Cách đây một năm, anh là người trẻ thứ nhì cả nước được phong hàm phó giáo sư. Một dấu ấn đáng nhớ với chàng trai 32 tuổi, nhưng điều đáng nhớ và đáng nói hơn như anh tự nhận chính là được làm điều mình thích…
Anh là PGS.TS Phan Thanh Sơn Nam – người vừa nhận giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” 2010 của Thành đoàn TP.HCM.
Người thích “cắm đầu cắm cổ”
Dù sinh ra và lớn lên ở Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu) nhưng gia đình anh quê gốc ở Gio Linh (Quảng Trị). Cũng như bao người miền Trung chịu thương chịu khó mà Sơn Nam tự nhận quãng thời gian đi học lúc nào anh cũng “cắm đầu cắm cổ” học. Nhờ “cắm đầu cắm cổ” suốt thời sinh viên mà ra trường anh được giữ lại làm giảng viên ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM). “Nếu không làm thầy chắc tôi cũng khó làm tốt công việc nào khác” – anh bộc bạch.
Đề án 322 của Bộ Giáo dục – đào tạo tuyển sinh du học khóa đầu tiên, anh là một trong 27 ứng viên cả nước nhận học bổng toàn phần. Do kết quả tốt nghiệp đại học loại giỏi, anh được tuyển thẳng làm nghiên cứu sinh tại một trường đại học của Anh. Tiếp tục những tháng ngày “cắm đầu cắm cổ” mà phần lớn thời gian của một ngày đều diễn ra trong phòng nghiên cứu với hàng đống thí nghiệm và hóa chất.
Suốt ba năm du học, khái niệm thời gian rảnh với anh khá xa xỉ, nói gì chuyện về thăm nhà. “Ba tháng đầu qua Anh, lãnh đạo trường phải ký ứng tiền trước cho đi học chứ lúc đó học bổng đã có đâu. Mà học bổng kèm sinh hoạt phí chỉ cho đúng ba năm, nếu không làm xong lấy tiền đâu học tiếp nên phải cắm đầu làm thôi”, anh nhớ lại. Vậy mà về nước chưa bao lâu, Sơn Nam lại “cắm đầu cắm cổ” qua Mỹ hai năm theo học bổng nghiên cứu sau tiến sĩ, trước khi về nước hẳn nhận nhiệm vụ chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hữu cơ, khoa kỹ thuật hóa học Trường ĐH Bách khoa TP.HCM hiện nay.
Cầu nối
Anh hồ hởi nói về chương trình MANAR – dự án đào tạo tiến sĩ liên kết giữa ĐH Quốc gia TP.HCM với UCLA (University of California, Los Angeles, Mỹ) được ký kết tháng 4-2009 và vừa tuyển sinh khóa đầu tiên. Dự án bắt đầu từ lời giới thiệu của ông Đào Trung Giang – một Việt kiều đang làm việc cho Tập đoàn Intel ở Mỹ – với giáo sư Yaghi – một trong những nhà khoa học hàng đầu thế giới về hóa học, hiện làm việc tại UCLA. Ngay khi ký kết, PGS.TS Sơn Nam được giao chịu trách nhiệm nhóm điều phối chương trình và trực tiếp hướng dẫn tại ĐH Bách khoa.
Để đáp ứng với đòi hỏi cao về chất lượng nghiên cứu của UCLA (UCLA xếp thứ 11 trong số các đại học danh tiếng của Mỹ), ĐH Quốc gia TP.HCM đã đầu tư phòng thí nghiệm MANAR (chuyên về hóa học, công nghệ vật liệu, vật lý…) có tổng kinh phí gần 36 tỉ đồng tại ĐH Bách khoa theo tiêu chuẩn Mỹ, châu Âu. Anh được giao vai trò trưởng phòng. Bảy ứng viên đầu tiên đều là cử nhân tốt nghiệp loại giỏi đã bắt đầu những nghiên cứu đầu tiên ở đây.
“Tôi nghĩ đây là cơ hội rất tốt cho các tân cử nhân. Hai năm đầu nghiên cứu tại Việt Nam, ba năm sau nghiên cứu tại UCLA với học bổng toàn phần và có thể bảo vệ luận án tiến sĩ tại Mỹ hoặc Việt Nam” – anh nói.
“Có những quy định về cơ chế tài chính hay yêu cầu dự đoán kết quả trước khi bắt tay nghiên cứu đang cản trở con đường làm khoa học mà có lẽ nên sớm được thay đổi. Bởi làm khoa học như bước trên con đường mạo hiểm, không biết phía trước thế nào, nếu biết trước kết quả thì không cần và chẳng còn gì phải nghiên cứu nữa!” (PGS.TS PHAN THANH SƠN NAM)
Phía trước vẫn là con đường khá dài với vị phó giáo sư trẻ tuổi. MANAR đã mở ra cho anh con đường mới về niềm đam mê nghiên cứu. Ba bài báo khoa học của anh đã hình thành từ những nghiên cứu tại phòng thí nghiệm này. Một bài được đăng trên tạp chí chuyên ngành theo tiêu chuẩn ISI (một tiêu chuẩn được cộng đồng khoa học quốc tế thừa nhận), một bài chờ đăng và một bài khác đang được phản biện.
“Tôi mong được đón nhiều người giỏi tham gia chương trình. Quan trọng nhất là con người chứ máy móc hiện đại mấy cũng không thể thay con người nghiên cứu. Hi vọng không lâu nữa sẽ có nhiều bài báo khoa học xuất phát từ những người từng làm việc ở đây, để quốc tế biết đến MANAR như một địa chỉ uy tín về nghiên cứu” – anh bày tỏ.
Theo: Được làm điều mình thích/(TTO)