Mấy hôm nay, báo chí đăng nhiều thông tin về kỳ thi đại học với những tấm gương vượt khó mà bất kỳ ai đọc cũng xúc động. Nhưng bên cạnh đó, mơ ước giảng đường đối với không ít gia đình là cái danh, để nở mày nở mặt với hàng xóm, họ hàng.
Nhưng với số đông người nghèo, người bị khiếm khuyết một phần thân thể thì đó thật sự là một giấc mơ để đổi đời, không chỉ cho họ mà cho cả gia đình. Nhiều người đã không thể kìm được nước mắt khi nhìn bước chân gập ghềnh của thí sinh Trương Đảnh, dự thi vào Đại học Khoa học Huế. Dù bị liệt nửa người từ lúc mới sinh, song ước mơ dù rất đơn giản là “có một chỗ làm ổn định” cũng đủ sức mạnh để Đảnh ngày đêm rèn luyện đèn sách, tới trường thi trong tâm thế không thua kém những người bình thường.
Bất hạnh hơn cả Đảnh, Nguyễn Lê Hoàng Trung (Đồng Phú, Bình Phước) còn không thể đến trường thi bằng chính đôi chân của mình mà phải nhờ ông ngoại 70 tuổi đẩy giúp mình trên chiếc xe lăn. Trung, với sự tiếp sức của người ông, đã quyết tâm chiến thắng số phận nghiệt ngã của mình khi cha đi tù, còn mẹ mất đi vì chính bàn tay người cha. Gương mặt sáng quắc, rạng người niềm lạc quan của Trung là niềm hy vọng của người ông và của chính chúng ta…
Hành trang đến trường thi của rất nhiều thí sinh tuy nhẹ tênh tiền bạc, tư trang nhưng lại nặng trĩu nỗi lo và sự kỳ vọng của chính bản thân và gia đình. Không thể tưởng tượng nỗi, có bạn đi đến trường thi chỉ với 200.000 đồng, hay thậm chí chỉ có 46.000 đồng trong túi. Để dày dặn một ước mơ giảng đường, có bạn và cả gia đình đã phải lao động cật lực, tích cóp từng ngàn suốt một năm dài. Bên cạnh các bạn ấy là sự hy sinh đáng trân trọng của những ông bà, cha mẹ, anh chị, thậm chí những đứa em… Những lời “cam kết” như: Con mà thi đậu, ông (hay ba, má) sẽ lên TP HCM làm thêm nuôi con ăn học làm cho chúng ta phấn khích vì một xã hội học tập mà chúng ta đang cố công xây dựng đã có những nền tảng chắc chắn.
Tuy vậy, có lẽ xã hội, nhất là công tác hướng nghiệp, cũng cần có cách để người dân đừng quá kỳ vọng vào tấm bằng đại học. Bởi chắc chắn nó không phải là lối duy nhất để thanh niên có thể vào đời. Chúng ta còn rất nhiều con đường khác, và thênh thang không kém. Vì thế, bên cạnh việc ngợi ca những tấm gương vượt khó, chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào thực tế, không ít bạn trẻ không đủ khả năng (cả về tài chính lẫn kiến thức) để đến giảng đường.
Vì thế, không ít người đã phải “gãy gánh giữa đàng”. Công lao, tiền của gia đình đành đổ sông đổ biển. Và khi đã có tấm bằng đại học trong tay, không phải ai cũng tìm được chỗ làm đúng ngành nghề và trình độ đã học. Có người, sau nhiều năm đèn sách vất vả, lại chấp nhận làm người phát tờ rơi, bỏ báo, bỏ sách… những việc mà không cần ngồi một ngày trên giảng đường thì bất kỳ ai cũng làm được. Chưa kể, đã lên thành rồi thì về quê sẽ “không biết ăn nói ra sao” nên cứ bám thành phố mà sống, dù cuộc sống vô cùng vất vả, không có lối ra.
Học tập để có thêm kiến thức, có việc làm, có thu nhập cao là một ước mơ chính đáng. Thế nhưng, lúc nào học, học cái gì là điều cần phải suy nghĩ chín chắn. Đừng quá kỳ vọng vào tấm bằng đại học, không nên bằng mọi giá trở thành sinh viên, vì có thể cái giá phải trả sẽ vô cùng đắt.
Theo:Gập ghềnh đường tới trường thi(Lê Huy/DatViet)
“Kỳ vọng vào tấm bằng đại học”: Không có giấy báo thi, nữ sinh uống thuốc tự tử
Sáng nay (7/7/2010), bác sĩ Nguyễn Bá Hi, Giám đốc Bệnh viên Đa khoa Lâm Đồng cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận một thí sinh uống thuốc trừ cỏ loại Para Quat tự tử, hiện đang trong tình trạng rất nguy kịch. Nạn nhân là Nguyễn Thị H (18 tuổi, học sinh trường THPT Tân Hà, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng). Được biết, Nguyễn Thị H đã nộp hồ sơ dự thi vào trường Đại học Đà Lạt tại trường THPT Tân Hà, nhưng cận kề ngày diễn ra kỳ thi mà H vẫn không nhận được giấy báo. Sau đó H đã lên trường Đại học Đà Lạt nhờ nhà trường kiểm tra lại thì phát hiện không có hồ sơ đăng ký dự thi của em tại đây. Trong lúc quẫn trí, H đã viết một bức thư để lại cho gia đình rồi uống thuốc trừ cỏ Para Quat tự tử.
Làm bài không tốt, thêm một học sinh chuyên Toán tự tử
Sáng 12.7.2010, gia đình phát hiện T.C.S, học sinh lớp 12 chuyên Toán một trường THPT chuyên, trú thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi), đã chết tại rẫy cách nhà khoảng 3km. Được biết, S. đã uống thuốc rầy tự tử.
Sau hai đợt thi đại học vừa qua, đối chiếu với đáp án, thấy bài làm của mình có nhiều điểm không trùng khớp, S. đã bỏ nhà đi vào ngày 11.7. Trước đó, S. có tin nhắn điện thoại gửi đến bạn bè với nội dung nói lời vĩnh biệt. (Tin: TNO – 13/07/2010)
Đừng quá kỳ vọng vào tấm bằng đại học.
Cơ hội vào đời không chỉ là học Đại học. Có thể nếu đi con đường này sẽ thất bại nhưng chọn đường khác lại thành công. Nhiều người thành công hiện nay đã từng khởi nghiệp từ những nghề hết sức bình thường. Có nhiều hướng đi, nhiều ngả rẽ lập nghiệp để lựa chọn, như học nghề, trung cấp chuyên nghiệp. Điều quan trọng là cân nhắc để lựa chọn cho đúng ngành, nghề phù hợp với khả năng và hoàn cảnh của mình. (hieuhoc_hieuhoc.com)