Nên bắt đầu từ sự nhận thức của bản thân. Hãy để ý tâm trí của mình, nếu bạn cảm thấy đã cạn kiệt sự sáng tạo, hãy đi dạo hoặc làm một điều gì đó không yêu cầu sự tập trung. Quan trọng hơn hết là hãy cho mình những khoảng không gian để đầu óc được tản mạn.
Ngày nay, những giây phút rảnh rỗi của chúng ta được lấp đầy bởi việc sử dụng điện thoại thông minh và các thiết bị khác – từ việc lướt mạng xã hội, nghe các chương trình phát sóng, trả lời email, khiến đầu óc chúng ta không còn thời gian để mơ mộng nữa.
Điều này nghe tưởng chừng như nhỏ, nhưng lại có tác động rất lớn lên hoạt động của não bộ cũng như lên sự sáng tạo của chúng ta. Trên thực tế, điều này có thể giới hạn khả năng tư duy sáng tạo của mỗi người.
Những sáng kiến
Năm 2012, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng việc thả hồn bay bổng có thể giúp chúng ta tìm ra những giải pháp sáng tạo cho các vấn đề. Từ Einstein cho đến các nhà hoá học thắng Giải Nobel cũng như người phát minh ra giấy ghi chép dính tường Post-it, nhiều khối óc vĩ đại trên thế giới đều biết khai thác lợi ích của những khi bộ óc được nghỉ ngơi. Và có lẽ ngay cả bạn cũng nhận ra rằng những sáng kiến tốt nhất của mình thường đến khi bạn đang tắm hoặc đi dạo bộ.
Khi đầu óc bạn được cho phép tản mạn, nó sẽ lục lại các ký ức, cảm xúc và những kiến thức được lưu trữ, Amy Fries, tác giả cuốn Daydreams at Work: Wake Up Your Creative Powers và là một biên tập của Psychology Today, cho biết.
“Khi để cho tư duy tự do trôi dạt, bạn có thể hình dung hoặc thúc đẩy diễn giải của chính mình về các sự kiện.”
Sự hình dung này có thể giúp chúng ta nhìn thấy một khía cạnh mới của vấn đề hoặc kết nối hai vấn đề tưởng chừng không liên quan để từ đó có một ý tưởng đặc biệt.
“Tôi có khả năng sáng tạo tốt nhất khi não bộ được nghỉ ngơi,” Megan King, một nhà thiết kế đồ hoạ cho công ty kiến trúc và kỹ thuật Global Inc, nói. Là một nhà thiết kế, King luôn phải nghĩ ra các sáng kiến mới mẻ và hấp dẫn.
“Đôi khi tôi dành cả ngày ra để làm việc mà vẫn không đạt được kết quả như ý muốn,” King nói. “Khi đó tôi sẽ ngủ thật sâu và ngày hôm sau giải quyết vấn đề chỉ trong 15 phút.”
Nhưng tôi “cũng thuộc dạng bị nghiện điện thoại,” bà nói.
Bà không phải là người duy nhất. Theo Nielsen, người Mỹ dành ra 10,5 tiếng mỗi ngày cho các phương tiện truyền thông. Người Anh thì dành ra gần 10 tiếng mỗi ngày, theo eMarketer. Thói quen này khiến chúng ta không cảm thấy thoải mái khi ngồi yên để tĩnh tâm.
Các nhà khoa học đã thực hiện một nghiên cứu trong đó những người tham gia được chọn hoặc ngồi yên không bị quấy rầy trong 6-15 phút hoặc chịu bị giật điện nhẹ. Rất nhiều người chọn bị giật điện nhẹ.
Những trạng thái khác nhau
Khi mắt của bạn dán vào màn hình, trí óc bạn ở một trạng thái rất khác so với lúc bạn đang mơ mộng.
Qua nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng não của chúng ta có hai hệ thống chú ý riêng lẻ, Daniel Willingham, Giáo sư Tâm lý tại Đại học Virginia – một hệ thống bên ngoài và hệ thống bên trong. Hệ thống chú ý bên trong, vốn kích hoạt khi ta mơ mộng, được gọi là mạng lưới mặc định.
