Cái khó ló cái khôn! Không có nhiều tiền nên chỉ có thể tìm kiếm những cơ hội kinh doanh nhỏ mà doanh nghiệp lớn thì không hứng thú với nó, còn người ít tiền lại ngại khó, sợ thất bại…
26 tuổi, Vương Huy sở hữu một khuôn mặt rất thư sinh và điển trai. Người thanh niên này đã từng lập nghiệp tại Mỹ và kiếm được hơn 3 triệu đô la. Trở về Trung Quốc, anh thành lập công ty nước ép lựu tại Tây An và trở thành một trong số ít lưu học sinh lập nghiệp trong lĩnh vực sản xuất chế biến các sản phẩm nông sản.
Mẹ “ép” tôi kiếm tiền
Năm 2002, Vương Huy theo học đại học tại Southeastern University – Washington, Mỹ. Nửa năm sau, anh nhận thấy môi trường sống ở Washington: “Đường phố vắng vẻ, thỉnh thoảng mới có vài chiếc xe chạy qua, ngồi cả ngày bên cửa sổ mà chẳng thấy có lấy một người đi đường”, Vương Huy kể lại. Anh không quen như vậy, vì nó khác hẳn cuộc sống ở Trung Quốc của anh hồi nhỏ. Vì vậy, Vương Huy quyết định chuyển đến học chuyên ngành quản trị doanh nghiệp tại đại học Monroe – New York.
Thời gian này, mẹ Vương Huy sang New York thăm con trai. Khi ấy, Vương Huy cho rằng mình đã trưởng thành, đã là một sinh viên, anh muốn có 1 chiếc xe ô tô. Sau nhiều lần bàn bạc, gia đình cho anh 7500 đô la để mua một chiếc xe bãi. Cảm giác lúc mới lái xe rất tuyệt vời, anh thấy mình giống hệt các thanh niên Mỹ, có thể phóng xe vun vút trên đại lộ chở bạn gái đi hóng mát.
Nhưng niềm vui ấy kéo dài không bao lâu, chiếc xe gặp sự cố và Vương Huy phải mất 2000 đô la để sửa chữa nó. Thêm vào đó là chi phí xăng xe, phí cầu đường. Rất nhanh, anh rơi vào cảnh túng bấn, phải ngửa tay xin tiền bố mẹ.
Nhưng lần này mẹ anh đã từ chối và còn nói chuyện nghiêm túc với anh. Mẹ anh nói: “Con học thương mại, nên biết đầu tư là phải thu hồi được vốn và sinh lời. Mua xe cho con, con bắt đầu tiêu xài, đầu tư như thế là thất bại. Chiếc xe này có đem lại ích lợi gì cho con không? Hơn nữa, con đã 18 tuổi, bố mẹ không còn nghĩa vụ phải mua cho con những thứ không nằm trong phạm vi vật dụng thiết yếu cho cuộc sống nữa. ”
Anh đã suy nghĩ rất nhiều những lời mẹ nói. Anh cũng cảm thấy mình đã lớn, mỗi lần phải xin mẹ vài chục đô để đổ xăng thật xấu hổ. Anh quyết định kinh doanh kiếm tiền để nâng cao “địa vị kinh tế” của mình trong gia đình.
Kiếm được 3 triệu đô la nhờ kinh doanh nhỏ
Việc làm đầu tiên là anh bán chiếc xe bãi với giá 6200 đô la và bắt đầu tìm kiếm cơ hội làm ăn. Không lâu sau, một trang việc làm trên báo tiếng Hoa đã gợi mở cho anh linh cảm: có một số lượng rất đông sinh viên vừa tốt nghiệp và những người vừa đến New York cần tìm việc làm. Chắc chắn họ rất cần trang bị những kiến thức về vi tính và cần một chiếc laptop để hoàn thành công việc. Vậy mình sẽ bán máy tính.
Vương Huy lựa chọn “Nhật báo thế giới” – một tờ báo tiếng Hoa ở New York để hợp tác, hàng ngày trên trang việc làm của báo sẽ đăng quảng cáo rao bán laptop của anh.
Vương Huy liên hệ với một vài nhà sản xuất máy vi tính lớn như HP, mua lại những chiếc máy vi tính cũ tồn kho của họ với giá rẻ, sau đó bán lại cho khách hàng có nhu cầu với giá khoảng 400-600 đô la một chiếc. Nhờ mối làm ăn này, anh kiếm được khoảng 1500 đô la mỗi tháng.
Đầu năm 2005, Vương Huy lại phát hiện ra một cơ hội làm ăn mới. Khi đó, ở Mỹ, người tiêu dùng thường được tặng di động miễn phí khi họ đăng kí thuê bao và đóng một khoản phí dự trữ nhất định. Các nhà mạng thường cấp điện thoại di động cho khách hàng sau khi họ kí vào bản hợp đồng sử dụng dịch vụ trong thời gian 2 năm. Nhưng rất nhiều người trong quá trình sử dụng đã làm mất hoặc hỏng điện thoại, mà hợp đồng cước phí vẫn chưa đáo hạn. Nếu mua di động mới sẽ rất đắt, ít nhất phải mất 2-3 trăm đô la. Điều này khiến không ít người dân Mỹ đau đầu.
