Rất nhiều thí sinh băn khoăn về tuyển sinh đại học 2017 và đặt câu hỏi vậy ai sẽ là người được chọn khi các thí sinh có mức điểm thi bằng nhau và không thể lấy cả vì vượt quá chỉ tiêu của nhà trường.
Trong trường hợp các thí sinh bằng điểm nhau nhưng số trúng tuyển vẫn chưa vượt quá số chỉ tiêu cho phép thì tất cả các em đều được chọn.
Thắc mắc của thí sinh chủ yếu rơi vào tình huống: khi 2 hay nhiều thí sinh cùng có mức điểm như nhau nhưng nếu lấy tất cả thì vượt quá số chỉ tiêu của các ngành/trường.
Trên thực tế, sự cạnh tranh về cơ hội trúng tuyển đại học với mức điểm số bằng nhau xảy ra ở 2 trường hợp:
Thứ nhất, bằng điểm thi khi cùng đăng ký nguyện vọng 1 (hoặc cùng nguyện vọng có số thứ tự n bất kỳ) vào ngành/trường.
Thứ hai, bằng điểm khi số thứ tự nguyện vọng đăng ký vào ngành/trường là không giống nhau (ví dụ đăng ký vào cùng một ngành/trường thí sinh A đăng ký bằng nguyện vọng 1, thí sinh B đăng ký bằng nguyện vọng 2)
Vậy thí sinh nào sẽ được chọn và qua những tiêu chí gì?
Ông Nghĩa – Cục phó Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, về nguyên tắc, nếu không có điều kiện gì thì trường phải lấy hết số thí sinh bằng điểm nhau, tuy nhiên lại vượt số chỉ tiêu cho phép. Do đó, với các trường đại học lớn thường đưa ra các tiêu chí phụ làm căn cứ lọc thí sinh. Sau đó sẽ xét đến số thứ tự của nguyện vọng mà thí sinh đăng ký.
Việc xét tiêu chí phụ sẽ luôn được ưu tiên trước thứ tự nguyện vọng. Trường không đưa tiêu chí phụ sẽ xét luôn bằng thứ tự nguyện vọng.
“Ví dụ như Trường ĐH Y Hà Nội, tiêu chí phụ và thứ tự ưu tiên của các tiêu chí phụ dùng để xét tuyển nếu các thí sinh cuối cùng của chỉ tiêu tuyển sinh có điểm thi bằng nhau là: Ưu tiên 1 điểm bài thi Toán; Ưu tiên 2 điểm môn thi Sinh học. Như vậy thí sinh nào có điểm Toán và Sinh học cao hơn thì sẽ lần lượt được xét trước”.
Ngoài ra, ông Nghĩa cũng cho biết, những tiêu chí phụ để xét tuyển cũng đã được tất cả các trường đại học công bố công khai trong phương án tuyển sinh đăng tải trên website của mình và thí sinh nên tìm hiểu kỹ để biết thêm.
Theo ông Nghĩa, sau khi các trường đã xét hết các tiêu chí phụ đã được công bố trong phương án tuyển sinh năm 2017 mà số lượng thí sinh vẫn vượt quá số chỉ tiêu, lúc đó sẽ ưu tiên thí sinh nào đăng ký vào ngành/trường bằng nguyện vọng cao hơn. “Đến đây sẽ không phải là tùy nhà trường xét tiếp như thế nào mà là quy chế bắt buộc do Bộ GD-ĐT đưa ra để ưu tiên những em có sở thích, đam mê với ngành nghề và có định hướng lựa chọn từ đầu.
Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, các thí sinh hoàn toàn có thể yên tâm và không phải lo lắng khi việc này phần mềm xét tuyển có thể xác định một cách chính xác các tiêu chí qua đó cho ra kết quả công bằng.
Theo: (Giáo dục /Tuyển sinh VNN)