Du lịch biển đảo: ngành kinh tế mũi nhọn

(Hiếu học) Phát triển du lịch, đặc biệt trong chiến lược du lịch biển đảo, du lịch Trường Sa cần được coi như một loại hình du lịch đặc thù… đưa hình ảnh đất nước đến với thế giới, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc

Hoa hậu Hương Giang (thứ ba từ phải sang) cùng các thành viên trong đoàn hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ trên đảo Đá Thị thuộc quần đảo Trường Sa – Ảnh: TUẤN THÀNH/TTO.

Tại hội thảo “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030” do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch tổ chức ngày 16/6 tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Văn Tuấn khẳng định Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch.

“Xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch đặc trưng, nhất là sản phẩm du lịch biển đảo là một trong những vấn đề được ưu tiên trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2010-2030, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Mũi Né… đã trở thành những địa chỉ hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế, ngày càng khẳng định thương hiệu của mình. Dự kiến Việt Nam sẽ đón 10,3 triệu lượt khách quốc tế và thu hút 47,5 triệu lượt khách nội địa, mang lại doanh thu 19 tỉ USD vào năm 2020. Đến năm 2030, lượng khách quốc tế đến Việt Nam dự báo là khoảng 18 triệu lượt, khách nội địa là 58 triệu lượt và mang lại doanh thu trên 36 tỷ USD.

Ngành kinh tế mũi nhọn

Bằng sự nỗ lực của bản thân, ngành du lịch đã có một chặng đường phát triển vượt bậc. Trong quá trình thực hiện quy hoạch tổng thể du lịch giai đoạn 1995-2010, lượng khách quốc tế đến Việt Nam không ngừng tăng cao: năm 1995 đón 1.351.000 lượt khách quốc tế, năm 2010 đón 5 triệu. Tốc độ tăng trưởng trung bình về khách quốc tế cả giai đoạn đạt 9,2%. Thu nhập du lịch đạt 6,4 nghìn tỷ đồng vào năm 2010 với tốc độ tăng trưởng 19,8%/năm; tính đến cuối tháng 11/2010, có khoảng 625 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng vốn đăng ký đạt 12, 258 tỷ USD. Đặc biệt, du lịch đã tạo việc làm cho khoảng 450.000 lao động trực tiếp và gần 1 triệu lao động gián tiếp, góp phần tích cực vào xóa đói, giảm nghèo… Riêng trong 5 tháng đầu năm 2011, lượng khách quốc tế đến nước ta đã đạt hơn 2,5 triệu lượt, khách nội địa là 14 triệu lượt, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2010. Đồng thời, phát triển du lịch đã đưa hình ảnh đất nước đến với thế giới, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đặc biệt là các di sản thế giới ở Việt Nam.

Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, tỷ lệ đóng góp GDP du lịch trong tổng GDP cả nước giai đoạn 1995-2010 vẫn còn hạn chế, chưa thực sự tương xứng với mục tiêu chiến lược và quy hoạch tổng thể đặt ra là ngành kinh tế mũi nhọn. Theo các chuyên gia du lịch, Việt Nam còn thiếu các sản phẩm đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc, chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao, giá cả thiếu cạnh tranh, nhiều khu du lịch, điểm du lịch phát triển tự phát, chưa có thương hiệu du lịch quốc gia… Hoạt động phát triển du lịch theo lãnh thổ còn thiếu sự gắn kết giữa các địa phương; vai trò của trung tâm du lịch với sự phát triển du lịch của vùng, tiểu vùng, các địa phương trong lãnh thổ chưa được phát huy đầy đủ.

