Đối phó với sự bất đồng

(hieuhoc_hieuhoc.com) Làm thế nào để đối phó với sự bất đồng? Cho dù cụm từ “không đồng ý” chẳng ngọt ngào cho lắm, nhưng nó rất cần thiết khi phải nói để công nhận sự thật và để khám phá các vấn đề thật khách quan và thấu đáo. Nhưng nếu bạn không biết cách thể hiện nhã nhặn thì sự bất đồng có thể phát sinh nhiều hậu quả đáng tiếc.

Xung đột là chuyện bình thường và đôi khi cần thiết của các mối quan hệ lành mạnh. Làm sao mà hai bên sẽ đồng ý về tất cả mọi thứ, mọi việc, mọi lần. Vì vậy, học cách làm thế nào để đối phó với sự bất đồng tốt hơn và quan trọng hơn là việc né tránh bất đồng.

Những phát ngôn thể hiện sự bất đồng nên tránh: “– Thật ngu xuẩn; – Đó là chuyện khờ khạo nhất mà tôi từng được nghe; – Tôi yêu cầu (những câu mệnh lệnh, cộc lốc); – Điều đó sai hoàn toàn; – Cách lập luận như vậy không logic chút nào; – Tôi hoàn toàn không đồng ý với những gì anh vừa trình bày; – Sao mà anh ngốc thế? …”

Đó là những cách thể hiện sự bất đồng vụng về, thô lỗ. Thay vì thế, bạn có thể chọn cách diễn đạt khác đi để cho biết mình không đồng ý mà vẫn không xúc phạm người đối thoại.

Khi không đồng ý với một quan điểm nào đó, hãy cư xử thật lễ độ và nhã nhặn, thay vì thô lỗ và khiêu khích. Bày tỏ bất đồng một cách nhẹ nhàng, lễ độ không chỉ hiệu quả hơn mà điều quan trọng là cách thể hiện này thật đẹp.

Nên thể hiện bằng cách nói như: – Tôi không dám chắc mình hiểu đúng lập luận của anh…; – Có thể có một cách khác để nhìn nhận vấn đề này…; – Đó không phải là quan điểm duy nhất về vấn đề này; – Còn khả năng thứ 2 như thế này thì sao?; – Tôi nghĩ mình có đôi chút nghi ngờ về kết luận của anh; – Có thể là như vậy, mà cũng không hẳn là như vậy…; – Tôi có thể nghĩ đến một cách giải quyết khác…

Những nguyên nhân thường dẫn đến sự bất đồng. Ngoài ra, hiểu được những nguyên nhân thường dẫn đến việc bất đồng cũng giúp chúng ta dễ cảm thông với quan điểm hay ý kiến người khác. Nguyên do bất đồng thường là:

– Lập luận sai về mặt logic.

– Diễn dịch sai lệch: Vì có nhiều khả năng diễn dịch khác nhau cho một vấn đề.

– Định kiến, cố chấp: là cách nhìn nhận sự vật trong một giới hạn nhất định nhằm chứng minh cho một ý tưởng đã có sẵn. Ví dụ, khi một bà vợ phát hiện chồng mình ngoại tình, người phụ nữ bị phản bội này chỉ khăng khăng nhớ lại những chi tiết không hay trong quá khứ như để củng cố nghi ngờ là người chồng chưa hề yêu thương mình thật lòng.

Định kiến và thành kiến là nguyên do thường gặp nhất khi phát sinh bất đồng. (Đầu óc chúng ta chỉ có những khuôn mẫu nhất định và rồi chúng ta chỉ chú ý đến những gì nằm vừa gọn trong khuôn mẫu đó. Định kiến về chủng tộc là một ví dụ cụ thể).

– Cảm xúc trói buộc: cảm xúc tiếp nối những định kiến, thành kiến, khiến những phản ứng tình cảm trước một sự kiện nào đó quyết định cách chúng ta nhìn nhận vấn đề.

