Du học Mỹ, đừng để nước đến chân mới nhảy

Theo các chuyên viên tư vấn du học Mỹ, toàn bộ quá trình xin học nên bắt đầu từ 12 đến 18 tháng trước khi muốn đến Mỹ.

Sinh viên Việt Nam trong ngày tốt nghiệp tại Đại học Berkeley (California, Mỹ). Ảnh: Đức Cương

Theo bà Quách Thị Mỹ Ngọc, chuyên viên tư vấn giáo dục Education USA, điều kiện để nhập học tại một trường ĐH ở Mỹ là phải có bảng kết quả học tập bậc trung học tại Việt Nam và khả năng sử dụng tiếng Anh trong học tập, giao tiếp.

Tuy nhiên, các trường ĐH ở Mỹ có các tiêu chí nhập học và tỉ lệ chấp thuận rất khác nhau do nền giáo dục Hoa Kỳ chú trọng đến kiến thức rộng trên nhiều lĩnh vực và khả năng hoạt động xã hội. Đặc biệt, các trường ĐH Mỹ thường không nhận sinh viên quốc tế dưới 17 tuổi.

Các bước chuẩn bị

Với số lượng 13.112 người, VN hiện nằm trong top 10 các nước có du học sinh đông nhất tại Mỹ. Học bổng ở bậc ĐH rất ít so với bậc sau ĐH. Nhằm tiết kiệm chi phí học, đa số du học sinh VN chọn học hai năm ở cao đẳng cộng đồng sau đó chuyển tiếp sang một ĐH để học hai năm cuối.

Thông thường các trường ĐH ở Mỹ đều có trang web giới thiệu thông tin về trường và có sẵn mẫu đơn xin học trên mạng, ứng viên có thể điền thông tin vào và gửi qua mạng tới trường muốn theo học. Đây là cách nộp đơn nhanh nhất.

Cần gửi yêu cầu đầu tiên khoảng 12 tháng trước khi có kế hoạch nhập học. Đặc biệt, nếu gửi hồ sơ xin học hoặc gửi yêu cầu thông tin vào tháng 11, 12 thường mất gấp đôi thời gian để thư đến được địa chỉ cần thiết do hai tháng này có nhiều ngày lễ.

Đơn xin học phải ngắn gọn, rõ ràng để tạo ấn tượng tốt. Ứng viên nên nhất quán trong cách khai thông tin cá nhân cũng như cách đánh vần tên của mình trên tất cả tài liệu, đồng thời cung cấp thông tin về các kinh nghiệm học tập, làm việc theo một trật tự hợp lý hoặc theo trật tự thời gian.

Học phí và lệ phí

Theo bà Ngọc, điều quan trọng khi du học Mỹ là người học phải lên kế hoạch về chi phí và nguồn tài chính cho việc học trước khi chuẩn bị nộp đơn xin học. Các trường ĐH, CĐ tại Mỹ sẽ yêu cầu một bản tuyên bố tài chính và chứng từ đảm bảo như một phần trong thủ tục xin học. Những loại chi phí chính liên quan đến việc học tập tại Mỹ là học phí và lệ phí, cộng thêm chi phí sinh hoạt. Những chi phí này có biên độ biến thiên rất rộng, giúp người học có thể kiểm soát phần nào chi phí cho việc học. Tất cả trường ĐH ở Mỹ đều công bố thông tin về các chi phí cho trường và khu vực của mình.

Học phí là tiền công giảng dạy, còn lệ phí là để trả cho các dịch vụ như thư viện, các hoạt động của sinh viên hoặc trung tâm y tế. Các sinh viên quốc tế phải trả cả học phí và lệ phí. “Mặc dù mức học phí và lệ phí có thể khác nhau rất nhiều giữa các trường, song không có mối quan hệ nào giữa mức học phí và lệ phí với chất lượng của cơ sở đào tạo. Số tiền mà một trường ĐH cụ thể áp dụng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là trường đó thuộc loại gì” – bà Ngọc chia sẻ.

Không phải tất cả trường ĐH, CĐ thu học phí và lệ phí thấp là đồng thời có chi phí sinh hoạt thấp. Người học cần xem xét cả hai yếu tố đó để ước lượng chính xác hơn mức chi tiêu hằng năm của mình. Mức học phí của các trường khác nhau và tăng trung bình mỗi năm 5%.

Chi phí sinh hoạt

Chi phí sinh hoạt cao nhất là ở các TP lớn tại bang California và vùng Đông Bắc. Tại miền Nam, miền Trung Tây và các khu vực khác, những chi phí này thấp hơn nhiều. Trang web và tài liệu giới thiệu của các trường ĐH là nguồn thông tin tốt về mức chi phí sinh hoạt hiện hành. Trong tổng số chi phí mà họ đưa ra thường bao gồm cả tiền phòng, tiền ăn, tiền sách, bảo hiểm y tế và các chi phí cá nhân.

Các trường thường ước tính chi phí cho sách và đồ dùng học tập trong năm học. Sinh viên học tại Mỹ phải mua sách giáo khoa với giá khá cao. Hầu hết các trường đều có hiệu sách, nhiều hiệu sách cho phép người học mua sách đã qua sử dụng với giá rẻ hoặc nhận bán hộ sách vào cuối kỳ để thu lại một phần tiền. Nếu ứng viên có kế hoạch theo học một lĩnh vực đòi hỏi phải có dụng cụ học tập đặc biệt như kỹ sư, nghệ thuật hoặc kiến trúc thì chi phí này cao hơn mức trung bình.

Nguồn: Pháp Luật TP HCM

Bài liên quan

Cần chuẩn bị những gì để ứng cử học bổng?

 Giành được học bổng đi du học là mơ ước của nhiều bạn trẻ, đồng thời cũng là niềm tự hào cho các bậc phụ huynh. Nhưng để đạt được mục tiêu đó, các bạn trẻ phải trải qua một quá trình học tập phấn đấu lâu dài và có kế hoạch.

Home stay , lựa chọn tối ưu

Nếu không có người thân ở nước ngoài, du học sinh phải lựa chọn nơi ở trọ như ký túc xá, nhà thuê độc lập hoặc “home stay” - hình thức ở chung với một gia đình người bản xứ.

Éo le miếng ăn, chuyện ở khi đi du học

Khó khăn của du học sinh khi bước chân ra nước ngoài không chỉ là "sốc" văn hóa mà còn là chuyện ăn, ở. Không chỉ phức tạp ở “miếng ăn” nơi xứ Tây, chuyện mướn nhà của du học sinh cũng “éo le” nếu không nắm đầy đủ thông tin, dễ tin kẻ xấu...

Cùng chuyên mục