Gần đây, người ta nghe tới từ “khởi nghiệp” nhiều đến mức muốn bội thực, có thể dẫn đến “ngộ độc”! Đó là nhận xét của ông Nguyễn Anh Thi, Giám đốc Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TPHCM (ITP).
Cần hiểu đúng về khởi nghiệp
Theo ông Nguyễn Anh Thi, “khởi nghiệp” nên được hiểu đơn giản là khởi sự một công việc, như một sinh viên ra trường bắt đầu một công việc mới, một doanh nhân kỳ cựu bước sang một lĩnh vực mới. Ông Thi cũng cho rằng không nên đánh đồng “doanh nghiệp khởi nghiệp” với“startup”, bởi doanh nghiệp khởi nghiệp bao gồm cả doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và startup – những doanh nghiệp kỳ vọng vào sự tăng trưởng đột phá nhờ công nghệ. Hiện trong xã hội có dấu hiệu chạy theo “cơn sốt startup” mà bỏ quên việc hỗ trợ, cổ vũ cho DNNVV.
Cũng theo ông Thi, việc đào tạo khởi nghiệp cũng đang bị hiểu méo mó là đào tạo ra các CEO, các ông chủ doanh nghiệp khởi nghiệp. Kêu gọi quốc gia khởi nghiệp mà hiểu là kêu gọi cả nước đứng lên làm ông chủ thì lấy ai làm công? Ông nói: “Không thể hiểu sai các khái niệm đó mãi được. Chúng tôi vẫn đang đào tạo khởi nghiệp cho các sinh viên, nhưng là đào tạo để họ có kiến thức, kỹ năng, thái độ hợp tác, đủ để sẵn sàng tham gia vào các doanh nghiệp khởi nghiệp như một người làm công. Đó là tinh thần quốc gia khởi nghiệp chân chính. Còn một người muốn trở thành CEO trong một công ty khởi nghiệp thì phải sở hữu đầy đủ và phát triển đột phá rất nhiều kỹ năng”.
Còn ông Vũ Tuấn Anh, trưởng dự án khởi nghiệp cộng đồng thuộc tập đoàn Hoa Sen, thì ví “quốc gia khởi nghiệp” như một kim tự tháp với tầng đáy là các hoạt động nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong mọi tổ chức, trong từng con người. Tầng tiếp theo là xây dựng thói quen tiêu dùng sản phẩm của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tầng kế tiếp là gia nhập vào lực lượng lao động trong các doanh nghiệp khởi nghiệp, rồi mới đến tầng cao hơn nữa là thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo ông Tuấn Anh, muốn phát triển kim tự tháp “quốc gia khởi nghiệp” lành mạnh thì phải có một “chân đế” rộng.
Ông Tuấn Anh cho biết, nhiều người trẻ đang hiểu sai về khởi nghiệp và ảo tưởng vào viễn cảnh trở thành ông chủ lớn để rồi sau đó mất tiền, mất bạn, mất niềm tin. Ông nói: “Tôi biết khá nhiều trường hợp như vậy. Nhiều bạn trẻ từ chỗ làm công bước ra khởi nghiệp, nhưng thất bại và họ cũng không có con đường quay trở lại làm công, bởi lúc này cái tôi của họ quá lớn. Mặt khác, các công ty cũng không muốn thuê những người luôn có tâm thế “nhấp nhổm” rời khỏi công ty. Vậy nên, cần có các chương trình giáo dục về khởi nghiệp đúng đắn cho các bạn trẻ”.
Đừng biến thành “xác sống”
Tình trạng ảo tưởng này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Trang blog có tên “Ảo tưởng startup” mới đây có một bài đáng chú ý: “Tại sao những startup xác sống sẽ trỗi dậy từ bong bóng công nghệ?” (Why zombie start-ups will rise from the tech bubble?), trong đó chỉ ra chỉ có gần 10% startup thành công; 30% thất bại, sớm giải tán. Khoảng 60% còn lại là những zombie startup – người không ra người, ma không ra ma, chỉ tạo ra doanh thu vừa đủ bù chi phí hoạt động. Số tiền này giảm dần, công ty tiếp tục sống ì ạch trong một khoảng thời gian dài và gần như không thể duy trì được sản phẩm. Các startup kiểu này không chịu thừa nhận mình đã chết mà cố níu kéo sự sống để hy vọng có một phép màu nào đó. Họ bòn rút nguồn lực của các startup khác, làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư.
Chưa có thống kê ở Việt Nam cho biết có bao nhiêu startup xác sống, vì hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam còn quá trẻ, quá mới. Nhưng trào lưu startup xác sống đã bắt đầu tràn lan ở châu Á. Bài báo trên tờ The Wall Street Journal vào cuối tháng 5 vừa qua có tựa đề “Startup châu Á gặp khó khi các quỹ đầu tư mạo hiểm ngưng rót vốn” (Asian startups hit by venture-capital slowdown) kể câu chuyện vào tháng 2 năm nay, Yin Sang – CEO 23 tuổi của startup mang tên Yiqi Chang, viết e-mail gửi 600 nhân viên thông báo rằng công ty hết tiền sau khi thất bại trong vòng huy động vốn mới nhất và không thể trả lương cho nhân viên: “Dòng tiền của chúng ta ở con số 0, công ty đang trong tình trạng khủng hoảng”. Trong vòng ba tháng, Yiqi Chang cắt giảm nhân viên từ 600 xuống còn 200.
Cách đây một năm, startup của Yin đóng trụ sở ở Thượng Hải còn được định giá 100 triệu đô la Mỹ. Năm 2014, cá nhân Yin được tạp chí Forbes Trung Quốc đưa vào danh sách 30 doanh nhân dưới 30 tuổi thành công nhất. Yiqi Chang có nghĩa “hát cùng nhau”, là một ứng dụng di động đặt phòng hát karaoke, một dạng thức thương mại điện tử chứ không mang hàm lượng sáng tạo cao lắm. Startup này được định giá cao bởi thị trường Trung Quốc quá lớn. Nhưng để được định giá như vậy, Yiqi Chang đã “đốt” rất nhiều tiền huy động được từ các nhà đầu tư vào tiếp thị sản phẩm để thu hút cộng đồng người dùng.
“Nếu có tiền đầu tư vào startup của mình, tôi sẽ để trong ngân hàng và chờ các đối thủ của mình đốt hết tiền vào tiếp thị, lúc đó còn mình tôi sống sót”, ông Tuấn Anh nói vui.
Tuần này, tạp chí Fast Company có bài báo đưa ra nhận định nền kinh tế chia sẻ (on-demand economy) đã tới giới hạn cuối của nó. Những dạng thức dịch vụ bắt chước Uber kiểu như giặt là (ủi), làm việc nhà, gọi đồ ăn, giao hàng… đang suy thoái mạnh bởi có quá nhiều công ty tham gia. Tại Việt Nam, không ít startup đang đi theo hướng này, họ sẽ kiếm được gì trong thời điểm trào lưu kinh tế chia sẻ trên thế giới đi xuống?
Phát biểu trong một sự kiện khởi nghiệp, ông Nguyễn Hoành Tiến, Phó chủ tịch tập đoàn VNG, cho rằng: “Tính “làn sóng” trong khởi nghiệp và ngành công nghệ rất quan trọng. Làm công nghệ cũng giống như người lướt sóng, cần tính tới thời điểm. Nếu không bắt được con sóng thì không thể đi xa, nếu không đủ lực trụ trong con sóng đó thì sẽ bị nhấn chìm”.
Theo: Chính Phong(TBKTSG)