– Những kinh nghiệm sống khác biệt

– Kiểu nói khái quát hoá, ước lượng mù mờ…

Vì thế, khi hiểu được những nguyên do và cảm xúc bất đồng, bạn sẽ dễ dàng bỏ được kiểu nói khẳng định chắc chắn khi đưa ra một quan điểm và dùng cách diễn đạt trung dung hơn, chẳng hạn: “Có khả năng là như vậy!”.

Điều quan trọng nhất là thoát khỏi định kiến, thành kiến cố hữu. Nếu bạn làm được điều này thì cả bạn và người đối thoại đều có thể tìm hiểu thêm về quan điểm đang bị bất đồng đó. (Cho dù người kia cố chấp thì sự khoan dung, cảm thông của bạn cũng có thể tạo nên sự đối thoại tích cực hơn).

Không để sự bất đồng quan điểm trở thành sự bất hoà

Khi có sự bất đồng, bạn đừng vội vàng tức giận quát mắng hay khẩu chiến. Cũng có người chọn cách im lặng, dù đã biết rõ mười mươi nhưng vẫn “bình thản”, ngoài mặt tỏ vẻ hòa hoãn nhưng đằng sau thì âm thầm tìm cách trả đũa. Thực tế, đó không phải là những lựa chọn khôn ngoan, cách cư xử đó chỉ khiến mọi người có cái nhìn không hay về bạn và nhiều khi bạn sẽ gặp phải những rắc rối bởi sự thù hiềm.

Sự bất đồng quan điểm có thể mang tính tích cực khi nó khiến cho mọi người phải phải kiểm tra lại ý kiến và quan điểm của mình. Đôi khi, sự bất đồng quan điểm còn có tác dụng tốt, làm thay đổi tư duy và tạo ra đối thoại trên quan điểm cùng có lợi. Trong khi nguyên nhân của sự bất hoà thường nằm ở những điều xảy ra đã lâu. Do những bất đồng khi không được giải quyết nhanh chóng, tích luỹ theo thời gian và nuôi dưỡng sự bất đồng trở thành chống đối, bất hòa, thậm chí mang tính phá huỷ, thù hiềm.

Tóm lại, khi có sự bất đồng ý kiến, bạn nên tìm hiểu nguyên do, tránh định kiến (cố chấp) để xóa bỏ hiểu lầm. Lúc tranh luận nên chân thành, nhẹ nhàng, không vì bất đồng mà từ bỏ tình bạn. Nếu gặp tình trạng “chiến tranh lạnh”, bạn hãy tạm thời kéo dài khoảng cách (nhưng không để quá lâu), thời gian và sự thật sẽ chứng minh ai đúng ai sai và tránh làm bất đồng trở nên nặng nề hơn.

Văn Nghi (hieuhoc_hieuhoc.com)


Bài liên quan

Kiềm chế cảm xúc trong quan hệ giao tiếp.

(hieuhoc_hieuhoc.com) Sự thông minh là điều quan trọng tạo nên thành đạt cho một con người, nhưng khả năng kiềm chế cảm xúc mới là điều quan trọng nhất. Bởi những hành vi bốc đồng, khả năng tập trung và cưỡng lại ham muốn nhất thời cũng như sự chấp nhặt, tức giận, bất ổn… trong quan hệ giao tiếp có tác động rất lớn đến mức thu nhập và địa vị xã hội.   

Học cách giao tiếp: Kiên nhẫn lắng nghe

(hieuhoc_hieuhoc.com) Giao tiếp là một nghệ thuật, trong đó biết cách lắng nghe là một kĩ năng quan trọng, nó quyết định sự thành bại của bạn trong giao tiếp. Kiên nhẫn lắng nghe chính là biểu lộ sự đồng cảm của bạn, tăng cường sự cảm thông và là cách tạo ấn tượng tốt nhất đối với hầu hết mọi người 

Cùng chuyên mục