Hiện nay, có những chương trình, phương pháp mới dạy trẻ 6 – 12 tháng biết đọc chữ, biết nói tiếng Anh, biết làm toán… Đó là một sự ‘cưỡng bức’’, làm cho não của trẻ phát triển lệch lạc.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, nguyên Giám đốc Trung tâm truyền thông – giáo dục sức khỏe TP.HCM, hiện là cố vấn Bộ môn Y đức – Khoa học hành vi Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đã cảnh báo như vậy trong buổi trò chuyện với phụ huynh về chủ đề “Giao tiếp với con trong thời hiện đại” do Hội quán Các bà mẹ và Trung tâm Seameo Retrac tổ chức vào cuối tuần qua.
Mong thiên tài, hóa ra… tâm thần
Theo bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, một trong những cái lỗi cha mẹ thường gặp trong giáo dục con cái hiện nay là muốn con trở thành thiên tài. Ông cho rằng mong muốn này cũng được xem là một nhu cầu của phụ huynh. Tuy nhiên, nếu kỳ vọng quá sẽ hóa sai, bởi khi không đạt được mục đích, phụ huynh sẽ đau khổ và càng gây áp lực lên đứa trẻ.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nói: “Các nhà khoa học đã nghiên cứu kỹ và rất có lý khi chỉ ra rằng trẻ 6 tuổi mới nên cho học lớp 1, cho học piano và học này nọ. Còn bây giờ mình lại muốn con mình 2 tuổi đã thành thiên tài. Những ca đó cũng có thể thành “thiên tài” trong vòng 10 – 12 năm đầu, nhưng rồi về sau thường có vấn đề tâm lý, tâm thần… nên phải hết sức thận trọng”.
Tham dự chương trình, một số phụ huynh cho biết đang ráo riết chuẩn bị cho con vào một trường chuyên rất nổi tiếng tại TP.HCM, nên họ muốn nghe những chia sẻ của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc để giúp con giảm căng thẳng trong học hành.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc thẳng thắn đặt ngược vấn đề: Bố mẹ bây giờ đang bị nhiều stress trong cuộc sống. Con cái mình cũng đang bị stress. Tại sao mình lại bắt con học theo mình, bắt con phải vào trường chuyên? Ông chia sẻ: “Theo tôi, việc học chính là tự học. Thông thường những em thi đỗ thủ khoa đại học là những em ở nông thôn, miền núi không học thêm gì cả thì mới có khả năng tập trung để học những bài ở lớp và đọc sách thêm. Nhờ đó, các em mở mang kiến thức nên khi thi đạt điểm cao. Còn những em học thêm triền miên, rước thầy về nhà dạy nhưng có khi thi rớt bởi không có thời gian tập trung học, không tự học”.
Với những trẻ hay căng thẳng, lo âu vì lúc nào cũng bị cha mẹ thúc đẩy phải học, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc lưu ý: “Có tình trạng như vậy mình phải để ý và thông cảm với con em mình. Về mặt sinh học, nếu trẻ bị ép quá, stress quá thì hoóc môn tăng trưởng không sản sinh được. Trẻ khó ngủ, ngủ không đủ giờ, hoóc môn tăng trưởng cũng không có đủ nên dễ bị thấp”.
Hãy đặt mình vào vị trí của trẻ
Một bà mẹ trẻ “kể tội” đứa con: “Con tôi đang học lớp 8, nó rất hiếu thắng. Nó được 9,5 điểm rồi nhưng lại rất cay cú với đứa bạn được 10 điểm. Tôi nói một đằng, nó làm một nẻo khiến quan hệ mẹ con rất căng thẳng. Nói thật, nhiều khi ngồi nhìn mặt nó là tôi nổi nóng lên”.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc ôn tồn: “Trước hết, mình phải tìm hiểu xem có ai trong nhà mình cũng có tính hiếu thắng vậy không, sau đó mới can thiệp. Cần nhờ đến một trung gian, người mà cháu thương mến như dì, cô giáo… trò chuyện với cháu”. Theo ông, trẻ trong độ tuổi dậy thì muốn thể hiện sự tự lập, trong khi người lớn hay áp đặt nên nảy sinh căng thẳng. Mặt khác, với trẻ đã đạt điểm rất cao mà còn ghen tỵ với bạn thì có thể đó là do lỗi của phụ huynh đã gây áp lực cho trẻ khi từng so sánh, đề cao người này người kia hoặc chạy theo điểm số, thành tích.
Ngoài xu hướng biến con thành thiên tài nói trên, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc còn chỉ ra một số lỗi khác thường gặp trong việc nuôi dạy con. Ông cho rằng nhiều phụ huynh thời nay ít tiếp xúc với con nên giao những thiết bị công nghệ để con chơi điện tử. Chính vì không có thời gian gần gũi nên họ dễ bị gãy đổ trong truyền thông giao tiếp với con. Bên cạnh đó, có những cha mẹ khá giả muốn bù đắp cho con bằng vật chất, nhất là những người luôn nhớ về thời khốn khó của mình. Họ quên đi những nhu cầu cơ bản khác mà bất cứ ai cũng cần có, đó là tình cảm, an toàn, quan hệ xã hội, chuyện sinh hoạt thiết thân hằng ngày…
Để cải thiện tình trạng trên, theo bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, cha mẹ cần chú ý những nguyên tắc khi dạy con: quan tâm, tôn trọng, chân thành, thấu cảm, biết lắng nghe trẻ. Ông nhắn nhủ: “Hãy đặt mình vào vị trí của con để thấy rằng ngày xưa chúng ta cũng từng có lúc hư hỏng, từng có lúc học dở, thất bại. Từ đó, mới có sự thấu cảm và chia sẻ thật sự với con”.
Theo: Như Lịch (Giáo dục/TNO)