Học sinh ngày nay rất ít mê văn chương, ít mê ở đây được hiểu theo nghĩa đen của nó. Hiện nay, số lượng học sinh thích học Văn và dự định sau này theo ngành Văn học ở các trường THPT không nhiều. Đành rằng, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào sự đam mê của mỗi người nhưng dù sao đó cũng là kết quả đáng buồn.
Lặn lội tìm điểm tối đa
Điểm số là một trong những yếu tố hàng đầu đánh giá kết quả học tập. Dù không phải là thước đo chính xác của một tài năng thực sự, nhưng liệu có học sinh nào dám nói mình không cần điểm số cao. Đối với các môn học khác, được điểm 9, điểm 10 không khó nhưng với môn Văn, 7 hoặc 8 điểm đã là giỏi, 9 là “cực siêu” và điểm 10 là đã “trên cả tuyệt vời”.
Tất nhiên văn chương không có sự tuyệt đối. Vì vậy, điểm 10 khó có thể hạ bút, điểm 9 không còn điểm số bình thường. Dẫu biết với văn chương, việc quan trọng hóa điểm số e có gì không phải, nhưng học sinh vẫn chỉ là học sinh, điểm số cao là một niềm an ủi lớn cho những ai học Văn và đi theo văn học. Đừng biến đểm số thành một “vật cản” khó vượt qua trên con đường đi đến văn học của học sinh.
Thứ hai, có lẽ trong việc dạy Văn là sự chênh lệch về trình độ cảm thụ nhận thức của các học sinh trong mỗi lớp. Nếu giảng vừa đủ cho các học sinh khá, giỏi hiểu thì sẽ bắt gặp sự ngơ ngác của học sinh trung bình, yếu hoặc ngược lại. Như vậy sẽ gây cảm giác nhàm chán và mất thời gian cho cả người dạy lẫn người học.
Tìm được tiếng nói chung cho cách dạy giữa các học sinh trong một lớp là điều khó khăn đối với giáo viên. Lại càng không thể vì riêng môn Văn mà chia học sinh theo trình độ khác nhau. Đó cũng là một lý do khiến con đường tiếp nhận Văn học của học sinh gặp khó khăn. Cách tốt nhất là giáo viên cứ truyền đạt dung lượng kiến thức cơ bản cho học sinh, sau đó hướng đến sự gợi mở những kiến thức nâng cao hơn đối với các em học khá, giỏi cho việc tự tìm hiểu tư liệu của những em ham thích hiểu biết và khám phá thêm thế giới văn chương.
Thông thường, một tiết học văn 45 phút thì sẽ rất khó truyền hết “nội lực” văn chương của tiết học theo quy định, do đó việc tự tìm hiểu của học sinh ngoài giờ học là rất quan trọng để bổ sung kiến thức, bồi dưỡng sự cảm thụ văn chương của các em.
Thay đổi phương pháp để mở cánh cửa văn chương
Đối với tất cả học sinh là vậy, còn đối với học sinh khối C (Văn – Sử – Địa) hay khối D (Toán – Văn – Ngoại ngữ) hoặc các khối khác có liên quan đến môn Văn thì việc học Văn trong nhà trường như thế nào? Phải nói rằng học sinh có tâm huyết với Văn chương ngày nay không còn nhiều. Đã qua rồi cái thời học sinh các khối thi có môn Văn tất bật lên thư viện trường, tìm hiểu thêm và “ngấu nghiến” tất cả những cuốn sách có được để mở rộng và nâng cao kiến thức của mình, dù rằng lượng kiến thức đó trong hiện tại chưa cần thiết. Hoặc chép lại những câu thơ, câu văn hay hoặc những bài văn, đoạn văn mẫu… không phải dùng làm “phao” mà làm tư liệu quý riêng cho bản thân mình.
Khi hỏi những học sinh học bồi dưỡng Văn chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi có mục đích gì thì thường nhận được câu trả lời là để có kiến thức thi đại học hoặc có cơ hội tuyển thẳng vào đại học. Phải chăng học Văn để phục vụ cho thi cử, tìm kiếm nghề nghiệp trong tương lai mà khởi đầu là cánh cửa trường đại học, chứ không phải là niềm “đam mê” văn chương. Đó là chưa kể đến thực tế việc dạy thêm – học thêm, trong đó có môn Văn. Các em đến với văn chương lại trở nên là hình thức đối phố với con số điểm để đạt được, chứ chưa hoàn toàn là niềm đam mê với bộ môn này.
Mùa thi đang cận kề và sự lựa chọn vào ngành học nào, trường nào, khối nào… có liên quan đến môn Văn lại đang đặt ra những “thử thách” cho cả người dạy và người học, nhất là các em cuối cấp. Hãy truyền đạt cho các em cái hay, cái đẹp muôn đời của văn chương và là bài học nhân văn của cuộc sống con người, nhất là trong cuộc sống hiện đại như hôm nay và cả mai sau…
(Nguồn GD&ĐT)