Dr Neo – Người PR cho Việt Nam

Hình ảnh bị bóp méo

Các bạn mến, khi mình chập chững bước chân đến Bắc Mỹ lần đầu tiên năm 2000, mình hỏi những người bạn Canada: “Tụi mày biết gì về Việt Nam? “. Tụi đồng nghiệp nhìn nhau, trao một nụ cười ý nhị, và lịch sự trả lời mình: “Việt Nam đã từng đánh thắng Mỹ”. Vài tháng sau, có một người bạn hoạ sĩ có thể trả lời thêm được một chút: “Việt Nam có Hồ Chí Minh”. Thế nhưng, khi hỏi xem Việt Nam nằm ở đâu, hoặc nếu có dịp mày có muốn đi du lịch Việt Nam hay không, hay có muốn làm ăn với Việt Nam hay không, thì câu trả lời luôn là không đáng phấn khởi lắm. Tại sao vậy nhỉ?

Khi hỏi một vài bạn trẻ tự nhận là yêu nước và có tinh thần dân tộc rằng nếu cần phải giới thiệu về Việt Nam với nước ngoài trong vòng 5 hay 30 phút bạn sẽ giới thiệu điều gì thì các bạn ấy ngúc ngoắc một hồi rồi nói vu vơ lãng xẹt. Tại sao vậy nhỉ?

Năm 2003 – 2004, khi nằm co mình buồn rầu trong một khách sạn nhỏ ở Boston giữa những ngày sang làm việc với Nortel, bật truyền hình lên, mình thấy ra rả những hình ảnh quảng cáo về một đất nước Malaysia tươi đẹp “Truly Asia”, Hàn Quốc đậm bản sắc văn hoá, Singapore đa văn hoá và cởi mở, Thái Lan ấn tượng… trên các kênh truyền hình CNN, Fox, ABC. Mình chợt tự hỏi: sao họ lại làm được những chuyện ấy nhỉ. Tại sao vậy nhỉ? Đâu có công ty nào bỏ tiền ra làm cái chuyện PR cho cả một quốc gia như vậy? Vào công ty, lại hỏi đám bạn về VN, vẫn chỉ nghe được có 3 chuyện: (1) Vietnam war, (2) Birdflu, (3) SAR. (Thậm chí mấy chuyện như catfish – cá da trơn hay chuyện WTO của Việt Nam thì dân Mỹ chẳng quan tâm hơn chuyện một con mèo cưng của một ca sĩ nào đó đi lạc).

Tại sao người ta làm được, còn chúng ta thì không?

Quay về Việt Nam, cũng tích cực tìm hiểu, nhưng rồi càng thêm chán ngán. Chúng ta vẫn đang quá quan tâm đến những cái “cơm áo gạo tiền”, “ăn xổi ở thì” trước mắt mà không thèm (hay chưa kịp) quan tâm đầu tư đến những cái lâu dài và mang lại cái lợi vô hình hay không trực tiếp. Đến lúc này, những người PR tốt nhất cho Việt Nam vẫn là những du học sinh và những người làm việc xa nhà. Thế nhưng, đâu phải ai trong số đó cũng có thể là một “good sample” tiêu biểu cho một dân tộc, một đất nước. Thậm chí, đôi khi một vài cá nhân lại mang lại hình ảnh xấu cho dân tộc. Tổng cục Du lịch của người có “nụ cười bất khuất” một thời Võ Thị Thắng cũng chỉ biết tiếp tục cười trừ hoặc đưa ra vài cái khẩu hiệu đại ngôn chẳng thực tế và cũng chẳng đi vào nổi lòng người (thậm chí một người khá cuồng như mình): Vietnam – A destination for the new millennium. Các bộ hay tỉnh thành thì vẫn chỉ lo việc “của mình”. Không ai có trách nhiệm cả. Hoặc tất cả đều “có” trách nhiệm cả.

Giọt nước rồi cũng tràn ly. Khi một anh bạn hỏi mình tỏ vẻ quan tâm đến Việt Nam, chừng nào Nga trao trả Việt Nam lại cho Trung Quốc như Anh hay Bồ Đào Nha đã trả Hongkong và Ma Cao trước đây, mình đã thực sự không kiềm chế được. Hỏi ra mới biết, với sự thiếu thông tin, nhiều người đã có những nhầm tưởng hết sức tệ bạc. Và những sự nhầm tưởng đó xúc phạm một cách nặng nề lòng tự hào dân tộc của những con người còn có một chút hơi ấm Việt Nam trong trái tim.

