Trên cơ sở phổ điểm các khối thi 2017, số lượng thí sinh tham gia xét tuyển, đại diện nhiều trường ĐH đều cho rằng điểm chuẩn năm nay sẽ tăng nhưng chỉ ở một số ngành.
Nhiều trường nhận từ điểm sàn
Dự kiến ngày 12.7, Bộ GD-ĐT công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu (điểm sàn) của năm nay, sau đó các trường ĐH sẽ công bố mức điểm nhận hồ sơ tối thiểu.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM dự kiến đưa ra mức điểm nhận hồ sơ cao hơn điểm sàn của Bộ và riêng cho từng ngành, từng chương trình đào tạo. Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM dự kiến 2 mức điểm sàn khác nhau. Với chương trình đại trà, điểm nhận hồ sơ bằng với điểm sàn của Bộ. Còn chương trình chính quy đào tạo theo chuẩn quốc tế thì điểm sàn dự kiến là 17.
Trong khi đó một số trường dự kiến xác định điểm sàn nhận hồ sơ bằng với điểm sàn của Bộ, như Bách khoa TP.HCM, Tài nguyên và môi trường TP.HCM…
Tương tự, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM sẽ nhận hồ sơ xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ cho tất cả các ngành. Về vấn đề này, tiến sĩ Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo, nói thêm đây chỉ là mức điểm tối thiểu nộp hồ sơ chứ không phải điểm chuẩn trúng tuyển. Năm 2016 trường này cũng nhận hồ sơ bằng điểm sàn, nhưng điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 cao hơn ở các mức khác nhau tùy từng ngành cụ thể.
Dự kiến tăng ở khối B, A1, C
Theo tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, dựa trên phổ điểm năm nay thì điểm chuẩn sẽ thay đổi tùy theo tổ hợp môn. Trong đó tổ hợp khối A cơ bản ổn định, A1 sẽ cao hơn từ 1 – 2 điểm, C cao hơn 1 điểm. Riêng khối B năm nay sẽ thay đổi theo 2 mức khác nhau, trong đó với những ngành năm trước điểm chuẩn từ 24 trở xuống sẽ giữ ổn định nhưng tăng tương đối với các ngành có điểm chuẩn cao trên mức này.
Từ đó tiến sĩ Trần Đình Lý cho rằng thay đổi này sẽ tác động đến điểm chuẩn Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM theo cách tương tự. Trong đó, các ngành xét tổ hợp A1 và D1 sẽ có điểm chuẩn nhỉnh hơn năm rồi, A và B giữ mức ổn định vì các ngành tuyển khối B của trường mức điểm chuẩn không ở tốp cao. Tại cơ sở TP.HCM, điểm chuẩn các ngành năm ngoái từ 18 – 22,5 điểm.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng phổ điểm năm nay có nhỉnh hơn nhưng nguồn tuyển thấp hơn nên sẽ không có sự thay đổi lớn về điểm chuẩn. Do vậy, điểm chuẩn các ngành năm ngoái từ 17 – 20 thì năm nay sẽ không tăng quá 1 điểm, các ngành lấy từ 20 – 25 điểm không thay đổi nhiều, nhưng ngành năm ngoái ở mức 25 điểm trở lên sẽ thay đổi mạnh. Nếu tính theo tổ hợp môn thì sẽ có tăng tương đối với tổ hợp khối C, D1, và khối B.
Tương tự, đại diện Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM dự báo, một số ngành có điểm chuẩn cao vào năm trước thì năm nay có thể cao hơn như: hóa học, công nghệ sinh học, kỹ thuật hạt nhân… Tuy nhiên, các ngành còn lại điểm chuẩn sẽ không biến động nhiều.
Thạc sĩ Hoàng Ngọc Hà, Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết năm nay lần đầu tiên trường được mở rộng phạm vi tuyển sinh ra cả nước. Số TS đăng ký xét tuyển vào trường riêng nguyện vọng 1 đã trên 16.000, cao gấp 4 lần so với các năm trước. Trong khi chỉ tiêu tuyển của trường giảm 100 so với năm trước nên điểm chuẩn dự kiến sẽ tăng tương đối, đặc biệt là ngành “nóng” như y đa khoa.
Cũng theo thạc sĩ Hà, trường vừa được cho phép tuyển sinh thêm ngành dược (50 chỉ tiêu), đây sẽ là cơ hội để TS đăng ký mới trong giai đoạn điều chỉnh bổ sung sắp tới.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho rằng trường tuyển sinh các ngành bằng tổ hợp môn có phổ điểm tốt trong năm nay (toán, hóa, sinh) nên chắc chắn điểm chuẩn các ngành sẽ nhích hơn. Tuy nhiên, điểm chuẩn sẽ chỉ thay đổi nhiều với các ngành “nóng” mà các năm luôn có điểm cao như: y đa khoa, răng hàm mặt và dược học.
Điểm chuẩn các ngành kinh tế được dự đoán sẽ tăng.
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy kinh tế là nhóm ngành được thí sinh lựa chọn nhiều nhất ở nguyện vọng 1. Kết hợp với phổ điểm cao của năm nay, điểm chuẩn các ngành kinh tế được dự đoán sẽ tăng.
Theo thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, dựa trên phổ điểm và tình hình đăng ký của thí sinh (TS), có thể điểm chuẩn các ngành của trường năm nay tăng từ 1 điểm trở lên.
Trong đó, thương mại điện tử là ngành mới bắt đầu tuyển sinh năm nay nhưng được nhiều TS quan tâm. Điểm chuẩn ngành này có thể sẽ khá cao. Đáng chú ý, quản trị bệnh viện dù là ngành mới, chỉ tuyển 50 chỉ tiêu nhưng số TS có nguyện vọng (NV) đăng ký ban đầu khá cao. “Đây là ngành được nhiều TS quan tâm và có thể sẽ là ngành có điểm chuẩn cao nhất trong năm nay”, thạc sĩ Đương đánh giá.
Với nhóm ngành đại trà tuyển 4.400 chỉ tiêu, dự kiến điểm chuẩn có thể tăng từ 1 điểm trở lên (năm 2016 là 21 điểm). Nhóm này gồm các ngành: kinh tế học, quản trị kinh doanh, marketing, kinh doanh quốc tế, kinh doanh thương mại, tài chính ngân hàng, kế toán, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Ngôn ngữ Anh (chuyên ngành tiếng Anh thương mại) năm trước có điểm chuẩn 28 (môn tiếng Anh nhân hệ số 2). Phổ điểm tiếng Anh tăng lên như năm nay sẽ tác động tới việc tăng điểm chuẩn ngành này.
PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết theo số liệu đăng ký xét tuyển đến thời điểm này của các nhóm kinh tế, một số ngành mới có số lượng TS đăng ký chưa nhiều như: kinh doanh quốc tế, quản trị nhân sự và kiểm toán. Điểm chuẩn các ngành này có thể không cao, còn lại các ngành truyền thống thuộc nhóm này điểm sẽ nhỉnh hơn. Năm ngoái điểm chuẩn các ngành kinh tế của trường từ 18 – 22 điểm.
Theo số liệu TS đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, kinh tế cũng là lựa chọn của nhiều TS. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp nhà trường, cho biết điểm chuẩn các ngành này năm nay có thể tăng từ 0,5 – 1 điểm tùy ngành (năm ngoái điểm chuẩn ở mức 18 – 19).
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM dự kiến sẽ tăng điểm chuẩn các ngành kinh tế ở mức khoảng 2 điểm (từ 15 – 17 điểm năm ngoái lên 17 – 19 điểm năm nay).
Theo: (Giáo dục /Tuyển sinh TNO)