(hieuhoc_hieuhoc): Khác biệt lớn nhất giữa chủ doanh nghiệp và ngươi làm công nằm trong sự khác nhau giữa ước muốn được đảm bảo và khao khát được tự do.
Đừng chờ tất cả đèn tín hiệu cùng xanh
Một lí do nữa khiến nhiều người không thành công như mong muốn là nỗi sợ hãi – thường là sợ hãi sai lầm hoặc thất bại. Có một lí do nữa cũng là sợ, nhưng nó được thể hiện khác một chút. Những người này che đậy nỗi sợ bằng cách tỏ ra mình là người cầu toàn. Họ chờ cho đầy đủ mọi điều kiện xuất hiện rồi mới bắt đầu khởi nghiệp. Họ muốn tất cả đèn tín hiệu cùng xanh rồi mới lao vào đường chạy. Vì thế mà khi nói đến chuyện xây dựng công ti, nhiều người vẫn cứ bị kẹt trên đường chạy dù động cơ đã sẵn sàng.
Ba phần của việc kinh doanh
Một trong những chủ doanh nghiệp giỏi nhất mà tôi từng biết là một người bạn và cũng là đối tác kinh doanh của tôi. Tôi đã lập nhiều công ty chung với anh – ba công ty đã lên sàn chứng khoán và mang lại cho chúng tôi nhiều triệu đôla. Anh đã nói như thế này để mô tả một chủ doanh nghiệp, “Có 3 phần để thực hiện việc kinh doanh. Một là tìm được đúng người. Hai là tìm đúng cơ hội. Và ba là tìm ra tiền”. Anh cũng nói, “Hiếm khi cả 3 cía đến cùng một lúc. Đôi khi bạn có người nhưng lại không có hợp đồng hay tiền. Đôi khi bạn có tiền nhưng lại không có việc hay có người. Việc quan trọng nhất của chủ doanh nghiệp là tóm lấy 1 miếng và bắt đầu đặt nó chung với các miếng kia. Việc đó mất nhiều tuần hay nhiều năm, nhưng khi đã có một miếng thì bạn cũng đã có thể khởi sự.” Nói cách khác, chủ doanh nghiệp không quan tâm nếu 2 trong 3 đèn giao thông đang đỏ. Thực tế, chủ doanh nghiệp không nề hà gì nếu cả 3 đèn cùng đỏ. Đèn đỏ không ngăn được người có máu làm chủ trở thành một chủ doanh nghiệp.
Cái gì đáng thì làm ngay
Bạn có bao giờ để ý là các phần mềm, chẳng hạn Windows của hãng Microsoft thường có nhiều phiên bản như Windows 2.0 và Windows 3.0 không? Điều đó có nghĩa là họ đã cải thiện sản phẩm và bây giờ muốn bán mau phiên bản tốt hơn. Nói cách khác, sản phẩm đầu tiên họ bán cho bạn không hề hoàn hảo. Họ đã bán dù biết rằng nó còn lỗi, còn trục trặc và cần được nâng cấp nữa.
Nhiều người không thể ra đến thị trường vì họ liên tục hoàn thiện sản phẩm của mình. Giống như người cứ đứng chờ cho tất cả đèn giao thông cùng xanh, một số chủ doanh nghiệp chẳng bao giờ xuất hiện trên thương trường vì họ đang mãi tìm kiếm hoặc chật vật hoàn thiện sản phẩm hay viết một bản kế hoạch kinh doanh hoàn hảo. Người cha giàu thường nói, “Cái gì đáng làm thì làm ngay.” Henry Ford từng nói, “Rất vui mừng tôi đã có khách hàng. Họ mua sản phẩm của tôi trước khi chúng được hoàn hảo”. Nói cách khác, chủ doanh nghiệp khởi sự và tiếp tục hoàn thiện bản thân, công việc và sản phẩm của mình. Nhiều người không khởi sự cho đến khi mọi việc đâu vào đó. Vì thế mà họ chẳng bao giờ có thể bắt đầu.
Biết khi nào là lúc giới thiệu sản phẩm ra thị trường vừa là một khoa học mà cũng là một nghệ thuật. Có thể bạn không muốn chờ đến khi sản phẩm được hoàn hảo mà cũng có thể chẳng bao giờ nó hoàn hảo. Chỉ cần nó “đủ tốt” để thị trường chấp nhận. Tuy nhiên, nếu sản phẩm bị lỗi đến độ không đáp ứng được nhu cầu của thị trường hoặc giả gây vấn đề thì có thể nó khó tạo lại được uy tín và tên tuổi cho chất lượng.
Một trong những yếu tố tạo nên một chủ doanh nghiệp thành công là khả năng đánh giá được “cung” của thị trường và biết khi nào ngừng phát triển sản phẩm và bắt đầu tiếp thị. Nếu sản phẩm được đưa vào thị trường hơi “non tuổi” một chút thì chủ doanh nghiệp vẫn có thể cải thiện và có các bước để duy trì tên tuổi trên thị trường. Ngược lại, trì hoãn giới thiệu sản phẩm có thể lỡ đi cơ hội một đi không trở lại.