Khó khăn ấy của họ đã trở thành cơ hội của Vương Huy. Đầu tiên, anh liên hệ với các nhà máy sản xuất di động và được biết nhiều nhà máy có lượng di động cũ tồn kho rất lớn.
Anh thu mua lại với giá rẻ, sau đó tự lập một trang web có tên ” website điện thoại cũ” với slogan “trung tâm đổi di động”. Mỗi chiếc điện thoại cũ anh bán với giá chỉ 40-80 đô la. Sau khi Website được thành lập, anh kiếm được 5- 6 trăm đô la lợi nhuận hàng tháng, nhưng chỉ nửa năm sau, khi website được nhiều người biết đến, Vương Huy đã nhanh chóng kiếm được 20 ngàn đô một tháng.
Tính đến tháng 8 năm 2007, thông qua việc bán di động cũ, tổng cộng Vương Huy kiếm được 450 ngàn đô la. Vương Huy nói: “Tôi không có nhiều tiền, nên chỉ có thể tìm kiếm những cơ hội kinh doanh nhỏ mà “doanh nghiệp lớn thì không hứng thú, người làm thuê lại ngại đầu tư”. Những mối làm ăn nhỏ mà người ta không thèm để mắt đến thường lại chứa đựng cơ hội rất tốt.”
Ép lựu chảy… ra tiền
Tháng 6 năm 2007, Vương Huy tốt nghiệp đại học. Mẹ anh từ An Huy bay qua New York thăm con trai. Hôm ấy, mẹ mua cho anh nước lựu ép nhãn hiệu POM của một công ty đồ uống địa phương trong siêu thị. Khi ấy nước lựu ép là thứ nước uống mới lạ ở Mỹ, bán rất chạy, giá mỗi chai 4,69 đô la, đắt gấp 4, 5 lần các loại nước ép trái cây khác. Vì sao lại đắt như vậy? Sau khi điều tra, Vương Huy phát hiện thấy, ở Mỹ, nơi mà quá nửa dân số bị béo phì, rất nhiều người khổ sở với chứng bệnh tim mạch. Trong khi đó, theo hàng loạt nghiên cứu của Mỹ, nước ép từ quả lựu rất tốt cho tim mạch, giúp giảm lượng mỡ trong máu, làm mềm hóa huyết quản, vì vậy loại đồ uống này được mệnh danh là “đồ uống bảo vệ trái tim”.
Sau khi uống nước ép thạch lựu POM, mẹ Vương Huy nói: “Nước lựu ép tốt vậy sao con không làm? Lựu quê mình ngon mà rất sẵn.” Câu nói của mẹ đã gợi mở cho Vương Huy một hướng đi mới, anh nhanh chóng làm thủ tục về nước.
Tháng 7 năm 2009, “Nước lựu ép tuyệt diệu” của Vương Huy đã có mặt trên thị trường. Dần dần nó đã được các chuyên gia về sức khỏe công nhận. Giáo sư Vạn Thừa Khuê của trường Đại học quân y số 4 – Trung Quốc là chuyên gia giảng dạy về sức khỏe và dinh dưỡng nổi tiếng cả nước, cũng là “fan hâm mộ” của “Nước lựu ép tuyệt diệu”. Ông đã mua 40 thùng đồ uống này cho mình và cho người thân, và làm quà tặng bạn bè. Sản phẩm đã được giải thưởng Hậu Tắc của hiệp hội khoa học kỹ thuật nông nghiệp Dương Lăng – Trung Quốc (Hậu Tắc là vị thủy tổ của nền văn minh canh nông Trung Hoa).
“Kinh doanh nước ép từ quả lựu không phải do cảm hứng nhất thời, tôi đã nhìn thấy thị trường rất tiềm năng của sản phẩm này” – Vương Huy nói. “Ngày nay, mọi người đã bắt đầu quan tâm đến sức khỏe của bản thân, sống lành mạnh kết hợp với lựa chọn phương thức ẩm thực đúng đắn là cách tốt nhất để giữ gìn sức khỏe. Ưu điểm và công hiệu của nước ép từ quả lựu vẫn chưa nhận được sự quan tâm rộng rãi của người tiêu dùng trong nước. Vì vậy sản phẩm này của chúng tôi còn phải tiếp tục tiến bước trên con đường dài. Mục tiêu của tôi là xây dựng nên một doanh nghiệp sản xuất ‘đồ uống bảo vệ trái tim’ chuyên nghiệp nhất ở Trung Quốc”.
Theo: Ép lựu “chảy ra tiền” (Chinanews/Tamnhin)