(hieuhoc_hieuhoc.com) Hiện nay tỷ lệ điều dưỡng trên bác sĩ của Việt Nam hiện thấp nhất trong khu vực. Vì vậy nguồn nhân lực về điều dưỡng hiện đang thiếu ngay chính cho nhu cầu trong nước và xa hơn là nhu cầu ở các nước phát triển.
Điều dưỡng viên: phụ tá cho bác sĩ là chính
Công việc của điều dưỡng quan trọng nhất và mất nhiều thời gian nhất là chăm sóc bệnh nhân, chứ không phải chỉ biết thực hiện theo y lệnh của bác sĩ như hiện nay. Việc thực hiện y lệnh của bác sĩ: đo nhịp tim, huyết áp và chích thuốc chỉ là một việc nhỏ và được xếp vào hàng thứ yếu trong rất nhiều việc điều dưỡng phải làm.
Được biết, hiện nay trường đại học Y dược TP.HCM đã đào tạo được khoá thứ ba thạc sĩ điều dưỡng. Bộ Y tế đang chủ trương đào tạo điều dưỡng thực hành tại các bệnh viện hạng đặc biệt với mã ngành đào tạo điều dưỡng chuyên khoa I, chuyên khoa II… Còn theo thống kê từ bộ Giáo dục và đào tạo, cả nước hiện có khoảng trên 70 cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng và đại học ngành điều dưỡng. Nhưng ngoại trừ các cơ sở đào tạo bậc trung cấp điều dưỡng ngắn hạn bổ sung nguồn lực cho địa phương, đối với các trường đại học, cao đẳng y tế công lập, hiện năng lực đào tạo rất ít ỏi, chỉ khoảng 200 sinh viên/năm.
Trong khi thách thức đối với Việt Nam là thiếu điều dưỡng có trình độ chuyên môn cao và thiếu quản lý điều dưỡng giỏi. Thống kê của bộ Y tế cho thấy, cả nước có hơn 80.000 điều dưỡng, hộ sinh nhưng đến gần 80% có trình độ trung học và khoảng 10,5% có trình độ sơ cấp. Riêng tại TPHCM chỉ có 8.322 điều dưỡng và nữ hộ sinh chăm sóc cho hơn 6,3 triệu dân. Theo dự báo của Vụ Khoa học đào tạo (Bộ Y tế), với tốc độ tăng dân số hiện nay, thì tới năm 2015 Việt Nam cần tới 372.000 cán bộ y tế, số cần bổ sung từ nay cho đến 2015 là gần 283.000 cán bộ y tế. Mỗi năm chúng ta cần thêm 5.800 bác sĩ, 1.600 dược sĩ và hơn 145.000 điều dưỡng viên.
Chương trình tiên tiến về điều dưỡng
Ông Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội, cho biết, nhà trường là nơi đầu tiên trong khối y dược của Việt Nam được thông qua việc tổ chức chương trình tiên tiến về điều dưỡng. Dự kiến, ngoài kinh phí hỗ trợ của Chính phủ, chương trình này sẽ cần khoảng từ 2- 4 triệu USD.
Ông Hinh cho rằng các trường cần tập trung đào tạo điều dưỡng vì đây là ngành mà người được đào tạo có hy vọng được sang Mỹ làm việc nhiều nhất.
Hiện nay, các nước như Mỹ, Australia, Đài Loan, Nhật Bản, đang thiếu rất nhiều điều dưỡng viên. Đặc biệt, đây là ngành có mức thu nhập hấp dẫn. Một điều dưỡng Việt Nam sang Mỹ làm việc có mức thu nhập từ 70-80 nghìn USD/năm. Tại Austrlia, thu nhập khởi đầu của một điều dưỡng vào khoảng 50 nghìn đô Australia một năm.
Kim Tuyến tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)