Định mệnh chỉ cho bạn một trái chanh? Bạn hãy pha thành một ly nước chanh ngon ngọt.
Tôi xin kể chuyện hai người đã hiểu và áp dụng phương pháp lấy trái chanh của mình pha thành hai ly nước chanh tuyệt ngon.
Câu chuyện thứ nhất:
Đó là chuyện của bà Thehna Thompson ở New York. Trong thời kỳ chiến tranh, chồng bà được bổ nhiệm đến trại huấn luyện, kế bãi sa mạc Mojave thuộc New Mexico. Bà theo săn sóc chồng.
Thật là buồn nản. Ngay ngày đầu, bà đã ghét vùng này, vì chưa bao giờ bà phải ở một xó đất khổ cực đến thế. Chồng bà suốt ngày đi dự các cuộc tập trận trên bãi sa mạc, còn bà suốt ngày lủi thủi trong căn nhà gỗ lụp xụp. Trời thì nóng gần 50 độ.
Bà chẳng có ai ở gần đền nói chuyện cho khuây khoả, ngoài mấy người Mê Hi Cô và người da đỏ không biết lấy một câu tiếng Anh. Gió nóng thổi suốt từ sáng đến chiều, khiến cho đồ ăn và cả đến không khí đầy vị cát.
Bà không chịu nổi nữa. Bà than số phận chẳng ra gì và viết thơ cho cha mẹ sẽ quay về New York, không thể ở lại cái địa ngục này. Ông cụ thân sinh trả lời vỏn vẹn có hai câu, nhưng thấm thía đến nỗi bà không bao giờ quên được, và hai câu đó thay đổi hẳn đời sống của bà:
Trong một nhà tù, hai người cùng đứng vịn tay vào song sắt; một người chỉ trông thấy một bức tường trơ trụi, còn một người ngửa mặt lên trời, ngắm những vì sao.
Bà đọc những dòng này một lần, hai lần cho đến mười lần rồi tự nhiên thấy hổ thẹn. Bà quyết sẽ tìm cái vui trong tình cảnh của bà: bà quyết ngắm sao.
Bà làm thân với thổ dân và đã ngạc nhiên trước cách họ đối lại. Khi bà tỏ ra thích cái gì, món ăn hay vải dệt, họ lập tức mang biết bà những thứ tốt nhất mà chính họ đã từ chối không bán cho các du khách hỏi mua. Bà nghiên cứu những hình thức lạ lùng của cây xương rồng, cây ngọc giá hoa. bà dò xét những cử động, nhưng tính nết của lũ chó vô chủ, bà đứng hàng giờ ngắm mặt trời lặn, huy hoàng và rực rỡ ở bãi sa mạc, bà đi kiếm và tàng trữ những vỏ hến bị vùi sâu dưới cát hàng triệu năm trước, nhưng di tích cuối cùng của thời kỳ mà bãi sa mạc này còn là đáy biển.
Bãi sa mạc không thay đổi, những người da đỏ cũng vậy. Chính bà đã thay đổi, hay nói đúng hơn, tinh thần của bà đã thay đổi, tạo cho bà một thời kỳ thú vị nhất trong đời bà. Cái thế giới bà khám phá ra kích thích bà viết một cuốn sách tả nó.
Bà đã biết nhìn qua song sắt nhà tù và bà đã biết ngắm sao lóng lánh trên trời.
Câu chuyện thứ hai:
Cách đây mấy năm, khi tới một vùng hẻo lánh miền Florida, tôi đã làm quen với một trại chủ. Ông ta cũng biết pha một ly nước ngon bằng trai chanh độc.
Khi lần đầu thấy khoảng đất mới đã mua được, ông hết sức thất vọng. Đất không màu, trồng cây không được mà nuôi heo cũng không được. Chẳng cây nào mọc được ở đó, ngoài một cây sồi quắt queo và chẳng vật nào sống ở đó được, trừ hàng đàn rắn độc.
Sau ông nghĩ ra một cách làm cho cái khu đất cằn cỗi, phản chủ ấy thành một xí nghiệp phồn thịnh: ông nuôn rắn làm thịt, đóng hộp bán.
Lần tới thăm ông, tôi nhận thấy mỗi năm có đến hai vạn du khách đến xem sở nuôi rắn của ông. Công cuộc buôn bán thật là phát đạt. Mỗi tuần, hàng ngàn lọ nọc rắn được gởi đi đến những phòng thí nghiệm chuyên môn chế thuốc viên từ nọc rắn độc; da rắn được mua với giá cắt cổ để đóng giày, làm ví bán cho các bà các cô sang trong ở tỉnh thành; còn thịt rắn đóng hộp thì được gởi từng tàu đến những thị trường ở khắp nơi.
Tôi có mua được một tấm hình chụp các nhà trong trại, cái làng nhở mới mọc, hãnh diện với caí tên “Serphentville, Frorida” và gởi nó để biếu người đã biết cách pha một ly nước ngon bằng một trái chanh thật độc.