(Hiếu học). Biết là doanh nhân với công việc bề bộn đương nhiên không thể là vận động viên leo núi. Nhưng ngồi yên, kém vận động, đồng nghĩa với việc chờ bệnh đến gõ cửa.
Khỏi cần làm thống kê chi cho nhiêu khê, cũng biết không ít doanh nhân là miếng mồi ngon của bệnh tiểu đường từ khi thầy thuốc phát hiện một trong những nguyên nhân hàng đầu của căn bệnh quái ác này là stress!
Đáng tiếc là nhiều người chưa biết một phần quan trọng của lượng đường trong máu được điều chỉnh để trở về định mức bình thường sau bữa ăn là nhờ vận động của bắp thịt. Cơ bắp càng co duỗi thì lượng đường trong máu càng được huy động nhanh vào tế bào để rồi sau đó được đốt cháy qua tiến trình biến dưỡng nhằm sinh năng lượng để gia chủ tùy nghi sử dụng.
Chính vì thế mà lực sĩ thể hình phải ăn nhiều để có đủ chất đường, đủ năng lượng cho công việc cử tạ. Doanh nhân cũng cần ăn ngọt để tính toán ngược xuôi trong thời buổi củi quế gạo châu, lại thêm lãi suất ngân hàng thay đổi như chong chóng.
Ngược lại, càng ngồi yên thì chất đường trong máu dễ tăng cao, nhất là khi hệ vận động ít nhiều phải suy giảm về khối lượng do tuổi đời chồng chất, hay dù gia chủ tuy còn trẻ nhưng cương quyết nói không với thể dục thể thao.
Do đó, không chỉ người bệnh tiểu đường, mà người muốn phòng bệnh này cần phải vận động nhiều hơn, thường xuyên hơn, tất nhiên trong mức độ nào đó phù hợp với thể trạng của mỗi đối tượng cá biệt, để đốt được chút đường thừa nào trong máu hay chút nấy.
Không chỉ có thế. Kết quả của nhiều công trình nghiên cứu trong ít năm gần đây đã đồng thanh xác minh vận động là biện pháp hữu hiệu để chống bệnh trầm uất; làm hưng phấn khả năng hội nhập cộng đồng; ổn định chức năng tư duy, cụ thể là khả năng tiếp thu và diễn giải; tăng cường hoạt tính của tụy tạng và nội tiết tố insulin; cải thiện chức năng của hệ tuần hoàn; chống tăng chất mỡ trong máu; ngăn ngừa tình trạng loãng xương và trì hoãn hiện tượng thoái hóa của cơ khớp…
Tất cả những điểm vừa nêu cũng chính là vấn đề cốt lõi trong cuộc sống của doanh nhân. Không lạ gì khi nhiều chuyên gia về stress đã không ngần ngại xếp biện pháp vận động ngang hàng với thuốc đặc hiệu. Thầy thuốc nhiều kinh nghiệm với bệnh thời đại đều rõ là thuốc có tốt đến đâu cũng khó đạt được hiệu quả như mong muốn nếu người bệnh ngồi yên đợi đến giờ uống thuốc.
Tất nhiên không dễ thay đổi thói quen khi cuộc sống văn minh khiến con người làm biếng vận động. Biết là doanh nhân với công việc bề bộn đương nhiên không thể là vận động viên leo núi. Nhưng ngồi yên đồng nghĩa với việc chờ bệnh đến gõ cửa. Ngược lại, mượn tác dụng tiêu hao năng lượng qua vận động của bắp thịt để đường huyết đừng vượt quá định mức bình thường là biện pháp hữu ích để phòng chống bệnh tiểu đường.
Mặt khác, không nên vì thế cường điệu để vận động thể dục thể thao biến thành con dao hai lưỡi. Tập kiểu nào cũng được, dượt bao lâu tùy người, miễn là chậm rãi và an toàn, cốt sao cho đừng mệt sau buổi tập vì tụt đường huyết, miễn là vui mỗi lần bước vào buổi tập. Vận động cho dù có khó khăn ít nhiều dù sao vẫn vui hơn cảnh đến lúc nào đó phải cắn răng nhanh chân đến… phòng khám!
Nói xa rồi cũng nên nói gần. Đánh lén bao giờ cũng khó đỡ. Theo thống kê đã được thực hiện qua xét nghiệm nước tiểu cho hơn 200 đối tượng ở TPHCM, không dưới 20% trong số đó đã và đang bị bội nhiễm đường tiết niệu nhưng không có biểu hiện trên lâm sàng. Bệnh nhân vì thế không biết. Con số nạn nhân của viêm bàng quang ở nữ giới cao hơn ở phái mạnh do nhược điểm về mặt cơ thể học với ống dẫn tiểu ngắn hơn.