“Mạng lưới mặc định được kích hoạt khi bạn nghĩ về bản thân, nghĩ về quá khứ và tương lai,” Willingham nói. “Bạn không thể kích hoạt hai hệ thống chú ý cùng một lúc, nhưng chúng lại liên kết với nhau.”
Nếu cả hai hệ thống không thể được kích hoạt cùng một lúc và bạn dành ra 10 tiếng một ngày chỉ cho một hệ thống, liệu điều đó sẽ tác động tác não của chúng ta cũng như khả năng sáng tạo của ta ra sao?
“Đây không phải là một sự can thiệp nhỏ… Trong nhiều trường hợp, đây là một khối lượng thời gian rất lớn,” Willingham nói, “nhất là với các thiếu niên.”
“Từ góc độ tâm lý, chúng ta thường quan tâm tới những tác động của vấn đề này đối với bản thân mình về dài hạn,” ông nói. Những hậu quả trước mắt thì khó thấy hơn, thế nhưng tất cả thời gian chúng ta dành để chúi mắt vào màn hình điện thoại, khiến chỉ có một hệ thống chú ý được kích hoạt, rất có thể đã để lại những tác động về lâu dài.
Hãy trung thực với bản thân để nhận ra khi chính bạn đang suy nghĩ hạn hẹp. Khi đó, bạn có lẽ nên cân nhắc để thường xuyên tìm cách đưa ra những quyết định nằm ngoài khuôn khổ của bản thân.
Cai nghiện
Điều đáng mừng là nhiều người đang bắt đầu học cách quản lý bản thân. King gần đây đã tự cách ly bản thân với Facebook sau khi nhận ra bà dành quá nhiều thời gian trên trang này những lúc rảnh rỗi.
“Tôi bắt đầu ý thức về sự lạm dụng của mình,” bà nói. “Tôi đã tìm cách kiềm chế, nhưng điều này rất khó.”
Willingham, người thường nghe các buổi phát sóng hoặc nghe đọc sách qua băng khi tản bộ, đã bắt đầu bỏ thiết bị của mình ở nhà. Ông cảm thấy hạnh phúc hơn khi có được sự yên tĩnh. Fries cũng đã cố tình hạn chế việc sử dụng điện thoại và TV.
“Tôi thậm chí đã nghĩ về việc không sử dụng mạng trong cả năm,” bà nói.
Fries khuyên rằng “Nên bắt đầu từ sự nhận thức của bản thân”. Hãy để ý cảm giác của mình khi nhìn vào màn hình điện thoại. Nếu bạn cảm thấy đã cạn kiệt sự sáng tạo, hãy đi dạo hoặc làm một điều gì đó không yêu cầu sự tập trung. Quan trọng hơn hết là hãy cho mình những khoảng không gian để đầu óc được tản mạn.
“Tôi nghĩ đó là điều mà mỗi cá nhân có thể sở hữu,” Frieds nói. “Chấp nhận trạng thái mơ mộng của não bộ gần như là một cuộc cách mạng.”
Các công ty cũng sẽ hưởng lợi từ việc cho phép nhân viên khoảng trống để thư giãn đầu óc, bà nói. Điều này giúp họ có được những ý tưởng tốt và sáng tạo hơn.
“Bất cứ những lãnh đạo trong ngành nào cũng đều là những người hay mơ mộng, tôi chắc chắn là vậy,” Frieds nói.
Bên cạnh việc rời khỏi Facebook, King đã ngưng đem điện thoại hay máy tính đến các cuộc họp bất cứ khi nào có thể, vì điều này giúp bà có được những ý tưởng tốt và đặc biệt hơn, bà nói. Bên cạnh đó, điều này cũng giúp bà có thời gian tập thể dục, ngủ và thư giãn buổi trưa – ví dụ như đi dạo ở một công viên lân cận và chỉ mang theo mình giấy bút.
“Đó là điều kiện lý tưởng cho sự sáng tạo đối với tôi,” King nói. “Tôi cảm giác như thời gian ngừng lại khi ngồi ở đó.”
Theo: Người lười biếng có khả năng sáng tạo tốt? – “ Công nghệ khiến ta suy nghĩ hạn hẹp“ – Cuộc sống con người đã thay đổi thế nào từ Internet (BBC/DT).