Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10: Doanh nhân Việt Nam tự tin bước ra thế giới. – Với vốn ngoại ngữ tốt, tri thức, bản lĩnh thương trường, sự tự tin, các doanh nhân Việt Nam ngày càng hội nhập với doanh nhân thế giới. Hình ảnh các doanh nhân Việt Nam tự tin diễn thuyết, tự tin đặt vấn đề và trả lời các hãng thông tấn nước ngoài trong các diễn đàn kinh tế lớn ngày càng nhiều.
Thích đối thoại trực tiếp
Nói tiếng Anh tốt, thẳng tính và không ngại trả lời, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á diễn ra ở TPHCM hồi tháng 6 vừa rồi, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn đầu tư Sài Gòn (SGI) tự tin diễn thuyết và trả lời chất vấn người dẫn chương trình kỳ cựu của các tạp chí kinh tế nổi tiếng thế giới bằng tiếng Anh trước sự quan sát của hàng trăm lãnh đạo các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hình ảnh doanh nhân Việt Nam đã được thêm một điểm cộng trong mắt các đại biểu tham dự diễn đàn lần đó.
Phần lớn thời gian là ngồi trên máy bay. Bước xuống máy bay là vào thẳng các cuộc họp. Người đứng đầu SGI gồm 5 công ty thành viên nòng cốt là Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC), Công ty CP công nghệ viễn thông Sài Gòn (SGT), Ngân hàng Thương mại CP Nam Việt (Navibank), Ngân hàng Thương mại CP Miền Tây (Westernbank) và Công ty CP khoáng sản Sài Gòn – Quy Nhơn luôn quay cuồng giải quyết hàng núi công việc nội bộ. Thế nhưng, việc gặp gỡ, thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ông Tâm thường trực tiếp thực hiện.
Nếu như nhiều doanh nhân Việt Nam còn “ngại” tham gia các hội nghị lớn trên thế giới vì vốn ngoại ngữ hạn chế, còn thiếu tự tin thì ngược lại, đây lại là cơ hội để ông Đặng Thành Tâm tiếp cận, tìm kiếm các cơ hội hợp tác, làm ăn cho công ty.
“Có chương trình tầm cỡ như Diễn đàn Kinh tế thế giới thường niên ở Davos, Thụy Sĩ, nhiều doanh nghiệp “khủng” đổ về, đó là cơ hội không thể bỏ qua. Tháng 1/2011 tới đây, tôi được mời tham dự chính thức và sẽ tham gia đối thoại trực tiếp. Thực ra, nhiều doanh nhân Việt Nam cũng rất muốn tham dự, nhưng do khả năng tiếng Anh hạn chế nên đành bỏ lỡ cơ hội. Ở đó, người ta không chấp nhận phiên dịch, phải giao lưu trực tiếp”, ông Tâm cho biết.
Trong lĩnh vực tài chính, bà Đàm Bích Thủy, Tổng giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam là nữ lãnh đạo người Việt Nam có vị trí cao nhất trong các doanh nghiệp xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay và là một điển hình cho thế hệ doanh nhân Việt Nam toàn cầu.
Vóc dáng nhỏ bé nhưng bà Đàm Bích Thủy xuất hiện ở các buổi hội thảo, tọa đàm trong và ngoài nước đầy tự tin, mạnh mẽ, chuyên nghiệp…
Với quan điểm “người nước ngoài làm được thì ta cũng làm được” do đó đội ngũ nhân sự của ANZ dưới “triều đại” của bà Thủy được “nội địa hóa”, hầu hết là người Việt Nam. Trong suốt thời gian làm việc cho ANZ, đặc biệt ở nước ngoài, bà Thủy nhận xét người nước ngoài đánh giá cao những phẩm chất tiêu biểu của người Việt Nam như kiên nhẫn, lòng quyết tâm, tự trọng và ham học. Những phẩm chất này cũng là những yếu tố giúp bà Thủy đến sự thành công của ngày hôm nay.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, 6 năm học Fulbright và sang Mỹ học M.B.A tại trường Kinh doanh Wharton cộng thêm 10 năm làm việc tại Ngân hàng Đầu tư ANZ có trụ sở tại Singapore đã tạo nên tính cách mạnh mẽ của nữ Tổng giám đốc Đàm Bích Thủy.
Với cương vị tổng giám đốc nữ Việt Nam, bí quyết lãnh đạo của bà Đàm Bích Thủy rất đơn giản: “Đối xử với người khác như cách mình muốn được đối xử. Lãnh đạo mọi người với cách mình muốn được lãnh đạo”.
Người có công đưa các nhà kinh tế hàng đầu thế giới đến Việt Nam
Cha đẻ của marketing hiện đại Philip Kotler năm 2007, cha đẻ của chiến lược cạnh tranh – giáo sư ĐH Harvard – Micheal Porter năm 2008 và rồi năm 2009 Paul Krugman, người sở hữu giải Nobel kinh tế, lần lượt đến Việt Nam để diễn thuyết.
Giản Tư Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty PACE, hay còn gọi là trường PACE, chính là người có công trong việc tìm kiếm đầu mối quan hệ để thuyết phục các chuyên gia đầu ngành của thế giới này đến Việt Nam và chia sẻ thông tin với cộng đồng doanh nghiệp trong nước.
“Các vị này không biết chúng tôi là ai, nên chúng tôi phải đặt quan hệ từ một mối quan hệ thứ ba. Nhờ mối quan hệ thứ ba đó tác động, sau đấy chúng tôi mới bắt đầu làm việc với nhau. Các cuộc trao đổi thường rất căng thẳng và khó khăn để các vị này chấp nhận lời mời”, ông Trung kể.
Ông Trung phải thường xuyên nối liên lạc với những chuyên gia kinh tế nói trên để trao đổi kế hoạch. Khi đến Việt Nam, ông Trung cũng là người bên cạnh các chuyên gia trong các cuộc họp báo hay trong chương trình hội nghị chính thức.
“5 – 7 năm trước, khi nói về những chuyên gia này, chúng tôi thấy họ thật xa xôi và xem họ như thần thánh. Nhưng toàn cầu hóa đã đưa chúng ta xích lại gần nhau hơn, tự tin hơn với thế giới bên ngoài”, ông Trung bình luận.
Theo ông Trung, doanh nhân Việt Nam ngày nay nhiều người rất giỏi, có tâm thế của một doanh nhân toàn cầu cả về tư duy.
“Có những doanh nhân chỉ kinh doanh ở Việt Nam, nhưng tư duy lại toàn cầu. Đó là tư duy kinh doanh dựa vào tri thức, chứ không phải dựa trên các mối quan hệ hoặc kinh doanh dựa vào nhân công giá rẻ, gia công giá trị gia tăng thấp… Có thể nói, từ năm 1986 – 2006, đối với doanh nhân Việt là đổi mới, từ 2006 – 2010 là hội nhập và từ nay trở đi là đua tranh. Đua tranh chính là tâm thế quan trọng nhất của doanh nhân toàn cầu”, ông Trung phát biểu.
Có những doanh nhân tự mình ra nước ngoài tìm kiếm đơn đặt hàng để phát triển doanh nghiệp; Có nữ doanh nhân xây dựng doanh nghiệp lớn mạnh lọt vào danh sách các doanh nghiệp lớn nhất châu Á; Những doanh nhân ấp ủ ước mơ xây dựng thương hiệu Việt toàn cầu… Có thể nói, một thế hệ doanh nhân mới đầy tự tin đang được định hình rất rõ ở Việt Nam. Đó chính là thế hệ doanh nhân toàn cầu hiện nay của Việt Nam.
Theo Báo Thanh Niên