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ông Phạm Trung Lương cho rằng Việt Nam cần tập trung nguồn lực để xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, mang bản sắc Việt Nam có sức cạnh tranh cao song song với việc xây dựng thương hiệu cho du lịch, coi trọng đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực du lịch như một yếu tố đặc biệt quan trọng để thu hút đầu tư FDI và nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Du lịch biển đảo: Ưu tiên số một

Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn nói trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030, du lịch biển đảo sẽ là ưu tiên số một. Đây là lợi thế mà sản phẩm du lịch Việt Nam có thể cạnh tranh với các sản phẩm du lịch biển trong khu vực và thế giới. Ngành du lịch sẽ xây dựng khu du lịch biển có quy mô, trong đó chú trọng phát triển các dịch vụ du lịch hỗ trợ nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu nghỉ dưỡng và thể thao biển của du khách như các khu dịch vụ giải trí cao cấp, dịch vụ du lịch thể thao và các loại hình du lịch sinh thái.

Mục tiêu là đến năm 2020 sẽ hình thành được năm khu vực du lịch biển có sức cạnh tranh cao trong khu vực gồm: Hạ Long – Cát Bà, Lăng Cô – Sơn Trà – Hội An, Nha Trang – Cam Ranh, Phan Thiết – Mũi Né, đảo Phú Quốc. Các khu du lịch biển giàu tiềm năng như Vân Đồn – Cô Tô, khai thác tour du lịch ra Trường Sa – Hoàng Sa… cũng sẽ được tích cực đầu tư. “Phát triển du lịch biển đảo phải gắn với mục tiêu đảm bảo an ninh quốc phòng, đặt trong mối quan hệ phát triển tổng thể chung kinh tế – xã hội” – ông Tuấn nói.

Bên cạnh đó, khu vực duyên hải Nam Trung Bộ gồm các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng cho tới Bình Thuận sẽ là khu vực có mức tăng trưởng du lịch cao nhất cả nước trong giai đoạn tới. Bởi lẽ khu vực này có tiềm năng về du lịch biển, đảo. Thêm vào đó, các tỉnh, thành phố trong khu vực này rất quan tâm tới phát triển du lịch, coi đây là yếu tố mũi nhọn trong phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương cũng như trong khu vực. Một số địa phương trong khu vực đã tạo được ấn tượng với du khách quốc tế như Nha Trang (Khánh Hòa), Hội An (Quảng Nam), Mũi Né (Bình Thuận), Đà Nẵng…

Đặc biệt, trong chiến lược du lịch biển đảo, du lịch Trường Sa cần được coi như một loại hình du lịch đặc thù, không đơn thuần chỉ là một sản phẩm du lịch mà còn là một cách thức để người Việt Nam thể hiện lòng yêu nước của mình; là một hành trình giáo dục tình yêu đất nước và biển cả.

* Do đặc thù của tour du lịch Trường Sa là hải trình dài, chi phí cao và ở khu vực xa đất liền, du lịch Trường Sa sẽ nhắm đến đối tượng khách là những người có tiềm năng kinh tế, khao khát khám phá Trường Sa. Các tour sẽ được tổ chức với hình thức xã hội hóa và sẽ phải phối hợp chặt chẽ du lịch với quốc phòng, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách.

Tuấn Phong tổng hợp

Bài liên quan

Các chuyên ngành khối kinh tế du lịch

(Hiếu học) Các chuyên ngành thuộc lĩnh vực kinh tế du lịch gồm có: Du lịch học; Văn hóa du lịch; Quản trị du lịch và khách sạn - nhà hàng; Hướng dẫn du lịch; Kinh doanh du lịch; Du lịch lữ hành; Quản lý môi trường và du lịch sinh thái... Các chuyên ngành Du lịch này được trên 30 trường Đại học đào tạo...

Kinh doanh du lịch trực tuyến: quảng cáo online

Việt Nam với hơn 23 triệu người dùng internet là một thị trường đầy tiềm năng cho quảng cáo online (quảng cáo trực tuyến). Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cho rằng, quảng bá trực tuyến là một kênh mà ngành du lịch Việt Nam không thể bỏ qua. 

Cùng chuyên mục