến các cài đặt bảo mật nhiều hơn những người lớn tuổi hơn, và họ thường xóa các dòng nhận xét hoặc xóa tên của mình trên các bức ảnh để không bị nhận ra.

Giới trẻ dạy nhau cách bảo mật

Lớp thiếu niên ít tuổi hơn không tham gia vào các nghiên cứu này, họ có thể không có cùng những lo ngại tương tự. Tuy nhiên có nhiều bằng chứng cho thấy họ chưa đủ chín chắn để hiểu được tác hại của việc chia sẻ quá nhiều.

Elliot Schrage, người giám sát chiến lược truyền thông toàn cầu và chính sách công của Facebook cho rằng việc lớp trẻ đang quan tâm nhiều hơn đến những gì họ đưa lên mạng là một tín hiệu tốt:” Chúng tôi không ép buộc bất cứ ai sử dụng nó,” ông nói về Facebook.

Nhưng cùng lúc, các công ty như Facebook đều có động lực về tài chính để làm cho các cư dân mạng chia sẻ càng nhiều càng tốt. Đó là vì khi Facebook thu thập được càng nhiều thông tin cá nhân thì giá trị của nó trong mắt các nhà quảng cáo – những người có thể sử dụng nguồn thông tin này để thiết kế các quảng cáo mục tiêu – càng lớn.

Hai tuần trước, thượng nghị sĩ Charles E. Schumer của đảng Dân chủ New York kiến nghị Ủy ban Thương mại Liên bang xem xét lại các chính sách bảo mật của mạng xã hội nhằm đảm bảo rằng người dùng không bị đánh lừa trên những trang này mà để lộ thông tin quan trọng của mình.

Hành động này được phản ánh ngay trong một thay đổi gần đây của Facebook. Công ty đã phải đặt lại tùy chọn ngầm định chia sẻ thông tin với các trang web của bên thứ 3 của hơn 400 triệu người dùng trên trang này là “không tham gia” thay vì “tham gia” như trước.

Ông Schrage nói: “Chúng tôi đang cố gắng rất nhiều để khiến mọi người hiểu được những thay đổi này.”

Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, giới trẻ cũng đang tự bảo nhau về các qui tắc bảo mật.

Liu không chỉ áp dụng chính sách bảo mật cho riêng mình mà còn cho cả em gái của cô. Khi trông thấy bức ảnh một cậu trai đang ngồi trong lòng em gái mình được up lên mạng, Liu đã gửi tin nhắn bảo cô em 17 tuổi gỡ ngay bức ảnh xuống.

Tại sao ư? Em gái cô muốn được thử vai trong chương trình “Glee” và Liu không mong các nhà sản xuất chương trình này thấy bức ảnh. Hơn nữa, nếu như có ngày em gái cô trở thành người nổi tiếng? “Người ta chắc chắn sẽ chộp lấy bức ảnh này và gửi cho TMZ,” Liu nói.

Andrew Klemperer, 20 tuổi, sinh viên tại Đại học Georgetown, kể rằng cậu đã được một người bạn cùng lớp nhắc nhở về những điều người ta có thể suy diễn từ tuyên bố gần đây của cậu trên Facebook – thông qua cập nhật trạng thái. Bây giờ, Andrew cẩn thận hơn với các cài đặt bảo mật của mình và cũng nghĩ đến việc nhắc nhở người khác khi cần.

Helen Nissenbaum, giáo sư về văn hóa và truyền thông tại Đại học New York và là tác giả của cuốn sách “Bảo mật trong bối cảnh” (Privacy in context) viết về việc chia sẻ thông tin trong kỷ nguyên số, nói rằng giới trẻ có xu hướng bảo vệ thông tin cá nhân của mình nhiều hơn khi họ bắt đầu bước vào lứa tuổi trưởng thành và chính tần số thay đổi các qui tắc bảo mật liên tục của các công ty đã dạy họ phải cảnh giác. (Học cách im lặng – Ảnh minh họa nguồn: Time.com)

Đó cũng là kinh nghiệm mà Kanupriya Tewari, 19 tuổi, sinh viên dự bị tại trường Đại học Tufts vừa trải qua. Gần đây, cô tìm cách hạn chế những thông tin mà bạn bè của mình có thể thấy trên trang Facebook nhưng cảm thấy qui trình này khá phức tạp.

“Tôi dành gần một tiếng cố gắng tìm ra cách để hạn chế hồ sơ của mình, nhưng thất bại,” Kanupriya kể lại. Cô phải bỏ dở vì có bài tập hóa học phải làm, nhưng tự nhủ sẽ tìm ra sau.

“Tôi không nghĩ rằng họ sẽ lo lắng cho tôi. Tôi phải tự lo cho mình,” Kanupriya nói.

Theo: Giới trẻ bắt đầu học cách im lặng. (NYT / Vân Anh – Tuanvietnam

Bài liên quan

10 thói xấu tự nhiên khó từ bỏ của con người.

(Hiếu học). Con người có nhiều hành động tiêu cực, không những ảnh hưởng xấu đến người khác mà còn gây hại cho bản thân. Vất rác, khạc nhổ, nói tục… là những tật xấu ta sẽ dễ dàng từ bỏ hoặc phải “chừa bỏ” do nhờ sống trong môi trường “tiến bộ” chung quanh. Nhưng, có 10 thói xấu “tự nhiên” rất khó từ bỏ của con người (cho dù đang sống trong xã hội nào) được các nhà khoa học phương Tây xếp theo thứ tự ngược như sau:

Hãy save những vết thương vào file kỷ niệm.

Rồi một ý tưởng nảy ra, tôi tạo cho mình một File mang tên: “File Kỷ Niệm”. Tất cả những gì cố quên mà vẫn nhớ, tôi đem ra sắp xếp lại, “nén” chúng, rồi “cut”, rồi “paste” tất cả vào file “kỷ niệm” này. Nó được giấu vào chỗ khuất, vẫn còn đó, nhưng tôi không còn phải thường xuyên nhìn thấy nữa…

Tình bạn chân thành?

(Hiếu học). Con người tự do lựa chọn bạn bè cho mình với nhiều lý do khác nhau. Trong đó, sự quan tâm chân thành là điều kiện cần nhưng chưa đủ để gây dựng nên những tình bạn tốt đẹp…  

Cảm giác cô đơn.

(Hiếu học). Các bạn đã trải qua cảm giác cô đơn bao giờ chưa? Hoang mang, không biết sống để làm gì. Sự cô đơn làm đông cứng tâm hồn, cảm thấy không được yêu thương, không được tôn trọng, không được giúp đỡ mà chẳng biết nhờ cậy vào đâu? Đó chính là cảm giác cô đơn!  

Cùng chuyên mục