(Hiếu học). Thi ĐH đợt 2 với nhiều khối thi: B, C, D và năng khiếu. Trong đó, các môn thi tự luận có thời gian làm bài 180 phút, các môn thi trắc nghiệm thời gian làm bài 90 phút. Điều thí quan tâm là đề thi ĐH đợt 2 này sẽ ra theo hướng nào và cần lưu ý những gì?
Đề thi tuyển sinh ĐH đợt 2 cũng sẽ được ra theo cấu trúc do Bộ GD-ĐT công bố. Tuy nhiên, trong khối kiến thức mênh mông đó, thí sinh cần đặc biệt lưu ý những nội dung mà các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm phân tích và chia sẻ.
* Môn Sinh: Xem kỹ phần toán xác suấtTheo thầy Trần Ngọc Danh -Tổ trưởng tổ Sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM thì độ khó phần bài tập của đề thi tăng dần từng năm. Đề thi môn Sinh học sẽ có từ 25 – 30 bài tập và phân hóa cao. Cả thầy Danh và thầy Nguyễn Lâm Quang Thoại – trường THPT Marie Curie – TP.HCM, đều khẳng định trọng tâm sẽ ở chương 1 (Đột biến) và chương 2 (Các quy luật di truyền), Trong đó, phần di truyền sẽ chiếm khoảng 30 câu, phần tiến hóa chiếm khoảng 10 câu và phần sinh thái 10 câu. Phần di truyền, thí sinh phải xem kỹ và nắm thật vững việc áp dụng toán xác suất cơ bản. Về phần di truyền học người, chú ý dạng thường ra thi là một bài tập phả hệ, bài toán tính xác suất ở cấp quần thể. Phân biệt các dạng bệnh, hội chứng di truyền phổ biến có liên quan đến cấp phân tử hay tế bào. Phần tiến hóa, đề thi thường ra trong giai đoạn tiến hóa hóa học. Sự phát triển sinh giới qua các đại dịa chất chỉ có một câu nhưng không tập trung vào đại nào (thái cổ – nguyên sinh – cổ sinh – trung sinh – tân sinh).
* Môn Toán: Lưu ý phần khảo sát hàmThầy Phạm Hồng Hải – giáo viên Toán trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM, cho biết: “Đề thi sẽ ra phần khảo sát hàm số và vấn đề liên quan. Phần này, TS phải quyết tâm kiếm điểm tối đa vì dễ lấy điểm nhất. Ở phần tự chọn, cần phải hệ thống lại kiến thức thật chắc để làm được câu lượng giác, vì câu này cũng dễ lấy điểm”. Thầy Hải lưu ý thêm khi làm môn Toán, TS cần viết ra các bước trung gian, mỗi câu làm xong phải kiểm tra kết quả ngay. TS phải trình bày đến nơi đến chốn và sử dụng chính xác các ký hiệu.
* Môn Hóa: Nên xem phần chuyển dịch cân bằng
Thạc sĩ Đặng Văn Thành – trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) khuyên: “Đề thi môn Hóa khối A của đợt 1 cho thấy chương trình trải đều. Vì thế, đến thời điểm này, TSkhông nên chú ý đến những bài tập dạng mới nữa, mà cần xem lại SGK để nắm chắc kiến thức, nhắm vào phần suy luận. TS nên để ý kỹ phần chuyển dịch cân bằng. Đề thi đợt 1 vừa rồi có vài câu hơi lạ. Nhưng kinh nghiệm cho thấy đối với các câu khó như vậy, TSnên nhìn vào đáp án vì đáp án đã là gợi ý khoảng 30% câu trả lời rồi”.
* Môn Văn: Ôn kỹ phần văn học Việt Nam hiện đại.
