(hieuhoc_hieuhoc.com). “Hệ thống giáo dục của Việt Nam chưa hoàn hảo, vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Nhưng những thông tin sai lệch sẽ nảy sinh những ngộ nhận trong giới trẻ rằng: Của Việt Nam cái gì cũng không tốt, của phương Tây cái gì cũng tốt đẹp, và chỉ có ra nước ngoài thì mới là tốt. Và họ sẽ nhìn nhận về nền giáo dục đại học Việt Nam như một cái gì đó thấp kém, tồi tệ! Họ mang theo sự mặc cảm, thấy xấu hổ về bản thân vì là công dân của một nước mà mọi cái đều thấp kém!”
Tôi muốn nêu ra những thông tin sai lệch.
* Thưa GS N.Koblitz, dù là cha đẻ của giải thưởng Kovalevskaia nhưng người dân Việt Nam mới thực sự biết nhiều đến GS sau bài viết phản biện báo cáo của Học viện Ash thuộc trường John F. Kennedy, ĐH Harvard (còn gọi là báo cáo Valelly).
Báo cáo Valelly nêu lên một thực trạng “khó phóng đại hơn nữa sự nghiêm trọng của những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong giáo dục đại học”. Còn GS thì phê phán quan điểm này.
Phải chăng GS có cái nhìn độ lượng, và cái nhìn này bị chi phối bởi một người có sự gắn bó thân thiết với Việt Nam?
– Quả là tôi có sự gắn bó thân thiết lâu năm với các nhà khoa học Việt Nam, trong tôi có nhiều tình cảm tốt đẹp dành cho đất nước và con người Việt Nam. Tuy nhiên tôi chưa bao giờ cho rằng hệ thống giáo dục của Việt Nam là hoàn hảo. Nó vẫn có nhiều khiếm khuyết.
Tôi không đồng ý với nhiều điểm trong báo cáo của Học viện Ash không phải do tôi độ lượng mà tôi thấy cần phải nhìn nhận đúng sự việc. Sự việc sẽ được nhiều người nhìn nhận sai khi họ được tiếp nhận những thông tin sai lệch.
Trong báo cáo của Học viện Ash chẳng hạn, có một số thông tin không chính xác. Chẳng hạn như việc cho rằng giáo dục Việt Nam không có những thay đổi theo chiều hướng tích cực trong suốt mấy chục năm qua là sai.
Hoặc họ đưa ra một thống kê cho thấy năm 2007, chỉ có 44 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế có cơ chế thẩm định chéo (peer-review), đó là một con số quá ít so với thực tế v.v…
Nhưng những thông tin đó lại được nhiều báo mạng của Việt Nam đưa lên. Điều này sẽ là một tai hại khi người đọc báo cáo đó là các bạn trẻ. Giới trẻ họ không nhiều thông tin, họ chỉ đọc báo thôi và họ sẽ nhìn nhận về nền giáo dục đại học Việt Nam như một cái gì đó thấp kém, tồi tệ.
Từ đó sẽ nảy sinh những ngộ nhận trong giới trẻ rằng của Việt Nam cái gì cũng không tốt, của phương Tây cái gì cũng tốt đẹp, và chỉ có ra nước ngoài thì mới là tốt.
Tôi cho rằng chiều hướng suy nghĩ đó rất không có lợi cho các bạn trẻ Việt Nam khi mà đi ra ngoài, họ mang theo sự mặc cảm, thấy xấu hổ về bản thân vì là công dân của một nước mà mọi cái đều thấp kém.
Tôi cũng không cho rằng các tác giả của báo cáo đó có cái nhìn khắt khe với giáo dục đại học Việt Nam mà chẳng qua là họ thu thập thông tin sai.
Chính vì thế tôi thấy mình phải có trách nhiệm nêu ra những thông tin sai lệch ấy để giới trẻ Việt Nam có sự nhìn nhận đúng đắn hơn, xác thực hơn về thực trạng giáo dục nước mình.
Ấn tượng tốt
* Là một nhà khoa học đã từng đến nhiều nước trên thế giới, GS nhận xét thế nào về trình độ của sinh viên Việt Nam so với những nước có cùng mức độ phát triển kinh tế xã hội?
– Giáo dục Việt Nam tuy nghèo về vật chất nhưng giàu về con người và giàu về văn hoá. Nhờ đó mà các bạn làm cho giáo dục của đất nước mình thành công hơn một số nước khác
Tôi cùng vợ tôi đã đến nhiều nước, trong đó có Cu Ba, Zimbabwe, Mexico, Peru, Ecuador… Ở các nơi đó chúng tôi đều làm việc với các trường ĐH. Những trường mà chúng tôi chọn đến đều là trường tốt của các nước ấy, những sinh viên chúng tôi gặp cũng là những người trẻ xuất sắc của họ.
