Du học, ngoài việc bạn phải tự xoay xở cho cuộc sống của mình, thì việc thay đổi cách học, theo kịp với phương pháp học ở các nước tiên tiến, luôn là đòi hỏi sống còn đối với du học sinh. Hãy lắng nghe các du học sinh bật mí những kinh nghiệm nhé!
Học tập nhưng không được quên các hoạt động ngoại khóa
Nếu như ở nhà, bạn sẽ “kính nhi viễn chi” các giảng viên, chăm chú ghi những lời vàng ý ngọc của thầy, thì khi sang Italia cũng như các nước châu Âu, vấn đề lớn nhất với SV Việt Nam chính là phải làm quen với phương pháp giáo dục lấy người học làm trung tâm.
Bạn Vũ Đỗ Quyên, du học sinh ở Italia cho biết: “Ở đây, sự tương tác giữa giáo viên và SV diễn ra thường xuyên, bạn có thể đối thoại và tranh luận. Thế nên, bạn không thể chỉ lắng nghe, mà phải chủ động hơn trong việc tiếp nhận kiến thức để có thể trao đổi và tranh luận với giáo viên.
Ngoài ra, SV có thể đặt lịch hẹn giáo viên ngoài giờ học để trao đổi những vấn đề học thuật. Bạn biết không, SV hâu Á càng được tạo điều kiện tiếp cận giáo viên nhiều hơn đấy”.
Để có thể không bị stress với việc thay đổi phương pháp học, bạn Lê Mỹ An, du học sinh ở Anh luôn đặt yêu cầu cho bản thân là phải hoàn thành bài vở trong ngày. Theo Mỹ An, chỉ ham chơi một chút bạn có thể bị dồn ứ bài vở đến ngày hôm sau, việc học bù sẽ rất mệt mỏi. Nếu học ở nhà bạn cảm thấy chán thì hãy đến thư viện, vì không khí ở đó rất thích hợp cho việc học.
Hầu hết các du học sinh đều cho rằng, ngoài việc tận dụng từng giây, từng phút việc học thì bạn cũng nên giữ thái độ đó cho việc tham gia nhiều hoạt động cộng đồng khác. Không chỉ giúp bạn thư giãn, có sức khỏe, tránh stress cho việc học, mà còn có cơ hội giúp bạn xin học bổng sau này, có cơ hội đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều nhà doanh nghiệp thành công và học hỏi được nhiều điều bổ ích.
Kết bạn và kết bạn
Thích nghi và hoà nhập không phải là chuyện dễ, đặc biệt là người Việt với tính cách kín đáo. Không ít bạn tốn nhiều thời gian mới có thể mạnh dạn hơn. Và cách để bạn nhanh chóng hòa nhập chính là kết bạn.
Bạn Hoàng Hoài, du học sinh Thuỵ Điển, cho biết: “Kinh nghiệm của tôi là bạn nên ở trong ký túc xá và dành thời gian để kết bạn với SV ngoại quốc khác và tham gia vào các hoạt động xã hội”.
Bạn Nguyễn Hoàng Anh (Pháp) lại tham gia các hoạt động tập thể của câu lạc bộ cùng sở thích. Bạn ấy đã có rất nhiều chủ đề, sở thích để trao đổi với các thành viên khác. Từ đó, mối quan hệ phát triển sâu sắc hơn.
Lại có bạn thích pha trò về những chủ đề liên quan tới chính trị, văn hóa ứng xử hàng ngày. Không ít bạn đã tìm ra cho mình tiếng nói chung ở các buổi “buôn chuyện” này.
(còn tiếp)
Theo Nghiêm Quỳnh Trang (VTC News)