Nước Anh dự định đưa ra nhiều quy định cứng rắn hơn trong việc cấp visa diện du học cho các du học sinh ngoài Liên minh châu Âu (EU). Điều này có ảnh hưởng đến những du học sinh Việt Nam?
– Lựa chọn du học nghề như thế nào?
– Học IELTS chăm chỉ mà tiếng Anh vẫn ú-ớ?
Theo một kết quả khảo sát vừa được đưa ra ngày 6-9, có tới 1/5 số du học sinh nước ngoài hiện vẫn còn lưu lại Anh trong khoảng năm năm sau khi được cấp thị thực. Báo The Telegraph dẫn lời Bộ trưởng Nhập cư Anh Damian Green cho rằng số lượng du học sinh nước ngoài đang sống, học tập tại Anh là “không thể chịu đựng nổi” và cho biết sẽ sớm đưa ra những biện pháp kiểm soát nhập cư “thông minh” hơn.
Ông cho rằng chính quyền hiện tại phải gồng gánh số lượng dân nhập cư “vô cùng khó đo đếm và kiểm soát được”, do vậy sẽ phải đưa ra những quy định mới cho luật nhập cư để đảm bảo chỉ có những người “tài năng và giỏi nhất” mới có cơ hội đến Anh học tập, làm việc.
Thủ tướng Anh David Cameron cũng tuyên bố sẽ siết chặt số lượng dân nhập cư hằng năm để đưa từ con số hàng trăm ngàn xuống hàng chục ngàn người. Ngay sau khi lên nắm quyền vào tháng 5-2010, ông Cameron đã nhanh chóng đưa ra con số giới hạn cụ thể cho đối tượng dân nhập cư kinh tế bên ngoài EU.
Bà Phạm Hoàng Uyên, giám đốc khu vực Đông Nam Á của Hội đồng khảo thí tiếng Anh Cambridge (ESOL) tại TP.HCM, nhận định: “Quy định mới trong việc cấp visa vào Anh đồng nghĩa với việc nhập cư vào Anh sẽ khó khăn hơn, đòi hỏi người nhập cư phải đạt được trình độ tiếng Anh nhất định”. Tuy nhiên, bà lại cho rằng đây cũng là một tác động tích cực thúc đẩy việc học và dạy tiếng Anh, bắt buộc du học sinh hoặc dân nhập cư phải có sự chuẩn bị tốt nhất.
Theo ý kiến của bà, các học sinh cấp trung học chương trình tăng cường tiếng Anh tại Việt Nam sẽ không gặp quá nhiều khó khăn với quy định mới về mặt học tập, bởi chuẩn B1 (tương đương với PET hoặc IELTS 4.0-5.0) là “hoàn toàn nằm trong tầm tay”.
Bà Kiều Nguyễn, nhân viên một tổ chức giáo dục quốc tế, chia sẻ: “Tôi nghĩ những người đi du học với mục đích trau dồi kiến thức thật sự sẽ ít bị ảnh hưởng bởi những quy định mới. Chính phủ Anh và một số nước phát triển siết chặt luật di cư là điều không khó hiểu khi số lượng người đi du học vì mục đích định cư ngày càng nhiều, khiến mọi việc trở nên khó kiểm soát”.
Thế nhưng, một nam du học sinh Việt Nam xin giấu tên, hiện đang theo học đại học tại thành phố Liverpool, lại cho rằng Chính phủ Anh đã quá khắc nghiệt và đối xử không công bằng với du học sinh các nước ngoài khối EU. “Chính giáo sư của tôi còn khẳng định du học sinh châu Á học và làm việc tốt hơn người bản địa nên chẳng có lý do gì phải hạn chế đối tượng này – du học sinh này cho biết – Nếu một quốc gia nào có tỉ lệ người trốn ở lại cao thì chỉ nên siết chặt nơi đó mà thôi”.
Chị Hằng Nguyễn, cựu du học sinh Trường Regents Business School London, cho rằng việc giảm mạnh số lượng du học sinh qua Anh không hẳn là một giải pháp hay. Theo chị, trước nay bộ phận xét visa du học của Anh đều có yêu cầu rất rõ: những ai không trình bày được mục đích du học của mình một cách thuyết phục thì không thể qua Anh được.
Anh Duy Hoàng, cựu du học sinh Trường ĐH Leicester, cho biết khi nói chuyện điện thoại với ba mẹ nuôi là người Anh của mình, họ đều cho biết bản thân cũng như nhiều người không đồng tình với những quy định mới này. “Tất nhiên Chính phủ Anh cũng có những lý do chính đáng khi làm điều đó. Nhưng tôi nghĩ đây vẫn là một điều đáng tiếc khi nhiều bạn trẻ sau này sẽ không còn nhiều lựa chọn khi muốn đi du học” – anh Hoàng khẳng định.
Theo: (Telegraph/TTO)