Đồng thời, chúng tôi đã đến Việt Nam nhiều lần nhưng chỉ đến những trường bình thường, gặp gỡ với sinh viên một cách ngẫu nhiên (không phải là những người xuất sắc được lựa chọn). Nhưng những người để lại cho chúng tôi ấn tượng mạnh nhất lại là sinh viên Việt Nam. Họ rất có năng lực và rất thông minh.
* Theo GS, sinh viên Việt Nam tạo được ấn tượng tốt đó là vì sao?
Mặc dù các trường đại học ở Việt Nam không có cơ sở vật chất tốt, giảng viên không được trả lương cao. Nơi đây con người ham học hỏi, có truyền thống tôn sư trọng đạo. Các phụ huynh ở Việt Nam đánh giá rất cao tầm quan trọng của việc học hành, rất chịu khó đầu tư cho con em mình đi học.
Từ đó tôi nhận thấy trong giáo dục, yếu tố vật chất không đóng vai trò quyết định mà là yếu tố con người và văn hoá. Giáo dục Việt Nam tuy nghèo về vật chất nhưng giàu về con người và giàu về văn hoá. Nhờ đó mà các bạn làm cho giáo dục của đất nước mình thành công hơn một số nước khác.
Nhưng cũng không phải vì thế mà các bạn có thể chủ quan. Ở Los Angeles, nơi có nhiều học sinh nhập cư của Mỹ, có rất đông học sinh Việt Nam.
Người ta đã từng làm một cuộc nghiên cứu và kết quả thế này: những học sinh Việt Nam mới sang thì có điểm số rất cao, càng về sau càng tụt dần và thua người bản xứ.
Có một lý do được đưa ra là khi mới sang, các em vẫn giữ nguyên nếp sống truyền thống của người Việt, đó là chăm chỉ học hành. Nhưng về sau, khi tiếng Anh ngày một khá hơn, các em hoà nhập với xã hội Mỹ tốt hơn, truyền thống hiếu học trong con người các em bị mờ dần.
Học sinh cần được tiếp xúc sớm hơn với khoa học
* Còn điều mà GS thấy đáng tiếc cho sinh viên Việt Nam?
– Là một người đam mê toán học, tôi cảm thấy đáng tiếc cho việc dạy môn toán ở đất nước các bạn. Một số lớn học sinh Việt Nam rất giỏi môn Toán, nhưng một sai lầm là trong hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay là không giúp được cho các em xác định được học toán để làm gì!
Các em học toán chỉ để đỗ đại học, đỗ đại học rồi thì các em chẳng biết toán còn có tích sự gì! Vấn đề là phải làm sao để khi học toán, các em không chỉ học kiến thức kỹ năng làm toán mà còn phải hiểu giá trị, vẻ đẹp, khả năng ứng dụng thực tế cuộc sống của toán.
Nhìn rộng hơn, tôi nhận thấy hiện nay có nhiều viện khoa học của Việt Nam có cơ sở vật chất rất tốt, là nơi rất tốt để đào tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ). Tuy nhiên, các viện đó mới chỉ dừng lại ở việc tạo điều kiện nghiên cứu khoa học cho những người học cao như thạc sĩ, tiến sĩ nhưng lại xa lạ với sinh viên đại học, học sinh THPT.
Theo tôi, các viện nghiên cứu ở Việt Nam nên mở rộng đối tượng được tiếp cận khoa học. Khi một người theo học thạc sĩ, tiến sĩ nghĩa là họ đã biết rõ mình theo đuổi con đường nào, muốn nghiên cứu cái gì. Còn học sinh THPT, sinh viên đại học thì đang ở độ tuổi suy nghĩ về tương lai của mình, họ chưa có quyết định mình sẽ đi theo con đường nào.
Nếu được tiếp xúc với các viện khoa học vào thời điểm này, học sinh – sinh viên sẽ có cái nhìn đúng đắn hơn, tích cực hơn về công tác nghiên cứu khoa học. Và điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển chung của giáo dục đại học Việt Nam.
* Theo GS thì yếu tố nào nếu thay đổi sẽ làm tốt hơn hiệu quả giáo dục?
Có rất nhiều yếu tố tác động tới chất lượng giáo dục, nhưng theo tôi điều quan trọng nhất là giáo viên phải được tôn trọng. Nhiều nơi giáo viên vẫn ở lại trường dù lương thấp bởi người ta thấy mình được tôn trọng. Ngược lại, nhiều nơi tuy trả lương cao nhưng giáo viên vẫn ra đi vì không được tôn trọng.
Khi giáo viên thấy mình được tôn trọng, họ sẽ nỗ lực và sự nỗ lực của họ làm cho giáo dục tốt hơn. Bạn phải tôn trọng giáo viên đã rồi hãy tính đến việc cải thiện các điều kiện khác, chẳng hạn như tăng cường đầu tư cơ sở vật chất.
Cảm ơn giáo sư!
Theo: Giáo sư Neal Koblitz: Đừng tưởng mình hoàn toàn yếu kém mà mặc cảm.
(Quý Hiên/TPO).