Thế giới trong chai đầy màu sắc, lung linh kỳ ảo. Trong đó là mô hình ngôi nhà thơ mộng hay những con thuyền vượt đại dương, hoặc chiếc máy bay đang bay trên bầu trời… Ngắm thế giới nhỏ bé và đẹp như cổ tích ấy, sẽ càng thú vị hơn khi gặp được những người tạo ra nó.
Lân la ra các cửa hàng bán mô hình, hỏi chú Đức không mấy ai không biết. Chú có 15 năm trong nghề làm mô hình trong chai. Tại TP.HCM, ngoài cậu con trai của chú – Nguyễn Duy Khánh – có lẽ chẳng còn ai làm loại hàng hóa đặc biệt này. Nhiều người nhìn vào cứ nghĩ “quá dễ, chỉ cần cưa cái chai ra, bỏ mô hình vô rồi dán lại là xong”. Nhưng những ai từng thấy hai cha con chú Đức ngồi tỉ mẩn cắt từng cây tăm để làm dây neo, dán từng mảnh nhỏ của chiếc buồm vào trong những chiếc chai nhỏ xíu mới thấy hết được sự kỳ công của họ.
Mỗi mô hình, tùy theo kích thước của chai mà nghệ nhân tính toán từng chi tiết, khoảng cách giữa chúng để khi lắp ghép các chi tiết vào chai có độ ăn khớp với nhau. Một mô hình con tàu được coi là đẹp khi tỷ lệ giữa cột buồm, dây neo, cánh buồm và thân tàu có khoảng cách dàn đều, cân xứng.
Duy Khánh cho biết: “Chơi trò này cực lắm, có những mô hình có cả trăm chi tiết, hai cha con phải tập trung làm cật lực ba đến bốn ngày mới xong. Chuyện mô hình bị lệch phải gỡ ra gắn lại từ đầu là chuyện thường”.
Có hai cách làm mô hình trong chai. Ở nước ngoài, người ta thường lắp ghép thành một mô hình hoàn chỉnh rồi ép nhỏ lại cho vào chai, ở ta thì làm ngược lại, các mô hình được chia thành những chi tiết nhỏ rồi dùng dụng cụ gắp từng mẫu cho vào chai rồi gắn lại bằng keo. Mỗi cách làm đều có cái hay riêng. Khánh nhận xét: “Làm theo cách của mình có cái thú vị là dù cùng một mô hình nhưng tùy vào sự khéo léo, thẩm mỹ của từng người mà mô hình có hình dáng cũng như độ hoàn thiện khác nhau. Mỗi mô hình mang dấu ấn cá nhân độc đáo của người làm sản phẩm”.
Thế giới trong chiếc chai đầy màu sắc, lung linh kỳ ảo. Nhưng ít ai biết thế giới thơ mộng ấy được tạo nên từ một góc nhỏ trong ngôi nhà bé tẹo khiêm tốn tại quận Tân Bình của cha con chú Đức. Hằng ngày, Khánh và ba tỉ mỉ dán từng chi tiết nhỏ của thân tàu, mái nhà, chiếc hàng rào trắng… sao cho sản phẩm của mình hoàn hảo nhất. Cho đến bây giờ, những mẫu mô hình phức tạp, từ vài trăm đến một ngàn chi tiết chỉ có chú Đức làm được. Có một nghịch lý trong nghề này: người ta cứ nghĩ chai nhỏ thì khó làm hơn nhưng thật ra chai càng lớn thì càng khó lắp mô hình vào bên trong. Khó vì chai lớn thì phải dùng những chiếc kẹp dài hơn mới gắp được các chi tiết vào nhau, kẹp gắp càng dài thì sự tập trung phải cao hơn, độ rung của tay cũng tăng lên, không khéo léo thì không thể lắp được các chi tiết khớp với nhau được.
Nhìn vào túi đựng “đồ nghề” của dân làm mô hình tí hon, thấy sao mà gọn nhẹ quá: một chiếc kẹp gắp, hai hũ keo, một cái dao lam để rọc tăm, một chiếc bấm móng tay, một chiếc cưa tay nhỏ. Những vật dụng tầm thường ấy dưới bàn tay tài hoa cùng sự tỉ mỉ tinh tế đã tạo nên những mô hình đẹp, thu hút bao người.
Theo (Chuyển động trẻ/Thanh niên)