Đo phóng xạ trong không khí bằng cách nào?

Mây phóng xạ từ Nhật đến Việt Nam có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe dân chúng? Bằng cách nào để phát hiện có phóng xạ trong không khí? Cách phòng chống khi có sự cố rò rỉ phóng xạ? Phóng viên TNTS đã đến Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt để tìm hiểu và cung cấp đến bạn đọc những thông tin cần thiết nhất.

Đo phóng xạ trong không khí

Tiến sĩ Nguyễn Nhị Điền – Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt (NCHN) cho biết, muốn phát hiện phóng xạ có trong không khí hay không, phải có trạm quan trắc. Trong đó có thiết bị để hút không khí, hứng nước mưa, nước sương; thiết bị đo hướng gió, tốc độ gió… Các mẫu thu được từ các thiết bị trên được đưa vào phòng đo phóng xạ gồm nhiều hệ đo khác nhau để phân tích.

Ở VN hiện nay có 5 trạm quan trắc phóng xạ môi trường, trong đó Viện NCHN Đà Lạt đang quản lý 3 trạm ở Đà Lạt, Ninh Thuận và TP.HCM. Ở phía Bắc có 2 trạm ở Hà Nội và Lạng Sơn. Theo TS Nguyễn Nhị Điền, trạm quan trắc của Viện NCHN Đà Lạt có máy hút khí công suất lớn nhất cả nước 4.000m3/giờ (do Liên Xô trang bị trước đây); bên cạnh đó còn có máy hút khí công suất 100m3/giờ. Trong trạm quan trắc còn có thiết bị hứng nước mưa và sương mù rộng 2m2. Phòng đo phóng xạ của Viện NCHN hiện có khoảng 10 hệ đo khác nhau, giá mỗi hệ từ 100 nghìn USD đến 200 nghìn USD. Tháng 3.2011, Viện NCHN Đà Lạt mới nhập về hệ đo mới nhất từ Mỹ với giá 200 nghìn USD.

Thạc sĩ Trương Ý, Phó giám đốc Trung tâm môi trường (Viện NCHN Đà Lạt) cho biết, hơn hai tuần qua 8 cán bộ của Trung tâm phải làm việc ngày đêm, máy hút khí vận hành 24/24, một ngày quan trắc số liệu tại các trạm 4 lần vào lúc 1 giờ, 7 giờ, 13 giờ và 19 giờ. Muốn có số liệu chính xác, hằng ngày phải cử cán bộ về các trạm quan trắc ở Ninh Thuận và TP.HCM để lấy mẫu đưa về phòng đo phóng xạ phân tích cặn kẽ.

Tại phòng đo phóng xạ, thạc sĩ Trương Ý giới thiệu các mẫu thu từ không khí đưa từ các trạm quan trắc về được đưa vào buồng giảm phông, buồng này được bao bọc bằng chì và được nối qua hệ thống máy tính. Khi buồng giảm phông ghi nhận bước đầu có phóng xạ thì tùy loại phóng xạ, mẫu đó tiếp tục được chuyển đến hệ đo phù hợp để phân tích liều lượng. Thí dụ ngày 28.3 vừa qua số liệu phóng xạ và phông bức xạ gamma đo được trong không khí tại Đà Lạt gồm các đồng vị phóng xạ tự nhiên là Be-7 có nguồn gốc từ tia vũ trụ, K-40, Th-232 và U238 có nguồn gốc từ bụi đất; bên cạnh đó ghi nhận được đồng vị phóng xạ I-131. TS Nguyễn Nhị Điền cho biết: “I-131 là một i-ốt phóng xạ, những năm qua Viện NCHN Đà Lạt sản xuất loại đồng vị phóng xạ I-131 để cung cấp cho các cơ sở y tế chữa bệnh tuyến giáp rất hiệu quả, tuy nhiên nếu cơ thể con người hấp thụ một lượng I-131 nhiều quá thì sẽ gây tác hại”.

Trong phòng đo phóng xạ của Viện NCHN cũng vừa nhập về máy đo hoạt độ anpha, bêta mức thấp rất hiện đại, khi phát hiện mẫu đo có dấu hiệu phóng xạ thì ngay lập tức được chuyển qua phổ kế gamma phông thấp để phân tích các số liệu. Thực tế nhiều năm qua Trung tâm môi trường Viện NCHN Đà Lạt đã hợp tác với Vinacontrol giám định phóng xạ trong một số nông sản trước khi xuất khẩu.


