Độc đáo nghề vẽ tranh bằng… chỉ

Để bắt đưa được cái hồn vào bức chân dung không dễ, dù tay nghề điệu nghệ đến đâu thì việc phải tháo ra, thêu lại cũng là bình thường…

Chân dung Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều bức họa nổi tiếng thế giới… được trưng bày trang trọng trong căn biệt thự đẹp “nhất nhì” thôn Khoái Nội (xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) khiến bất kỳ ai khi đến thăm đều trầm trồ khen ngợi. Cũng như mọi du khách, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, thán phục trước nét “vẽ” bằng chỉ vô cùng tinh xảo, sống động của nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự…

Nhất nghệ tinh

Hơn 10 năm trước, chúng tôi đã có dịp tiếp xúc với nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự. Nay gặp lại, ông đã già đi nhiều nhưng vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn và đặc biệt sôi nổi khi giới thiệu về nghề thêu tay đã gắn bó với ông hơn 60 năm… Trong phòng khách của gia đình là cả một không gian nghệ thuật đặc sắc. Đôi mắt nàng Mona Lisa trên tường hướng ánh nhìn bí ẩn như mỉm cười nhận ra hai vị khách đã từng gặp từ năm 2005, khi bức tranh vừa hoàn thành. Vừa pha trà, ông Sự vừa nói như thấu hiểu: “Nhiều người ngỏ ý muốn mua, có người trả giá hơn 300 triệu đồng cho bức chân dung nàng Mona Lisa này rồi mà tôi không nỡ bán. Có lẽ còn quyến luyến, nặng tình vì hơn hai năm mải miết từng đường chỉ với nàng…”.

Từ thuở đôi mươi, “tay thêu” Nguyễn Quốc Sự đã nức tiếng gần xa. Nay tuổi ông đã ngoài thất thập, con cháu đề huề, thành đạt… nhưng niềm đam mê như thấm sâu trong từng tế bào khiến ông không thể rời xa khuChuyện nghề của ông dắt chúng tôi như bước vào một thế giới nghệ thuật độc đáo: Có hình ảnh ong thợ cần mẫn thoăn thoắt những đường kim mũi chỉ; Có tri thức dẫn đường đi từ sáng tạo này đến sáng tạo khác… Ông đến với nghề rất tự nhiên như bao người con của vùng quê có duyên lành được Tổ nghề Lê Công Hành truyền dạy từ hơn 300 năm trước. Với sự đam mê, người thợ trẻ Nguyễn Quốc Sự đã vô cùng thuần thục, khéo léo với từng đường kim mũi chỉ khi nào không hay. Khi 17 tuổi (năm 1959), “tay thêu” Nguyễn Quốc Sự đã chính thức được vào làm ở HTX Thêu tay Hợp Tiến. Thấy vẫn chưa đủ để làm nghề, chàng thanh niên Nguyễn Quốc Sự lại quyết tâm đi học ở Trường Dạy nghề mỹ nghệ. Chính việc học hội họa đã trang bị cho ông kiến thức và nguyên lý căn bản “thổi hồn” vào tranh. Vì vậy, tranh thêu của ông, dù là chân dung hay phong cảnh đều rất sống động, từ gương mặt, ánh mắt, nụ cười của nhân vật đến cỏ cây, hoa lá, dòng sông, con suối…

Nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự truyền nghề cho thế hệ trẻ.

Bằng niềm đam mê, sự kiên trì, sáng tạo và nghiêm khắc trong lao động, ông sớm gặt hái nhiều thành công. “Dấu son” đầu tiên là năm 1972 khi ông thêu bức tranh chân dung Bác Hồ. Nhờ sự thể hiện tài tình thần thái của Bác, bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do ông thêu được đánh giá cao trong giới nghệ thuật và người yêu tranh… Từ đây, ông tiếp tục “gặt hái” nhiều thành tích: Huân chương Lênin (năm 1972); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng (năm 1977); Bằng khen “Tuổi trẻ sáng tạo” (năm 1977); Huy chương Vàng cho những sản phẩm thêu tay đặc sắc (năm 1983). Năm 2000, Đài Truyền hình Nhật Bản NHK sản xuất chương trình về ông và cơ sở thêu. Năm 2008, ông được mời tham dự triển lãm tại Takashimaya – trung tâm thương mại lớn ở thành phố Ykohama (Nhật Bản)… Hơn thế, nghề thêu đã mang lại cho gia đình ông sự sung túc và tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho rất nhiều người ở “đất thêu” Thường Tín.

“Tuy lâu mà bền, tuy khó mà vững”

Trải qua bao thăng trầm của thời cuộc, ảnh hưởng ít nhiều từ sự biến động của nền kinh tế, đã có lúc tưởng chừng dòng tranh thêu không “trụ” được. Ông trải lòng: “Hiện nay, nghề thêu tay đang đối mặt với nhiều thách thức, có nguy cơ “lép vế” trước “cơn lốc” công nghệ, bởi chỉ cần một “nút bấm” là hàng loạt sản phẩm ra đời… Bên cạnh đó, lớp trẻ ngày càng năng động. Nhiều cơ hội làm kinh tế hiệu quả hơn khiến họ ít hoặc không quan tâm đến nghề truyền thống vốn đòi hỏi nhiều công đoạn thủ công kỹ tính; hơn nữa, thị trường tiêu thụ cũng gặp không ít khó khăn bởi sản phẩm thêu tay rất “kén” khách! Dù vậy, tôi tin rằng với sự độc đáo của sản phẩm thủ công tinh xảo, chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa, tinh thần dân tộc, đặc biệt là phản ánh phẩm chất chịu thương chịu khó của người Việt thì tranh thêu tay sẽ luôn được thế giới trân trọng”.