Mình tự hỏi mình, bây giờ mình nên đợi nữa hay không? Hay tự bản thân mình và những người bạn sẽ đứng ra góp phần làm một cái gì đó để xoá đi những khoảng cách ấy. Nếu đợi, thì sẽ đợi đến bao giờ. Và có khi nào lại thêm một dự án nâng thêm 2 cm chiều cao của người Việt Nam hay nâng cao trình độ tiếng Anh của học sinh để bòn hàng ngàn tỉ đồng tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân?

Ở bất kỳ quốc gia và thời đại nào, sức mạnh của cộng đồng cũng luôn là sức mạnh lớn nhất. Và nếu cộng đồng chúng ta cùng góp tay vào xây góp cho một cái gì đó ý nghĩa, thì mình tin rằng đất nước của chúng ta sẽ rạng rỡ hơn nhiều. Các bạn nghĩ sao?

Kế hoạch hành động

Mình đề nghị với các bạn rằng chúng ta sẽ làm hai chuyện:

– Xây dựng một bản giới thiệu để nói về đất nước, dân tộc và những giá trị Việt Nam với thế giới. Mọi người sẽ đóng góp những chất liệu hoặc những ý kiến mà mình có để cùng xây dựng slide. Mình sẽ làm việc với TMA để đề nghị hỗ trợ người thiết kế hình ảnh, hoặc dịch slide sang tiếng Anh, Pháp, Nhật (nếu cần), mời một số chuyên gia đánh giá và nghiệm thu slide một cách nghiêm túc. Sau đó, chúng ta sẽ chuyển giao cho các báo đài, các cơ quan/công ty có làm việc với người nước ngoài, các forum/diễn đàn khác để họ broadcast giùm chúng ta.
– Tiếp theo, xây dựng một website giới thiệu về Việt Nam. Có lẽ sẽ là phi lợi nhuận. Chúng ta sẽ bàn thêm về điều này sau khi đã hoàn tất bước trên.

Ai sẽ được lợi từ việc ấy?

– Đất nước của chúng ta có lợi. Vì khi mà người ta biết nhiều hơn về mình, có cảm tình hơn với mình, thì điều đó cũng có nghĩa là mình có nhiều cơ hội hơn trong làm ăn, trong thu hút đầu tư và du lịch. Và tiếng nói của chúng ta cũng có trọng lượng hơn một chút.
– Các doanh nghiệp của chúng ta có lợi. Từ các công ty du lịch đến thương mại, từ nông nghiệp đến tin học…
– Các bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường. Vì các bạn ấy sẽ được lợi nhiều hơn từ việc có cơ hội cao hơn để có được học bổng tốt hơn, có nhiều quỹ đầu tư giáo dục hơn, và có một niềm tự hào được cụ thể hoá/hệ thống hoá bằng văn bản.
– Từng người riêng biệt trong chúng ta và tất cả chúng ta. Vì chúng ta đã làm được một việc có ý nghĩa. Giúp một bà cụ qua đường hay bỏ ra một hai ngày đến với trẻ em đường phố hoặc một hai tháng dạy chữ xoá mù cho trẻ em các vùng quê không làm cho túi tiền của chúng ta đầy hơn, không làm cho sức khoẻ của chúng ta tốt hơn, không làm cho danh tiếng của chúng ta bóng bẩy hơn, nhưng nó làm cho tâm hồn của chúng ta thanh thản hơn, làm cho con người của chúng ta “người” hơn.

Các bạn của tôi, các bạn có thể bên cạnh mình không? Các bạn có thể bỏ ra 1 – 2 giờ để đóng góp vào cho sản phẩm chung của chúng ta không? Hơi ấm và dấu ấn của các bạn sẽ còn đọng mãi trên sản phẩm cuối cùng…

Mong rằng con cái chúng ta sẽ không còn phải nghe những câu trả lời về Việt Nam như vậy nữa. Chưa chắc chúng ta thành công, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ đánh động được nhiều người, để mọi người cùng quan tâm đến hai chữ Việt Nam hơn. Đã từ lâu rồi người ta quen vỗ ngực tự hào về cái mà người ta chưa bao giờ đóng góp một chút gì cho nó. Người ta quên rằng cũng như tình yêu, danh tiếng và niềm tự hào của một người hay của một dân tộc không phải mãi trường tồn… Người ta phải thường xuyên đầu tư cho nó… Và phải thực sự xứng đáng với nó…

Trần Nguyên (Nguồn: Sài gòn Tiếp thị)

Cùng chuyên mục