Du học trở về, tôi là ai?

(Hiếu học). “Trở về phải có một công việc xứng đáng với sự đầu tư đã bỏ ra khi đi học, phải vứt bỏ thói lười biếng làm việc không kế hoạch và học cách đưa một cái phong bì bé bé cho mỗi công việc cần làm được nhanh”, là suy nghĩ của Việt Hải, cựu du học sinh Singapore khi mới trở về Việt Nam cách đây ba năm.

Ước mơ và những ảo tưởng

Việt Hải hiện là giám đốc công ty truyền thông i360. Theo anh, trước ngày hồi hương, nhiều du học sinh mang trong mình những ước mơ và ảo tưởng về công việc và vị trí của mình trong mắt mọi người. Họ kỳ vọng quá nhiều vào việc mình có thể tạo ra những thay đổi trong môi trường làm việc. Thêm vào đó là suy nghĩ: đi du học thì phải hơn những người khác nên yêu cầu về lương, cấp bậc của họ khi phỏng vấn xin việc thường cao hơn những sinh viên mới ra trường trong nước.

Anh Lê Hoàng, cựu du học sinh Australia, hiện là chuyên gia tư vấn thương mại một công ty của Mỹ có văn phòng tại TP HCM, chia sẻ: “Thời gian đầu, tôi và các bạn của mình đều có suy nghĩ đi làm là phải thu hồi nhanh vốn ban đầu mình bỏ ra lúc đi học, vô hình mình tự ép bản thân vào những đòi hỏi phải như thế này, phải như thế kia, lương phải cao, hậu đãi tốt nhưng đó quả thật là bệnh tưởng”.

>Du học sinh Việt ở Australia.

Không phải ai cũng nhận ra ‘bệnh tưởng’ này trong những ngày mới về nước. Việt Hải phải mất rất nhiều thời gian mới nghiệm ra được thực tế rằng cầm hồ sơ xin việc ở các công ty hiện nay, ngoài kiến thức, nhà tuyển dụng nào cũng đòi hỏi kinh nghiệm làm việc và vốn kiến thức văn hóa xã hội Việt Nam của bạn. Xét trên những tiêu chí đó thì du học sinh có thể thua sinh viên trong nước một bậc.

“Đừng nghĩ mình ra ngoài là hơn người, có thể về kiến thức thì hơn nhưng kinh nghiệm sống, mối quan hệ xã hội thì du học sinh hoàn toàn thiếu hụt so với sinh viên trong nước”, Hải nói. “Ai đi làm cũng phải từ con số không, mình cũng thế thôi, phải học lại tác phong và theo lại nhịp sống của môi trường hiện tại để hòa đồng trong công việc và hòa đồng với mọi người.”

Một con số không

Kinh nghiệm của Hải cho thấy để có được một vị trí tốt trong môi trường làm việc thì quan trọng nhất là mối quan hệ phải rộng, mà các mối quan hệ không phải một sớm một chiều là gầy dựng được. Hải phải lăn lộn ở khá nhiều công ty lớn nhỏ, chấp nhận ở những vị rất thấp, tích cực tham gia các nhóm, hội, hoạt động xã hội, gặp gỡ càng nhiều người càng tốt để xây dựng cho mình những mối quan hệ cần thiết. “Chân thành, ham học hỏi và giúp đỡ đồng nghiệp, khi đó mình sẽ có một cái tiếng tốt, khi người ta có thiện cảm với mình thì mọi cơ hội và bạn bè sẽ đến tự nhiên”, Hải chia sẻ.

Cởi mở cũng là một điều rất quan trọng trong việc tạo dựng vị trí. Trong công việc, nhiều người cứ sợ rằng nói ra thì mất ý tưởng, bị đồng nghiệp ‘chôm’ để lấy thành tích với cấp trên. Tuy nhiên, nếu như du học sinh biết chia sẻ những điều mình nghĩ, tiếp nhận những góp ý từ đồng nghiệp để ý tưởng của mình phù hợp hơn với cách thức làm việc chung thì công việc thuận lợi vô cùng. Hơn thế nữa, trong mắt đồng nghiệp, bạn đã cải thiện được rất nhiều về mức độ thân thiết.

Anh Hoàng nói về điều này như sau: “Khéo léo một chút, khi bạn có ý tưởng hay có suy nghĩ mới về công việc bạn hãy lôi kéo đồng nghiệp cùng tham gia với bạn, tức là tạo cho họ cơ hội để họ thấy họ thực sự quan trọng và có cảm giác như bạn và họ đang chung lưng vì công việc”.

Để có kinh nghiệm này, anh Hoàng đã phải bỏ ra một năm làm tự do, không phụ thuộc vào môi trường công sở để quan sát học hỏi từ bạn bè, đối tác trong việc tạo dựng vị trí của mình ở môi trường làm việc ở Việt Nam.

Cuối cùng, điều cốt lõi để du học sinh có thể tạo dựng được vị trí cho mình khi trở về là phải đả thông được tư tưởng: trở về để đi làm thì cũng phải bắt đầu từ con số không như mọi người, hãy đứng dưới mặt đất và suy nghĩ thực tế. Như ý kiến của bạn Phạm Quang Hoàn trong bài viết ‘Trở về, tôi là ai?’ trên Facebook của Hội Du học sinh TP HCM: “Trên đời này chẳng có gì là hoàn hảo cả. Không thể nào đòi hỏi quá nhiều ở một đất nước còn nghèo và kém phát triển như Việt Nam. Nếu đất nước đã giàu có và hoàn hảo như bạn muốn thì cần gì bạn phải ra nước ngoài để du học. Và nếu Việt Nam cũng giàu có, không tham nhũng, văn minh và phát triển rồi thì việc bạn có về hay ở cũng chẳng mấy ai quan tâm”.

Theo: ‘Trở về, tôi là ai?’ (bayvut.com.au)

Bài liên quan

Quê mẹ gọi về.

(Hiếu học). “Trong một lần về nước dự hội thảo, tôi có buổi nói chuyện với sinh viên và khuyên các em nếu có điều kiện nên du học để sau này trở về phục vụ đất nước. Khi ấy, tôi giật mình khi một sinh viên hỏi lại: Sao thầy không về? Câu hỏi của em sinh viên kia cứ ám ảnh tôi” - Tiến sỹ Nguyễn Đình Uyên (SN 1968), người đã có 6 năm làm việc cho Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), tâm sự về con đường trở về sau 30 năm xa quê hương.

Du học bằng học bổng nhà nước.

(Hiếu học). Hằng năm, chính phủ cấp nhiều học bổng cho sinh viên du học ở các nước trên thế giới. Tiêu chuẩn, điều kiện dự tuyển học bổng du học cũng khá đa dạng, tạo nhiều cơ hội cho sinh viên – học sinh.

Bí quyết săn học bổng du học.

(Hiếu học). Có rất nhiều điều bạn cần phải trang bị nếu muốn săn học bổng du học. Tuy nhiên, nắm được “bí quyết” và có kế hoạch chuẩn bị, bạn cũng có thể thành công dù thành tích học tập không quá xuất sắc.  

Cùng chuyên mục