Suy tư về tương lai của nghề, giọng ông trầm hẳn xuống: “Điều tôi trăn trở nhất là nghề quý của cha ông sau này không có chỗ đứng, bởi với nghề này, bên cạnh tố chất tài hoa, rất cần sự đam mê, tâm huyết, thậm chí là đức hy sinh… Tôi đang cố gắng giữ nghề bằng cách truyền lại cho con cháu và lớp trẻ quanh vùng”. Được biết, hiện nay, 10 người con cả trai, gái, dâu, rể của ông đều rất lành nghề. Ông còn tận tình dạy nghề, truyền bí quyết cho hàng trăm người từ khắp vùng trong cả nước có nhu cầu học nghề. Ông truyền cho lớp thợ trẻ sự trân trọng và tri ân nghề bằng quan niệm: “Tổ nghề đã truyền cho cách kiếm ăn. Tuy lâu mà bền, tuy khó mà vững. Với nghề này, không được thỏa mãn mà cần tiếp tục học hỏi. Bản thân tôi vẫn đang học việc. Bàn tay, khối óc con người hơn máy móc, công nghệ ở chỗ truyền tải được cảm xúc, thần thái vào mỗi bức tranh. Vì vậy, phải tập trung cao độ, không ngừng sáng tạo để bắt nhịp với thời đại…”.

Với tâm nguyện đó, ông Sự động viên con cháu liên tục theo dõi, cập nhật xu thế thị trường và thị hiếu thẩm mỹ khách hàng để tiếp tục phát triển nghề thêu. Bên cạnh duy trì dòng tranh nghệ thuật cho các đơn đặt hàng từ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ…, sản phẩm còn được giới thiệu và bán cho người sành nghệ thuật và du khách quốc tế ở hai cửa hàng: 21B Lý Quốc Sư và 107B Nguyễn Thái Học (Hà Nội). Không chỉ thế, nắm bắt trào lưu họa tiết thêu tay tạo cá tính cho trang phục đang được nhiều người yêu thích, gia đình ông đã có thêm sản phẩm mới là các loại áo phông, khăn tay, túi, ví… có sẵn hình thêu tay đẹp, độc đáo…

Lòng đam mê, nhiệt huyết và sự trân quý đặc biệt đối với nghề, nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự cùng các thế hệ tiếp theo vẫn đang đắm đuối với từng mũi kim, sợi chỉ và đó là cơ sở để chúng tôi tin rằng nghề thêu tay nơi đây sẽ ngày càng phát triển, trường thịnh.

Theo Minh Bắc – Vân Nga (Báo Hà Nội Mới)

Bài liên quan

Nghề vẽ tranh Noel nhà hàng

Nhìn những bức tranh Noel được trang trí rất bắt mắt trên các tấm cửa kính của một số khách sạn, nhà hàng, quán cà phê… khó ai nghĩ được rằng đó là những tác phẩm của một nhóm sinh viên Mỹ thuật Huế

Nghề vẽ phun sơn (Airbrush)

(Hiếu học) Airbrusher hiểu nôm na là thợ vẽ hay họa viên phun sơn, nghệ thuật trang trí hiện đại nhất trên thế giới hiện nay. Sở hữu kỹ năng vẽ airbrush, bạn sẽ thỏa thích trổ tài trên mọi loại bề mặt, từ trang trí tường nhà, mặt tủ áo, tủ lạnh, tủ bếp, hay ngầu hơn là vẽ trên xe hơi, xe máy và phổ biến nhất là trang trí mũ bảo hiểm, laptop, điện thoại di động... 

Làm tranh từ vật liệu tự nhiên

Ba bạn trẻ không cùng ngành học nhưng chung ý tưởng độc đáo: kinh doanh sản phẩm từ phế phẩm. - “Khi cầm trong tay những đồng tiền thu về từ bức tranh đầu tiên bán được, bọn mình đã ôm chặt lấy nhau bật khóc” – Huyền Chi nhớ lại giây phút cảm động khó quên. 

Làm tranh từ gạo

Từ những hạt gạo, Nguyễn Cao Trí đã tạo ra một dòng tranh gạo mang diện mạo mới cho nghệ thuật tranh Việt

Cách làm tranh cuốn Hoa anh túc

Nghệ thuật cuốn giấy là một loại hình nghệ thuật độc đáo, sáng tạo. Kỳ này, Hiếu Học giới thiệu với các bạn cách làm Hoa anh túc theo nghệ thuật cuốn giấy: Dùng giấy màu cắt thành sợi nhỏ, cuộn lại rồi khảm, dán vào nền tạo thành vật phẩm.  

Cùng chuyên mục