Máy hút khí – Thiết bị hứng sương và nước mưa

Cách Phòng chống phóng xạ

Theo TS Nguyễn Nhị Điền, lượng đồng vị phóng xạ trong không khí được phát hiện tại Đà Lạt, Hà Nội, Lạng Sơn… thời gian qua là rất nhỏ so với giá trị giới hạn quy định trong TCVN 6866:2001 nên không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Tuy nhiên khi một cơ sở hạt nhân mà để rò rỉ phóng xạ thì tùy mức độ phóng xạ sẽ có biện pháp phòng chống thích ứng. Biện pháp đầu tiên là di cư dân chúng ra khỏi nơi có phóng xạ 20 km (nước Nhật đang thực hiện). Tiếp đó cho người dân uống thuốc i-ốt. TS Nguyễn Nhị Điền giải thích thêm: “Tuyến giáp con người rất “nhạy” với việc hấp thụ i-ốt, cho nên uống thuốc i-ốt (không chứa phóng xạ) trước để cơ thể được bão hòa i-ốt. Nếu khi xuất hiện đồng vị phóng xạ I-131 thì cơ thể con người ngưng hấp thụ loại i-ốt này”.

Được biết các cơ sở hạt nhân thường xuyên có sẵn thuốc i-ốt cung cấp cho cán bộ nhân viên khi làm việc, uống thuốc i-ốt có tác dụng ngăn ngừa phóng xạ rất tốt. Bên cạnh đó cán bộ, nhân viên làm việc tại các cơ sở hạt nhân còn được trang bị quần áo, khẩu trang, giày dép phù hợp để ngăn ngừa phóng xạ. Tại Viện NCHN Đà Lạt, các tấm kính cửa sổ, cửa chính đều làm bằng thủy tinh chì có tác dụng che chắn phóng xạ; nhiều thiết bị nghiên cứu tại viện đều có lớp chì che chắn bảo đảm an toàn cho con người.

Theo: (TNTS)/( Bài & ảnh: Lâm Viên)

Mây phóng xạ đến gần Quảng Ninh

Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, hôm nay mây phóng xạ tiến gần đến thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

“Đám mây phóng xạ có vào khu vực miền Bắc cũng không đáng lo ngại, vì nồng độ nhỏ hơn hàng chục nghìn lần so với tiêu chuẩn, nên không ảnh hưởng đến sức khỏe con người”, tiến sĩ Vương Hữu Tấn, viện trưởng viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam nhấn mạnh.

Tiến sĩ Vương Hữu Tấn cho biết thêm, nếu trời mưa, lượng phóng xạ sẽ rơi xuống đất nhanh hơn, nhưng nếu thời tiết nắng, con người sẽ dễ hít phải phóng xạ hơn. “Theo tính toán của các nhà khoa học, hiện mức phóng xạ ảnh hưởng đến nước ta rất nhỏ, nên chưa cần phải cảnh báo tới dân chúng”.

Viện Khoa học kỹ thuật hạt nhân cho hay, cơ quan này cũng chưa phát hiện ra phóng xạ trong nước biển tại Việt Nam.

Bài liên quan

Làm gì khi có cảnh báo sóng thần?

Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản hướng dẫn: - “Hãy rời ngay khỏi bờ biển và trú ẩn ở một nơi an toàn khi có thông báo sóng thần…”. Khoảng 10 phút giữa chấn động đầu tiên và lúc các luồng sóng gây chết người ập đến cũng đủ để người dân chạy thoát khỏi các vùng nguy hiểm.   

Nguyên nhân hình thành sóng thần tại Nhật?

Theo các nhà khoa học, sóng thần có thể hình thành khi các mảng địa tầng dưới đáy biển va chạm vào nhau gây nên động đất. Sau khi mảng địa tầng Thái Bình Dương xô vào mảng kiến tạo Bắc Mỹ và xuất hiện sóng thần tại Nhật Bản hôm 11/3.

Làm gì khi xảy ra động đất?

Động đất xảy ra hàng ngày trên trái đất nhưng hầu hết đều ở mức độ nhẹ, không gây ra thiệt hại và đa số chúng ta đều không cảm nhận thấy động đất. Thực tế chỉ những trận động đất có cường độ từ 3 độ richter trở lên con người mới có thể cảm nhận được và chỉ có những trận động đất lớn hơn 5 độ richter mới bắt đầu gây ra thiệt hại.

Lò phản ứng hạt nhân: Nóng chảy hạt nhân là gì?

(hieuhoc_hieuhoc.com) Lò phản ứng hạt nhân hoạt động ra sao? Nóng chảy hạt nhân là gì? Điều gì xảy ra khi thanh nhiên liệu nóng chảy một phần? Hiện nước biển đang được bơm vào trong lò phản ứng, nhưng điều gì sẽ xảy ra sau cuộc chiến chống thảm họa ở nhà máy điện hạt nhân… 

Làm thế nào để sống sót trong đám đông chạy loạn?

Để tăng khả năng sống sót khi bị kẹt trong một đám đông bắt đầu hỗn loạn vì một sự cố nào đó, bạn cần lưu ý những điều sau đây: Phải kiểm soát sự sợ hãi vì nghĩ mình sẽ chết; bình tĩnh để xem xét thông tin về sự cố đang xảy ra; trong những phút đầu tiên tuyệt đối không chạy theo phần lớn đám đông… 

Cùng chuyên mục