Có nhiều kinh nghiệm, PGS-TS Trần Hữu Tá – Phó chủ tịch Hội Nghiên cứu – Giảng dạy văn học TP.HCM nhận xét: Những năm gần đây, Bộ GD-ĐT có sự đổi mới trong cách ra đề Văn kỳ thi ĐH-CĐ, có cả nghị luận văn học lẫn nghị luận xã hội. Trong những câu nghị luận văn học, bên cạnh việc kiểm tra kiến thức còn có câu kiểm tra kỹ năng viết như phân tích, bình giảng. Năm nay, chắc chắn đề Văn cũng sẽ đầy đủ những câu như vậy. Do đó, TS cần nắm vững những nội dung cơ bản về tác giả – tác phẩm, cũng như chú ý đến kỹ năng phân tích, đánh giá, liên tưởng để bài viết được sâu hơn. Đề Văn sẽ rơi chủ yếu vào kiến thức từ học kỳ 2 lớp 11 và toàn bộ kiến thức lớp 12, TS chú ý học tốt phần Văn học Việt Nam hiện đại thường xoay quanh năm tác giả: Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu. Các kiểu câu hỏi thường gặp là ý nghĩa nhan đề của tác phẩm, tình huống truyện, sự nghiệp sáng tác, phong cách sáng tác, quan điểm sáng tác, nêu giá trị nhân đạo của tác phẩm, những thành tựu và đặc điểm của văn học Việt Nam qua các thời kỳ, so sánh các giai đoạn văn học… Thí sinh nên tập trung sâu vào các đề tài đất nước, tư tưởng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng, chủ nghĩa nhân đạo.
* Môn Sử: Sẽ khó hơn năm trước
Thầy Đoàn Danh Đào – giáo viên luyện thi tại TP.HCM – dự đoán đề Sử năm nay có khả năng sẽ khó hơn năm ngoái. Phần lịch sử Việt Nam, TS nên chú ý giai đoạn kháng chiến chống Mỹ 1954 – 1975 và 3 phong trào cách mạng 1930 – 1931, 1936 – 1939, 1939 – 1945. Lịch sử thế giới nên ôn tập về sự kiện Hội nghị Yalta (Liên Xô cũ) tháng 2.1945. Ngoài ra, lưu ý phần quan hệ quốc tế và cuộc cách mạng khoa học công nghệ.
Tránh dư ý, thiếu ý.Tốt nhất là trước khi thi, thí sinh nên xem lại đáp án môn sử của các đề thi năm trước để có thể trình bày đủ ý, tránh tình trạng dư ý cũng như thiếu ý. Câu hỏi của đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ thường là những câu hỏi tổng hợp, đòi hỏi phải biết sắp xếp ý từ nhiều bài khác nhau để trả lời. Tuy nhiên, cũng có những câu nằm trọn vẹn trong một đoạn nào đó của sách giáo khoa, thí sinh chỉ cần thuộc bài là làm được.
* Môn Địa: Cần làm tốt các dạng câu hỏi lý thuyếtCô Châu Thị Nguyệt – cựu giáo viên trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM, dặn dò: “Ở phần chung, các em cần nắm chắc kiến thức địa lý tự nhiên, địa lý dân cư, địa lý các vùng kinh tế. Trong phần riêng, lưu ý nội dung về chất lượng cuộc sống (phần Địa lý dân cư), tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (Địa lý kinh tế – Chuyển dịch cơ cấu kinh tế), vấn đề lương thực, thực phẩm ở đồng bằng sông Cửu Long (Địa lý kinh tế – Địa lý các vùng kinh tế)…
Lưu ý:Khi vẽ lược đồ VN (nếu có), thí sinh cần thể hiện được sự toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt phải có các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa…
* Môn Anh văn: Chú ý cụm từ cố địnhTheo thầy Nguyễn Hoàng Đỉnh -giáo viên luyện thi môn Anh văn, thì: “TS cần chú ý đến cụm từ cố định vì theo tôi đề sẽ ra phần này và phần viết lại câu có nghĩa tương đương”.
Môn Anh văn với đề thi trải dài và liên quan đến nhau từ lớp 10 đến lớp 12, là môn phải học quanh năm không thể nhồi nhét một sớm một chiều. Trước ngày thi, các thí sinh nên dành nửa ngày không học để nghỉ ngơi trong tâm trạng thoải mái.
* Lưu ý quy chế tuyển sinh kỳ thi ĐH đợt 2:Ngay sau khi kết thúc đợt 1, Bộ GD-ĐT đã có công điện gửi Hội đồng tuyển sinh các ĐH, học viện và các trường ĐH yêu cầu cán bộ coi thi phải phổ biến kỹ quy chế tuyển sinh cho TS trong buổi làm thủ tục dự thi ngày 8.7. Nhắc nhở TS tuyệt đối không được mang điện thoại di động vào phòng thi. Về đề thi đợt 2, lưu ý rằng nội dung nằm trong chương trình và SGK, không có trọng tâm, trọng điểm. Vì thế, nếu TS có mang theo tài liệu vào phòng thi cũng sẽ không thể sử dụng được mà còn bị lập biên bản đình chỉ thi.
Chúc các bạn làm bài thi thật tốt.
Tuấn Phong tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com).