Điểm đáng nói hơn nữa là nhiều người tuy mệt mỏi, tiểu rát, tiểu són, vừa mới tiểu xong lại có cảm giác mắc tiểu… nhưng không đến thầy thuốc vì cho là bệnh không có gì nghiêm trọng. Đúng ở điểm là bệnh thường thuyên giảm cho dù có dùng thuốc qua loa. Nhưng bệnh chắc chắn sẽ tái phát, càng lúc càng thường xuyên hơn và mỗi lần như thế là một lần sức đề kháng bị đục khoét. Viêm bàng quang chỉ là điểm bắt đầu.
Nhiều người vẫn tưởng hễ viêm là do nhiễm, nếu không vi khuẩn thì cũng siêu vi hay do nấm mốc nào đó. Không sai nhưng không hẳn lúc nào cũng đúng. Không ít trường hợp viêm bàng quang thường không do nhiễm khuẩn mà chỉ là một phản ứng sai lầm của cơ thể, đặc biệt với việc thay đổi nhiệt độ. Viêm bàng quang vì thế là bệnh chứng thường gặp khi ngoài trời quá oi bức, hay ngược lại khi trời bất ngờ trở lạnh, ở người phải làm việc trong môi trường ô nhiễm, ở đối tượng phải dầm mưa dãi nắng.
Cũng vì định kiến hễ viêm là nhiễm nên nhiều nạn nhân bị điều trị bằng thuốc kháng sinh một cách oan uổng vì không cần thiết. Tình trạng này đương nhiên càng trầm trọng hơn nữa ở nước mình khi nhiều bệnh nhân do quá ớn cảnh chờ đợi trong phòng khám, bệnh viện quá tải nên quyết định tự điều trị theo cách ra nhà thuốc tự chọn như người ăn buffet! Không lạ gì khi nước ta đang trở thành một trong những trung tâm hàng đầu thế giới về lờn thuốc kháng sinh!
Thực trạng đó nghiêm trọng hơn nữa nếu các bệnh gắn liền với viêm, như viêm bàng quang, viêm xoang…, tiếp tục bị hiểu lầm như bệnh lúc nào cũng do bội nhiễm! Viêm thì đúng là không nhiều thì ít phải đỏ, đau, sưng, nóng. Nhưng nguyên nhân của viêm bàng quang lại thường do… lạnh! Đáng nói hơn nữa là nếu từ đó đoán mò là do lạnh bụng dưới thì lầm. Người dễ bị viêm bàng quang là người hay bị lạnh… chân! Lạnh đây là do giảm nhiệt, lạnh đề cập ở đây không liên quan đến chuyện miệng hùm gan sứa!
Nhiều điểm trên lòng bàn chân là vùng kích ứng phản xạ hai chiều của bàng quang. Cảm giác lạnh dưới lòng bàn chân, chẳng hạn ở người phải ngồi bó gối nhiều giờ trước bàn viết, lại thêm huyết áp thấp nên thiếu máu đầu chi, hay ở người phải chịu trận với đôi vớ ẩm ướt trong văn phòng máy lạnh đóng kín cửa, là nguyên nhân gây phản ứng viêm tấy trên niêm mạc của nhiều vùng trong cơ thể. Trong số đó bàng quang là ứng viên hàng đầu với sự tiếp tay của lượng nước tiểu ứ đọng trong bàng quang nếu nạn nhân vừa cảm lạnh, vừa uống ít nước, lại thêm nín tiểu.
Không có gì khó hiểu nếu viêm bàng quang được xếp vào nhóm “bệnh đô thị”, vào “hội chứng văn phòng cao ốc”, vào thể loại bệnh lý thường gặp của người ham việc đến quên… bàng quang! Nói cách khác, nếu biết cách giữ chân cho ấm, uống nước cho đủ trong giờ làm việc và xả xú bắp đều đặn thay vì ép bàng quang “sống chung với lũ” thì bàng quang khó viêm.
Xét lại cho cùng, muốn tránh thầy thuốc thì đừng ngồi lì như đóng đinh trong lúc làm việc. Cần gì phải đợi đến viêm bàng quang, hay bệnh tiểu đường, ngồi hoài một chỗ quá lâu chính là nguyên nhân khiến nạn nhân có lúc rồi phải đứng ngồi không yên, không vì bàng quang kiếm chuyện, mà vì bàng quan thiên hạ đàm tiếu! Chuyện đời xưa nay vẫn thế.