Du học sinh chia sẻ kinh nghiệm vượt khó

(Hiếu học) Tham dự Lễ hội Du học sinh VN chào Xuân 2011, các du học sinh xuất sắc của Việt Nam đã chia sẻ những kinh nghiệm vượt khó để có được thành công trong quá trình du học.

Phó Chủ nước Nguyễn Thị Doan chụp ảnh cùng các du học sinh. Ảnh: TTXVN

Chiều 29-12 tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã thân mật tiếp đoàn đại biểu du học sinh VN trở về quê tham dự Lễ hội Du học sinh VN chào Xuân 2011. Tham dự cuộc gặp mặt có 52 du học sinh là những đại diện xuất sắc nhất được Hội Sinh viên VN tại các nước Anh, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singaporre… đề cử. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan biểu dương các du học sinh đã vượt lên khó khăn để tiếp thu kiến thức văn minh của các nước, khẳng định được bản lĩnh và trí tuệ của thế hệ trẻ VN.

Các du học sinh xuất sắc của Việt Nam đã chia sẻ những kinh nghiệm vượt khó để có được thành công trong quá trình du học:

* Ngoại ngữ là chìa khóa

Lê Thế Dương đang theo học tại Đại học Monash thuộc TP.Melbourne, Australia chia sẻ với các bạn học sinh muốn du học phải có hai yếu tố. “Ngoại ngữ là yếu tố thứ nhất vì đây là chìa khóa để mở cửa mọi vấn đề. Thứ hai là các bạn phải xác định tư tưởng thật sự rõ ràng vì du học không phải đi du lịch. Du học là một thử thách rất là khó khăn để thích ứng với việc đi lại, sinh hoạt và học tập tại môi trường quốc tế hoàn toàn khác lạ”, Dương chia sẻ.

Hoàng Quỳnh Mai, sinh viên Đại học Quốc gia Singapore bật mí: Ngoại ngữ là chìa khóa. Các bạn nên xác định du học là khó khăn chứ không phải đi du lịch. Cần xác định đúng mục đích đi học để làm gì chứ không nên “vừa đi vừa tính tiếp”.

Nguyễn Ngọc Hưng, sinh viên Học viện Kinh tế London (Anh), trường có 14 giải Nobel về kinh tế, chia sẻ phương pháp nộp đơn nhập học vào các trường ĐH của Anh và trên thế giới: “Ngoài kết quả học tập tốt, thư gửi đến trường rất quan trọng. Các bạn phải thể hiện được khao khát, đam mê vào ngành mình dự định học, nhất là thể hiện được định hướng tương lai một cách rõ ràng của bản thân”.

Nguyễn Xuân Đạt, sinh viên năm thứ ba, Đại học Ritsumeikan Châu Á Thái Bình Dương- APU (Nhật Bản) cho biết dù ở Nhật Bản nhưng nhiều trường có khóa học chuyên về tiếng Anh. Học viên tốt nghiệp APU sử dụng thành thạo ít nhất ba ngôn ngữ, nhiều bạn nói được bốn, năm ngoại ngữ.

Đàm Trần Anh, nghiên cứu sinh tại Australia chia sẻ: “Nếu bạn không cố gắng mà chỉ xác định bỏ tiền sang lấy cái bằng thì điều bạn thu được có thể không bằng một sinh viên học nghiêm túc trong nước. Du học sinh cần vốn hiểu biết rộng, tìm hiểu kỹ thông tin về trường. Ngoại ngữ là số một, bạn đừng nghĩ sang bên đó học vẫn kịp”.

Vũ Khánh Linh hiện đang học cấp 3 tại Anh cho rằng, cần phải chuẩn bị về tiếng và tâm lí, để có thể hòa nhập với môi trường văn hóa mới. Chính suy nghĩ muốn được học ở môi trường tốt để sau này có thể về Việt Nam giúp ích cho sự phát triển của đất nước đã giúp Linh vượt lên những khó khăn học tập.

* Không để thiếu kỹ năng sống

Nguyễn Phương Nam, du học sinh Singapore cho rằng khó khăn lớn nhất trong quá trình du học là khi phải hòa nhập vào 1 môi trường sống hoàn toàn khác lạ. Điều đó đòi hỏi bản thân mỗi người phải tự rèn luyện để theo kịp với nhịp sống ở nước sở tại.

Phương Nam cho rằng, ban đầu du học sinh Việt Nam có một nền tảng kiến thức rất tốt, tuy nhiên đến những năm cuối khóa học, các bạn du học sinh thường đuối ở các kỹ năng như giải quyết vấn đề, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm.

Theo kinh nghiệm của Phương Nam, các du học sinh nên tham gia vào các hoạt động cộng đồng, các hoạt động tình nguyện xã hội để rèn luyện bản thân. “Các hoạt động xã hội không phải là những việc làm to lớn mà chỉ đơn giản là việc giúp đỡ các tân sinh viên hòa nhập vào môi trường mới, tổ chức hướng nghiệp cho sinh viên khóa dưới hay tổ chức các hoạt động giao lưu cho sinh viên Việt Nam và sinh viên quốc tế”, Nam nhấn mạnh.

Nguyễn Ngọc Hưng nguyên là Chủ tịch Hội sinh viên trường AT Vương Quốc Anh vì vậy theo Hưng các hoạt động ngoại khóa cũng hết sức quan trọng. Hàng năm hội có những show diễn lớn để thu hút không chỉ các du học sinh Việt Nam mà còn thu hút các bạn bè quốc tế. Đây là những hoạt động hết sức có ý nghĩa, không chỉ tạo các hoạt động bổ ích cho du học sinh mà còn giới thiệu với bạn bè quốc tế nền văn hóa Việt Nam và có lẽ cuối cùng tạo nguồn kinh phí gây quỹ cho các chương trình từ thiện lớn tại Việt Nam như “Quỹ tấm lòng vàng” và “Quỹ Đặng Thùy Trâm”.

Hưng Thịnh, du học sinh ĐH New South Wales, Australia cho rằng: “Các du học sinh Việt Nam đều rất thông minh. Trong các môn học, du học sinh Việt Nam luôn đạt điểm số rất cao. Tuy nhiên so với du học sinh các nước khác, học sinh Việt Nam lại thiếu các kỹ năng mềm cần thiết như kỹ năng thuyết trình, kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng làm việc nhóm… Đa phần các du học sinh Việt Nam đều rất nhút nhát, không dám thể hiện ý kiến của mình”.

Vĩnh Nghiêm tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)

Bài liên quan

Bí quyết tạo nên tài năng

(hieuhoc_hieuhoc.com) Chỉ khi nào bạn thật sự đam mê và đeo đuổi sự rèn luyện và tập luyện chuyên cần, khi đó bạn sẽ trở thành người tài năng trong lãnh vực bạn chọn. Đây là nguyên tắc ai cũng biết nhưng không dễ để theo đuổi. 

Cách suy nghĩ về sự nghiệp và niềm tin

(hieuhoc_hieuhoc.com) Trong quá trình tạo dựng sự nghiệp, do cách bạn bắt đầu thế nào và niềm tin mà nó sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu của bạn. Chỉ cần bạn luôn giữ được niềm tin thành công, thì cuối cùng sự nghiệp nhất định sẽ đến.   

Khó khăn cuộc sống thời sinh viên

(hieuhoc_hieuhoc.com) Nhiều sinh viên không thể đương đầu với những khó khăn, thử thách trong quãng đời sinh viên. Nguyên nhân chính khiến các bạn trẻ mắc chứng trầm cảm là do các vấn đề về tài chính, áp lực học hành và chuyện tình cảm.  

Cùng chuyên mục