Kinh doanh dường như là cái nghiệp, cái duyên của một ai đó. Và khi đi vào con đường doanh gia, buộc họ phải trau dồi rất nhiều kỹ năng của thương trường. Doanh nhân học ở mọi lúc mọi nơi, học trước khi khởi nghiệp, khởi nghiệp rồi mới học, vừa kinh doanh vừa học và thậm chí phá sản rồi mới đi học… Đã mang cái phận doanh nhân là phải tự học suốt đời.
Những bạn trẻ ngày nay xác định khởi nghiệp theo con đường doanh thương luôn ý thức được cần phải trau dồi, học hỏi kiến thức kinh doanh bài bản. Những doanh nhân trẻ như Nguyễn Minh Trí hay Huỳnh Phương Thảo, họ có cơ hội và điều kiện để học tập tốt hơn so với thế hệ doanh nhân đi trước. Nhờ đó các bạn trẻ này đã sớm thành công và bắt nhịp được với thời cuộc. Nhưng ở họ vẫn không ngừng trau dồi, học tập không ngừng…
Dường như có một nét chung đặc biệt ở thế hệ doanh nhân Việt 7X trở về trước. Phần đông họ phải kinh qua nhiều chặng đường mới tìm thấy được cái duyên, cái nghiệp của mình. Không ít những câu chuyện, những bài báo viết về doanh nhân thành đạt không phải là những người được đào tạo bài bản về kinh doanh hay được sinh ra trong một gia đình truyền thống doanh thương. Những doanh nhân này đã phải tự học rất nhiều để chèo lái con thuyền doanh nghiệp của họ vững vàng như ngày hôm nay. Họ đã học ngay trong chính trường đời, từ những thất bại và thành công của chính bản thân, của bạn bè và đối tác.
Con đường khởi nghiệp của Tổng giám đốc công ty tư vấn lớn nhất của Việt Nam Invest Consult Group, ông Nguyễn Trần Bạt có thể xem như là minh chứng cho sự học đầy thách thức và khó khăn mà mỗi doanh nhân gặp phải khi mang phải phận doanh thương. Không ai ngờ được cậu bé bán nước chè dạo ngày trước ở ga Hàng Cỏ, trở thành anh lính cụ Hồ, rồi tốt nghiệp đại học thành anh kĩ sư xây dựng bậc cao, nhưng kinh qua rất nhiều chặng đường gian nan lại bén nghiệp với chốn thương trường, mà lại chọn cho mình lĩnh vực hoàn toàn xa lạ với Việt Nam lúc đó. Là người tiên phong, nên cái gì cũng phải học. “Mò mẫm, mày mò học từ trong nước, lặn lội, lang thang trời Tây để học cái mình chưa biết, mình còn thiếu…Học từ những điều nhỏ nhất. Thậm chí có lúc phải liều, phải “nhảy vào lửa” để học cái mình cần…”, ông Bạt chia sẻ. Phải thực sự là người trong cuộc mới thấm thía hết được những gian nan, nhọc nhằn, khó khăn mà ông Bạt đã trải qua để có được vị thế như ngày hôm nay.
Khi công ty đã có chỗ đứng trên thương thường thì sự học lại càng phải gắn chặt hơn nữa với doanh nhân. Vừa kinh doanh vừa học. Học không phải để “lấy oai” với nhân viên và bạn bè mà học để “lột xác tư duy”, học để biết mình đang ở đâu. Thời WTO, không học thì không thể phát triển doanh nghiệp được. Với tâm niệm đó, hàng ngày nhân viên vẫn thấy giám đốc Hoàng, một giám đốc của công ty TNHH chuyên về máy tính ở tận Bình Phước miệt mài vượt hơn 100km về TP.HCM học lớp giám đốc điều hành.
Cũng như ông Hoàng, doanh nhân Trương Minh Châu, chủ cơ sở Lilico (chuyên sản xuất tủ nhôm, cửa kính ở quận 10, TP.HCM), cho biết năm sau ông sẽ nâng tầm công ty nên bây giờ đang đi học lớp CEO. Ông Châu đúc kết: “Khi cánh cửa hội nhập mở ra tôi đã nhận thấy nhiều cơ hội, nhưng nói thật mình đã quen “đánh du kích” rồi, bây giờ vươn vai là dễ bị… phá sản. Phải giã từ cách “đánh du kích” thôi. Đi học khiến tôi định hình được một mô hình doanh nghiệp”.
Nhưng có người kinh doanh thất bại rồi mới đi học. Dù biết là muộn nhưng phải học để đứng dậy sau những thất bại. Năm 2000, anh Nguyễn Thế Hiền rời Trường đại học Mỹ thuật, sáu năm sau đó anh đã đầu quân cho công ty xây dựng và dịch vụ nhà. Nhưng rồi thấy bạn bè ai cũng đua nhau mở công ty riêng, anh gom tiền tiết kiệm và tiền gia đình hỗ trợ được gần 1 tỉ đồng, hoạch định chiến lược làm ăn mới. Và Công ty Việt Phát chuyên thiết kế và thi công công trình đã ra đời trên chiến lược đó.
Là dân kỹ thuật, một chữ cắn đôi về kinh doanh anh Hiền cũng không biết. Anh cứ chỉ đạo nhân viên ào ào làm nhưng càng làm vốn càng cạn dần mà lợi nhuận thì không thấy đâu…Gồng gánh được hơn 1 năm, thì vốn đã cạn, dự án tìm vàng mắt cũng không thấy, anh đành buông tay công bố công ty phá sản. Gần 1 tỉ đồng tan biến mà không biết nguyên nhân vì sao…Gặp gỡ bạn bè cùng trang lứa, người ta khuyên anh nên đi học một khóa học bài bản về kiến thức kinh doanh để đứng dậy sau thất bại. Và anh đã nghe theo lời khuyên của những người bạn chân thành đó…Trải qua những buổi phân tích tình huống thực tế trong kinh doanh tại các buổi học, anh Hiền mới ngộ ra rằng: thất bại trong kinh doanh của anh là điều đương nhiên.
“Bây giờ tôi mới nhìn thấy trước đây mình đã đi ngược quy trình. Chưa có đầu vào, chưa xây dựng được mối quan hệ, chưa hoạch định được chiến lược đã xây dựng một bộ máy nhân viên cồng kềnh nhưng làm việc thì không hiệu quả.” Càng học anh Hiền càng nhận ra mình trước đây “là một doanh nhân liều, không biết bơi cũng gắng bơi, kết cục là không chết đuối nhưng uống nước no nê”…
Khác với mọi người, sự học là một con đường thẳng. Nhưng sự học của doanh nhân lắm đường nhiều ngả, nhiều quanh co và cái được cái mất luôn luôn song hành. Đã mang cái phận doanh nhân là phải tự học suốt đời.
Theo: Muôn nẻo đường doanh nhân đến với sự học (Tamnhin)