Nếu bạn còn nhớ các bản Windows trước đây, hẳn bạn còn nhớ máy tính của bạn “chết cứng” bao nhiêu lần. (có người bảo Windows nhiều bọ rệp quấy phá đến độ nên bán kèm thêm một con thuốc trừ sâu). Nếu một chiếc xe hơi bị chết máy thường xuyên như chương trình Windows thì khó được thị trường chấp nhận. Thực tế, xe hơi là một sản phẩm rất chua và chủ hãng hẳn sẽ bị buộc phải thu hồi. Tuy nhiên, Windows dù cho có nhiều sai sót đi nữa thì vẫn thành công kinh khủng. Vì sao vậy? Nó đã lấp được nhu cầu của thị trường và không đi ra ngoài kì vọng của thị trường. Microsoft đã nhận ra cửa sổ cơ hội và bắt đầu tiếp thị. Với những bạn đang sử dụng bản Windows hiện tại, nếu Microsoft chờ cho Windows hoàn thiện hẳn thì đến giờ vẫn chưa có mặt trên thị trường.
Giỏi ngoài đời thực hay giỏi ở trường
Trong võ thuật, có một câu nói thế này, “cốc đầy vô dụng. Cốc cạn hữu dụng”. Với chủ doanh nghiệp thì câu nói đó cũng đúng.
Chúng ta từng nghe nói, “À, chuyện đó tôi biết cả rồi”. Đó là câu nói từ những người có cốc đầy. Đó là phát biểu của người tin rằng mình biết tất cả câu trả lời. Chủ doanh nghiệp không thể biết hết mọi câu trả lời. Họ hiểu rõ mình không thể biết hết mọi câu trả lời. Họ hiểu thành công đòi hỏi cốc của mình luôn luôn cạn.
Một người làm công để thành công thì phải biết câu trả lời đúng. Nếu không, họ sẽ bị đuổi việc hoặc không có đường tiến thân. Chủ doanh nghiệp không cần biết mọi câu trả lời. Điều họ cần biết là gọi cho ai. Vai trò của người tư vấn là ở chỗ này.
Người làm công thường được đào tạo thành các chuyên gia. Nói đơn giản, chuyên gia là người biết rất nhiều về một cái nhỏ. Cốc của anh ta phải đầy tràn.
Chủ doanh nghiệp cần phải là người nhìn tổng quát. Đó là người biết ít hơn về một cái lớn. Cốc của anh ta phải cạn.
Chúng ta đi học để có chuyên môn. Chúng ta đi học để trở thành kế toán, luật sư, thư kí, y tá, bác sĩ, kĩ sư hay người lập trình. Đó là những người biết nhiều về những cái nhỏ. Càng chuyên sâu, họ càng kiếm được nhiều tiền – hoặc chí ít thì học cũng hi vọng như vậy.
Điều làm cho chủ doanh nghiệp khác hẳn là họ phải biết ít về kế toán, luật, hệ thống kĩ thuật, hệ thống kinh doanh, bảo hiểm, y tế, thiết kế sản phẩm, đầu tư tài chính, con người, bán hàng… và làm việc với những người được đào tạo trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Chủ doanh nghiệp thực thụ hiểu có rất nhiều điều để biết và rất nhiều điều chưa biết, họ không thể nào biết tường tận vào từng lĩnh vực được. Vì thế mà cốc của họ luôn cạn. Họ phải luôn luôn học hỏi.
Kết luận
Theo ý tôi, khác biệt lớn nhất giữa chủ doanh nghiệp và ngươi làm công nằm trong sự khác nhau giữa ước muốn được đảm bảo và khao khát được tự do.
Người cha giàu từng nói, “Nếu con trở thành một chủ doanh nghiệp thành công, con sẽ biết một thứ tự do mà rất ít người từng biết. Đó không đơn thuần là việc có thật nhiều tiền hay thời gian rảnh rỗi. Đó là sự tự do, thoát khỏi nỗi lo sợ.”
“Tự do thoát khỏi nỗi lo sợ?” tôi hỏi.
Ông gật đầu nói tiếp, “Khi con nhìn vào những gì nằm sau từ đảm bảo, con thấy chữ sợ ở đó. Đó là lí do mà nhiều người nói ‘Học hành cho tốt vào’. Đó không phải là tình yêu đối với học vấn hay vì học thức mà chỉ vì nỗi sợ – con sợ không có được chỗ làm tốt hay không kiếm ra tiền. Hãy nhìn cách thầy giáo ‘động viên’ học sinh ở trường – đó là ‘động viên’ bằng nỗi sợ. Họ nói ‘Nếu em không học thì em sẽ thất bại’. Tức họ khuyến khích học sinh bằng nỗi sợ thất bại. Khi sinh viên tốt nghiệp và có việc làm, động lực một lần nữa lại là sự sợ hãi. Ông chủ bằng lời hay hành động đều nói rằng, ‘Không làm được việc thì cuốn gói đi cho’. Nhân viên gắng làm vì sợ, sợ không có thức ăn trên bàn, không có tiền trả nợ nhà. Lí do người ta bấu vào sự đảm bảo là vì sợ. Vấn đề của sự đảm bảo là nó không hề giải quyết được nỗi sợ. Đơn giản nó chỉ ‘trùm mền’ lên nỗi sợ và nỗi sợ vẫn ở đó, giống như ông ba bị vẫn cười trong chăn”
“Vậy nếu đảm bảo là kết quả của nỗi sợ thì động lực đằng sau tự do là gì?” tôi hỏi.
“Lòng can đảm”, người cha giàu mỉm cười. “Từ ‘can đảm’ bắt nguồn từ tiếng Pháp le coeur – trái tim”. Ông ngừng một lúc rồi nói tiếp, “Làm chủ doanh nghiệp hay làm công, câu trả lời nằm trong trái tim con.
Nguồn: Sách “Dạy con làm giàu” – Tác giả: Robert Kiyosaki và Sharon Lechter, Biên dịch: Thiên Kim, NXB Trẻ
Bài viết liên quan: