Điểm sàn đại học, cao đẳng khoảng 13 – 15

Thứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long – Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng, Trung cấp Chuyên nghiệp năm 2008 dự đoán như vậy.

Trong chương trình Đối thoại trẻ với chủ đề “Trước giờ thi”, được tường thuật trực tiếp trên VTV6, Đài Truyền hình Việt Nam tối qua 21/6, Thứ trưởng Bành Tiến Long nói: Điểm chuẩn của từng trường không thể dự báo nhưng điểm sàn xét tuyển ở các khối A, B, C, D bốn năm qua trong khoảng 13 – 15 điểm. Tôi nghĩ năm nay điểm sàn cũng như vậy.

Năm 2008, gần 2,2 triệu hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng, tăng hơn 2 triệu hồ sơ so với năm 2007 (tăng khoảng 18%), vậy cơ hội vào các trường của thí sinh sẽ giảm đi, thưa Thứ trưởng?

Tuy tỉ lệ hồ sơ đăng ký dự thi cao hơn năm ngoái nhưng tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường cũng tăng lên. Thậm chí, các em còn có nhiều cơ hội hơn vì năm nay môn ngoại ngữ thi thêm tiếng Nhật và tiếng Đức (thi trắc nghiệm).

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT vừa ban hành quy chế đào tạo liên thông. Những em tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp có thể học lên cao đẳng; tốt nghiệp cao đẳng có thể liên thông lên đại học. Như vậy, cơ hội của các em rất nhiều.

Ông Trần Bá Giao – Phó Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT: Tỉ lệ hồ sơ đăng ký dự thi năm 2008 tăng 18% nhưng chỉ tiêu tuyển sinh cũng tăng tương đối: Đại học tăng 12%; Cao đẳng: 22%; Trung cấp Chuyên nghiệp tăng khoảng 12%.

Nhiều thí sinh lo lắng nếu thi trượt đại học, cao đẳng năm nay thì năm 2009 có được thi tiếp và phải thi bao nhiêu môn, trong trường hợp đề án một kỳ thi THPT quốc gia được Chính phủ phê duyệt và thực hiện?

Thí sinh đã tốt nghiệp rồi thì không phải thi tốt nghiệp nữa. Trong đề án nêu rõ, các trường sử dụng kết quả điểm của 3 môn thi để xét tuyển, muốn vào ngành, trường nào chỉ cần thi các môn quy định của ngành, trường đó.

Như vậy, nếu sang năm tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh trượt đại học năm nay chỉ cần thi 3 môn. Thí sinh thi năng khiếu chỉ thi hai môn, còn môn năng khiếu thi riêng. Kết quả đó dùng để xét tuyển. Các trường công bố môn thi xét tuyển trước 1 năm để thí sinh chuẩn bị.

Hiện nay, thí sinh thi theo các khối A, B, C, D nhưng khi tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia, các trường đại học sẽ tuyển theo ngành. Ví dụ, một ngành học của Đại học Bách Khoa Hà Nội có thể không lấy kết quả môn thi khối A Toán, Lý, Hoá mà là Toán, Văn, Ngoại ngữ. Như vậy rất linh hoạt, các em có nhiều lựa chọn.

Nhiều thí sinh băn khoăn nếu tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, Bộ sẽ bỏ thi tốt nghiệp lần 2 và các em mất cơ hội. Trước đây không có kỳ thi này. Bộ GD&ĐT khẳng định, nếu năm sau chưa thực hiện đề án thì cũng không tổ chức thi tốt nghiệp THPT lần 2 nữa.

Thứ trưởng Bành Tiến Long:

– Thực tế cho thấy, chưa bao giờ kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức nghiêm túc như kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng, nên nếu tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia dễ xảy ra tiêu cực và tỉ lệ thí sinh đỗ đại học do tiêu cực sẽ tăng lên? Bên cạnh đó, một số trường muốn tổ chức một đợt sát hạch sinh viên sau khi xét tuyển, vậy thực chất có khác nào hai kỳ thi, thưa Thứ trưởng?

Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, lãnh đạo Bộ, cũng như Ban chỉ đạo thi kiểm tra đột xuất ở một số tỉnh, thấy vẫn còn hiện tượng cướp đề thi, sử dụng phao thi, giám thị chưa hoàn thành nhiệm vụ…, nhưng đó không phải là phổ biến.

Tuy còn những hiện tượng tiêu cực nhưng nhìn chung, kỉ cương thi cử được nâng lên một bước. Nếu tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia, chúng ta sẽ có những biện pháp để tổ chức nghiêm như thi đại học, cao đẳng.

Việc tổ chức thi ở đâu rất quan trọng. Chúng tôi đã bàn, sẽ tổ chức ở những trường đại học, cao đẳng, một số trường chuẩn quốc gia có cơ sở vật chất tốt.

Giám thị, thanh tra làm tốt thì chúng ta sẽ có một kỳ thi tốt. Nếu chúng ta tổ chức thi nghiêm như thi đại học, cao đẳng thì băn khoăn trên không còn. Năm đầu tiên có thể rất khó khăn nhưng dần sẽ đi vào nề nếp.

Tôi cũng khẳng định, các trường không tổ chức một kỳ thi nữa, trừ những trường năng khiếu, trường chất lượng cao… Các trường này phải có ý kiến thống nhất của Bộ GD&ĐT.

– Thứ trưởng có lời khuyên gì đối với những thí sinh trước giờ thi đại học, cao đẳng năm 2008?

Các em phải biết năng lực của mình, kết hợp với quá trình theo dõi điểm tuyển của trường để lựa chọn trường chính xác. Thời gian còn rất ít không đủ bổ sung toàn bộ kiến thức phổ thông nên hãy tập trung vào những vấn đề cơ bản.

Chắc chắn, đề thi năm nay không quá khó, không đánh đố, nhưng sẽ có sự phân loại. Mức độ các câu hỏi khó không quá nhiều nên nắm kiến thức vững là các em có thể yên tâm làm bài.

– Xin cảm ơn Thứ trưởng.

* Ông Trần Bá Giao – Phó Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT: Thí sinh đạt được chuẩn chung của THPT sẽ đỗ tốt nghiệp còn tuyển vào đại học lấy điểm từ trên xuống dưới. Trong đề án này, có 3 lần tuyển theo từng top trường, để thí sinh đăng ký nguyện vọng 1, nguyện vọng 2, nguyện vọng 3.

* Bà Trần Thị Hà – Vụ trưởng Vụ Đại học và Sau Đại học – Bộ GD&ĐT: Những em thi trượt đại học năm nay vẫn được thi lại trong những năm sau, chứ không chỉ mỗi năm sau. Nếu đề án được phê duyệt, thí sinh sẽ thi 3 môn.

Ví dụ, trường Đại học Bách khoa thi Toán, Lý, Hoá thì thí sinh đăng ký thi 3 môn này chứ không phải thi lại những môn tốt nghiệp năm sau. Kết quả đó dùng để xét tuyển.

Theo ThanhNien

Cùng chuyên mục